Khó chặn tin nhắn rác
Việc chặn tin nhắn rác đang bị bỏ ngỏ do các nhà mạng không nhiệt tình hợp tác.
Dù gây rất nhiều phiền toái và bị người dùng phản ứng gay gắt, tin nhắn rác (TNR) gần đây đã biến tướng, ào ạt khủng bố người dùng bằng nhiều kiểu phát tán tinh vi hơn với sự tham gia của nhiều đại lý bán sim số cho những người có nhu cầu quảng cáo “thuê sim” nhắn tin hàng loạt đến người dùng. Các chuyên gia cho rằng các nhà mạng phải chịu trách nhiệm lớn và phải có giải pháp xử lý quyết liệt với các đại lý kinh doanh sim số.
Vì lợi, nhà mạng làm ngơ
Trong dự thảo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đưa ra mới đây có quy định hạn mức nhắn tin dự kiến là 5 tin/phút hoặc 20 tin/giờ hoặc 50 tin/24 giờ nhằm chặn tình trạng phát tán TNR. Tuy nhiên, các nhà mạng đã phản ứng với lý do áp dụng hạn mức này sẽ “chặn nhầm” và làm ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng của nhiều đơn vị làm quảng cáo. Bộ TT-TT đã tạm ngưng việc áp dụng hạn mức này.
Nhan nhản những lời chào mời cho thuê sim để nhắn tin rác.
Theo một số chuyên gia về viễn thông, doanh thu từ tin nhắn số lượng lớn của nhà mạng hợp tác với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung là rất cao. Cũng theo các chuyên gia, việc chưa áp dụng hạn mức số lượng, tần suất tin nhắn sẽ tạo kẽ hở cho các đại lý bán sim có thể phát tán TNR số lượng lớn dễ dàng hơn.
Tháng 7-2014, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) đã bắt Lê Ngọc Tiến (trú tại Bắc Linh Đàm, Hà Nội) vì tội sử dụng thiết bị kết nối mạng phát tán tin nhắn lừa đảo trên các đầu số 7x68 và 7x77 chiếm đoạt phí dịch vụ của người dùng. Lê Ngọc Tiến đã thành lập 3 công ty Vvas, Vcontent, Bắc Đại Dương và từ tháng 6-2013 đến tháng 6-2014, các công ty này đã phát tán hàng triệu tin nhắn lừa đảo chiếm đoạt khoảng 22 tỉ đồng của các thuê bao di động. Số tiền này, Lê Ngọc Tiến ăn chia với các nhà mạng theo tỉ lệ 45%-55%. Tuy nhiên, trả lời trên phương tiện thông tin đại chúng, các nhà mạng lại chối trách nhiệm, cho rằng không thể kiểm soát toàn bộ nội dung tin nhắn dạng lừa đảo. Dư luận đặt ra nghi vấn có phải do nguồn thu lớn nên các nhà mạng làm ngơ để đối tác thuê đầu số móc túi khách hàng. Trong vụ lừa đảo này, các chuyên gia, luật sư cho rằng các nhà mạng phải chịu trách nhiệm vì trong số tiền chiếm đoạt, họ được hưởng tỉ lệ khá cao.
Nhiều sai phạm kinh doanh sim số
Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP HCM, cho biết: “Các giải pháp chặn TNR của các nhà mạng hiện nay vẫn thực sự chưa hiệu quả. Việc chặn TNR phụ thuộc vào trách nhiệm của các nhà mạng. Các nhà mạng phải sớm có giải pháp hiệu quả trong quản lý sim rác, các đại lý kinh doanh sim số cũng như các giải pháp kỹ thuật”.
Theo ông Bùi Việt Dương, Trưởng Phòng Bưu chính Viễn thông Sở TT-TT TP HCM, thực hiện Thông tư số 04/2012/TT-BCVT về quản lý thuê bao di động trả trước, sở đã phối hợp với UBND các quận, huyện kiểm tra 207 điểm đăng ký thông tin thuê bao trước và 404 điểm phân phối sim thuê bao trên địa bàn.
Kết quả đã phát hiện rất nhiều sai phạm như không lưu trữ bảng khai thông tin, không niêm yết thủ tục, quy trình đăng ký thuê bao… và đã xử phạt hành chính 564,9 triệu đồng, ngừng cung cấp dịch vụ đối với 159.561 thuê bao tự ý kích hoạt, đăng ký thông tin không chính xác.
Đối chiếu với cơ sở dữ liệu thuê bao của các doanh nghiệp viễn thông, sở này cũng phát hiện nhiều trường hợp có thông tin thuê bao khai báo nhưng không trùng khớp với người sử dụng thật hoặc có thông tin thuê bao nhưng sim chưa tháo ra khỏi Kit sim sử dụng (tự ý kích hoạt trước thuê bao)…
“Kết quả kiểm tra các đại lý bán sim số cho thấy nhiều sim số đã bị kích hoạt ở các địa phương khác trước khi mang đến TP HCM, gây khó khăn cho công tác quản lý và xử lý. Các nhà mạng đều biết thông tin về các điểm đăng ký thuê bao, kinh doanh sim cũng như hiện tượng nhiều sim số đã kích hoạt sẵn. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để hạn chế hay ngăn chặn” - ông Dương cho biết.
Để giải quyết triệt để vấn đề sim rác, quản lý các đại lý bán sim, theo Sở TT-TT TP HCM, các nhà mạng phải thực hiện việc ký hợp đồng giữa thuê bao trả trước giống như với thuê bao trả sau. Phải xây dựng cơ sở dữ liệu thuê bao để quản lý thuê bao di động trả trước hiệu quả. Bộ TT-TT cần có hướng dẫn cụ thể cho các sở trong việc áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu sim và tài khoản trong sim khi phát hiện các sim phát tán TNR. Nhiều điểm phân phối sim hiện nay chỉ là những điểm mua lại các sim đã được kích hoạt. Vì vậy, Bộ TT-TT cần yêu cầu các nhà mạng kiểm soát, kiểm tra việc kích hoạt hàng loạt sim qua phần mềm, qua thiết bị mà không cần tháo rời sim khỏi Kit của các đại lý bán sim.
“Trói” trách nhiệm các nhà mạng
Đầu năm nay, UBND và Sở TT-TT TP HCM đã yêu cầu các nhà mạng, doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn phải cùng ký cam kết thực hiện trách nhiệm của mình trong việc ngăn chặn TNR. Theo đó, các cơ quan quản lý yêu cầu các nhà mạng phải kiểm tra, giám sát các hoạt động phát tán TNR của thuê bao di động trả trước; tiến hành áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn, thu hồi ngay khi phát hiện vi phạm quy định pháp luật. Đồng thời, các đơn vị này phải thường xuyên kiểm tra, rà soát hoạt động gửi quảng cáo qua tin nhắn và xây dựng hệ thống kỹ thuật nhằm ngăn chặn TNR. UBND TP HCM đã đề nghị các nhà mạng phải thực hiện đúng các yêu cầu trong cam kết ngay trong năm 2015 để xử lý triệt để tình trạng này.