"Khoảng cách Xanh" là gì, Việt Nam xếp hạng ra sao trong khu vực?

Sự kiện: Công nghệ

Có khoảng cách giữa nhận thức và hành động cụ thể để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững giữa các quốc gia.

Schneider Electric vừa phát hành báo cáo thường niên Sustainability Survey 2023, cho biết, mặc dù 99% doanh nghiệp Việt Nam đặt ra các mục tiêu về phát triển bền vững nhưng chưa đến một nửa số doanh nghiệp (47%) đã hoặc đang triển khai các chiến lược toàn diện để hiện thực hóa cam kết.

Các doanh nghiệp đang phải hướng tới việc kinh doanh bền vững, thân thiện với môi trường. (Ảnh minh họa)

Các doanh nghiệp đang phải hướng tới việc kinh doanh bền vững, thân thiện với môi trường. (Ảnh minh họa)

Báo cáo này do Schneider Electric và đối tác Milieu Insight thực hiện, đã khảo sát 4.500 lãnh đạo cấp trung đến cấp cao trong khối doanh nghiệp tư nhân ở 9 quốc gia châu Á. Các công ty được khảo sát có quy mô từ trên 1.000 đến dưới 50 nhân sự, trải rộng trên nhiều ngành nghề như bất động sản, giao thông vận tải và công nghệ thông tin. Các quốc gia trong khảo sát gồm: Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.

Schneider Electric đã sáng tạo ra thước đo Green Action Gap, tạm dịch là “Khoảng cách Xanh”. Thước đo này dùng để xác định khoảng cách giữa nhận thức và hành động cụ thể để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Trọng số Green Action Gap càng nhỏ, khát vọng về sự bền vững và hành động để đạt được các cam kết sẽ càng gần hơn.

Ở quy mô khu vực, Green Action Gap nằm ở mức 50%, tô đậm sự khác biệt giữa số công ty đã thiết lập mục tiêu bền vững (chiếm 94%) và số công ty đã triển khai kế hoạch bền vững của riêng mình (44%). Tuy nhiên, khoảng cách này ở Việt Nam đang khá lớn, ở mức 52%, chỉ thấp hơn Hàn Quốc (58%). Khoảng cách nhỏ nhất trong khu vực khảo sát thuộc về Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore, lần lượt ở mức 37% và 38%.

Các công ty tin rằng, phát triển bền vững sẽ giúp tăng cường tính đổi mới sáng tạo và khả năng cạnh tranh (47%), tạo ra cơ hội kinh doanh mới (42%) và nâng tầm thương hiệu (41%). Quản trị rủi ro và các quy định của nhà nước tạo thành 5 yếu tố hàng đầu để thúc đẩy doanh nghiệp đưa ra quyết định về chiến lược bền vững.

Việc theo đuổi những chiến lược này đòi hỏi phải đầu tư dài hạn, nhưng kết quả mang lại hứa hẹn sẽ xứng đáng. Bên cạnh đó, phát triển bền vững đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút và giữ chân nhân tài (97%), theo nhận định của hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp trong cuộc sát. Ngoài ra, “phát triển bền vững” được xem là cánh cửa mở ra cơ hội kinh doanh (98%).

Một con số khá ấn tượng là khoảng 2/3 doanh nghiệp Việt khẳng định họ có đội ngũ tâm huyết để đưa ra các mục tiêu và chiến lược bền vững. Đa số (88%) tin rằng đầu tư của khu vực tư nhân vào chuyển đổi kinh doanh bền vững hiện đã đủ. Tuy nhiên, hơn một nửa cảm thấy rằng sự không chắc chắn hoặc khó khăn về chính sách là trở ngại lớn cho việc đầu tư nhiều hơn. Không ngạc nhiên khi hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam (86%) và trên toàn khu vực (trung bình 82%) tin rằng chính sách thưởng hay ưu đãi sẽ hiệu quả hơn là các hình phạt.

Khảo sát cũng tiết lộ rằng, mặc dù đại đa số các công ty đều có mục tiêu bền vững, nhưng 57% trong số này là các mục tiêu ngắn hạn kéo dài trong 4 năm tới hoặc ít hơn. Dường như các công ty tự tin hơn trong việc đặt ra các mục tiêu chi tiết cho tương lai gần, nhưng lại gặp khó khăn trong việc biến các kế hoạch tổng thể thành hành động cụ thể.

Đây là một ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dạng hội thoại, giúp tương tác với dữ liệu về năng lượng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An An ([Tên nguồn])
Công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN