Khởi nghiệp có “chất gây nghiện”, đừng thử khi chưa đủ hiểu biết
Với Nguyễn Duy Vĩ, giám đốc công ty khởi nghiệp Ẩm thực nhà Bu, khởi nghiệp cũng giống như khi bạn chơi một canh bạc. Đôi khi sự thành bại cũng có trong đó ít nhiều yếu tố may mắn.
Khởi nghiệp như một canh bạc
Anh Vĩ trở thành một startup rất tình cờ và quyết định theo đuổi "canh bạc" đời mình khi rời bỏ ghế giảng đường vào năm thứ 3. Startup đầu tiên với tên Hoa đá (năm 2004, chuyên về thời trang cho giới trẻ ) mang lại cho Vĩ một khoản thu nhập không hề nhỏ. Thành quả này theo anh là hoàn toàn dựa vào sự tìm tòi, học hỏi của chính bản thân từ các nguồn trực tuyến về marketing, kinh doanh, quảng cáo.
Cửa hàng kinh doanh bánh bột lọc trực tuyến Ẩm Thực Nhà Bu của Nguyễn Duy Vĩ mỗi tháng thu về đến hơn 100 triệu đồng.
Nhưng chỉ sau 6 tháng, startup đầu tay đã nhanh chóng thất bại. Không chút giấu diếm, anh Vĩ nhận định sự thất bại này là hệ quả của việc thiếu sót kiến thức về khởi nghiệp. Và chính anh khi hồi tưởng lại cũng không nghĩ rằng đó là 1 startup đúng nghĩa. Thua keo này, bày keo khác, anh Vĩ vẫn tiếp tục con đường mình đã chọn và tự bổ sung kiến thức sau những lần thất bại này. Vài lần sau đó, may mắn vẫn chưa mỉm cười, nhưng thứ mà anh Vĩ có được chính là những kinh nghiệm quý giá, là nền tảng cho những thành công bước đầu hiện nay.
Nhọc nhằn bổ sung kiến thức
Anh Vĩ chia sẻ, trước đây, lúc anh mới bắt đầu khởi nghiệp việc tầm sư học đạo vô cùng ‘nhọc nhằn’ vì chưa có những trung tâm, “lò” đào tạo kiến thức về startup. Tuy nhiên, trước xu hướng người người khởi nghiệp, nhà nhà khởi nghiệp, thị trường hiện nay cũng rộ lên vô số những trung tâm, các “lò” dạy về khởi nghiệp. Song chính sự phong phú này lại khiến các nhà khởi nghiệp non trẻ thêm phần khó khăn trong việc chọn nơi đào tạo, bổ sung kiến thức.
Anh Nguyễn Duy Vĩ chia sẻ về Marketing cho sinh viên ĐH Ngoại Thương.
Từng tham gia giảng dạy về khởi nghiệp tại một số trường Đại học nhưng hiện tại do công việc bận rộn nên anh Vĩ chỉ nhận lời giảng dạy một số khóa đào tạo ngắn hạn. Từ kinh nghiệm của mình, anh cho rằng, khởi nghiệp và đi dạy là 2 việc có thể hỗ trợ nhau rất tốt, song người làm startup đúng nghĩa thì họ sẽ không có đủ thời gian để dạy liên tục từ ngày này sang ngày khác.
“Trong bối cảnh, nhà nhà người người khởi nghiệp như hiện nay thì các trung tâm và chuyên gia lại có dịp sinh sôi nảy nở. Đây là điều mà bản thân tôi cũng rất lo ngại khi một số chuyên gia hùng hồn rao giảng những thứ họ chưa từng làm được cho học viên” anh Vĩ bày tỏ.
Tuy nhiên, cũng có vài lò đào tạo startup sở hữu đội ngũ giảng viên tận tâm, giàu kinh nghiệm, môi trường đào tạo thân thiện, giáo trình gắn liền với thực tiễn và tốc độ của thị trường, nhưng học phí lại có thể khiến những nhà khởi nghiệp mới phải cân nhắc.
Theo anh Vĩ, hiện tại vẫn có những “lò dạy khởi nghiệp” cung cấp hình thức đào tạo theo dạng buffet, tức là cung cấp kiến thức theo từng môn, chia thành nhiều trình độ. Hình thức tầm sư học đạo này giúp học viên vừa tiết kiệm được chi phí bổ sung kiến thức, vừa đỡ mất thời gian hơn so với cách đào tạo theo dạng gói từ A đến Z.
Một điều quan trọng mà chính bản thân anh Vĩ chia sẻ là vẫn có không ít “lò” đào tạo chỉ cung cấp kiến thức mà thiếu các case study cụ thể. Quan trọng là hãy hiểu rằng hầu hết các “lò” đào tạo khởi nghiệp không phải là cái nôi khai sinh ra những startup thành công.
Thiếu cái nào, học cái đó
Ở thời điểm hiện tại, “thiếu cái nào, học cái đó” là khẳng định của anh Hoàng Giang, CEO kiêm Co-founder của Etop - một startup nền tảng công nghệ dành cho người bán lẻ vừa gọi vốn thành công (vòng seed). Đối với anh Giang, các startup cần định ra chính xác mảng kiến thức còn khiếm khuyết (ví dụ như quản lý, quản trị, tài chính, quảng cáo Facebook và Google…) và đương nhiên, học đúng cái cần học.
Anh Hoàng Giang, CEO kiêm Co-founder của Etop.
Việc học tập, bổ sung kiến thức là điều không thể thiếu, nhưng theo kinh nghiệm của anh Hoàng Giang, mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp cần phải lắng nghe và chọn lọc những bài học phù hợp với mô hình của mình nhất. Đặc thù của startup là dù làm cùng ngành, cùng sản phẩm nhưng cũng không áp dụng giống nhau hoàn toàn được. Bởi mỗi sản phẩm khởi nghiệp được tạo ra bởi những nhà sáng lập (Founder) khác nhau.
Vị CEO này còn nhấn mạnh, các startup hãy cố gắng tìm một ai đó để hướng dẫn dạng mentor. Mentor có thể xem như là những người người anh em vào sinh ra tử trên “chiến trường” khởi nghiệp. Lẽ đương nhiên, mỗi mentor sẽ có những kinh nghiệm nhất định về một mảng nhất định. Vì vậy, 1 mentor chỉ phù hợp với 1 giai đoạn trong công cuộc khởi nghiệp của bạn. Các nhà khởi nghiệp cần phát triển tốt các mối quan hệ, tìm kiếm những người đồng chí hướng, những người có cùng hoặc cao hơn về khả năng tư duy để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và từ đó dễ dàng kiếm được cho mình những mentor tận tâm trên bước đường khởi nghiệp.
Khi đã chọn khởi nghiệp, các startup cần phải tỉnh táo. Theo kinh nghiệm xương máu của anh Hoang Giang, đã là startup thì chắc chắn cần phải có Co-Founder. Đừng khởi nghiệp một mình. Và quan trọng, một khi đã đi chung một thuyền, các Co-Founder nên phân chia công việc rõ ràng.
"Nếu yêu thích startup, hãy khởi nghiệp từ những điều đơn giản nhất, nên làm tập trung, mô hình càng đơn giản, làm ngách thì chi phí càng ít", anh Giang chia sẻ thêm.
Còn với anh Nguyễn Duy Vĩ, khởi nghiệp không phải là một bức tranh màu hồng. Startup cũng đồng nghĩa với việc bạn phải đánh đổi về thời gian, áp lực từ nhiều phía, và khách quan hơn là không có thời gian cho bản thân và gia đình. Anh Vĩ khẳng định startup có “chất gây nghiện” và lời khuyên chân thành là đừng thử khi chưa hiểu rõ về nó.
CEO kiêm đồng sáng lập công ty Karivara, La Thị Mỹ Lệ; CEO Công ty Công nghệ Enouvo IT Solutions Trần Hạnh Trang và Giám đốc...
Nguồn: [Link nguồn]