Không cấp phép khi sim đăng ký không chính xác
Các biện pháp quản lý thông tin thuê bao di động trả trước được siết chặt hơn từ năm 2019 đến nay đã góp phần hạn chế tình trạng sim rác bị kẻ gian sử dụng để gây án, phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Tuy nhiên, các nhà mạng vẫn tồn tại một vài vướng mắc mà lỗi chủ yếu từ một số đại lý.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý triệt để vấn đề sim rác giữa lúc tình trạng tin nhắn rác hoành hành khiến dư luận xã hội bất bình. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã yêu cầu giám sát việc này. Ngày 17-9-2019, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở TT-TT chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương, công an, lực lượng quản lý thị trường triển khai thanh tra diện rộng việc quản lý thông tin thuê bao di động từ ngày 1-10 đến 20-11-2019. Đối tượng thanh tra là các chi nhánh doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký sử dụng với số lượng thuê bao lớn.
Sau những biện pháp được tiến hành quyết liệt, vấn nạn sim rác nhìn chung đã giảm rất nhiều. Việc quản lý thuê bao, xác định số thuê bao chính chủ đã tốt hơn trước. Tuy nhiên, trong thực tế, sim rác tuy giảm mạnh nhưng vẫn còn. Đặc biệt là việc quản lý thông tin thuê bao vẫn tồn tại một số bất cập.
Đó là lý do mà ngày 6-4 vừa qua, Bộ TT-TT đã công bố quyết định kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao trả trước, xử lý sim có thông tin thuê bao không đúng quy định, sim bị sử dụng để thực hiện hành vi phạm pháp của 7 nhà mạng di động (Viettel, VNPT - VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, Gtel, MobiCast, Đông Dương Telecom). Thời gian tiến hành kiểm tra của các đoàn thanh tra liên ngành là 30 ngày.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long cho biết thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông đã nỗ lực rà soát chuẩn hóa thông tin thuê bao nên số lượng sim kích hoạt sẵn đã giảm mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn việc thực hiện sai quy định về quản lý thuê bao di động trả trước. Bộ TT-TT phải tiến hành đợt thanh tra này vì vấn đề mua bán sim rác không chỉ gây hệ lụy tin nhắn rác, cuộc gọi rác mà gần đây còn bị các đối tượng xấu sử dụng để lừa đảo.
Bộ TT-TT đã nắm được tình trạng có đại lý cho nhân viên đăng ký hàng ngàn sim nhưng khi bán thì không chuyển thông tin thuê bao sang người mua. Hậu quả là khi thuê bao này vi phạm pháp luật thì người đăng ký sim sẽ bị xử lý theo pháp luật. Thậm chí, có những đại lý đăng ký sim số lượng lớn ở 5 địa phương khác nhau.
Theo số liệu của Thanh tra Bộ TT-TT, hiện vẫn còn nhiều thuê bao di động trả trước nghi ngờ có thông tin không chính xác. Cụ thể, Vietnamobile còn hơn 11.000 thuê bao, Viettel khoảng 11.000 thuê bao, MobiFone hơn 10.000 thuê bao, VNPT - VinaPhone hơn 1.000 thuê bao.
Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh: "Bộ TT-TT yêu cầu các nhà mạng phải xóa toàn bộ sim rác, dồn sức toàn ngành thực hiện nhiệm vụ này. Chúng ta không thể để sim rác gây hệ lụy cho xã hội được". Bộ TT-TT cũng khẳng định sẽ không cấp phép các dịch vụ mới cho những nhà mạng có sim đăng ký không chính xác, như Mobile Money.
Thật ra, số lượng thuê bao có vấn đề không nhiều, nếu muốn thì nhà mạng hoàn toàn có thể nhanh chóng xử lý dứt điểm. Từ trước đến nay, vẫn có ý kiến cho rằng việc quản lý quá chặt thuê bao di động trả trước sẽ ảnh hưởng cuộc đua phát triển thuê bao của nhà mạng.
Đợt thanh tra được triển khai ngay trong tháng 4/2022 với thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra.
Nguồn: [Link nguồn]