James Webb của NASA nhìn thấy một hành tinh mới giống Trái Đất
Một "vật thể bị hoài nghi" thuộc chòm sao Nam Cực (Octans) vừa được siêu kính viễn vọng James Webb xác nhận là một loại hành tinh mà nhân loại luôn mơ ước tìm thấy.
Theo Sci-News, đó là hành tinh mang tên LHS 475b, từng hiện ra lờ mờ trong dữ liệu của "thợ săn ngoại hành tinh" TESS của NASA, mới chỉ được coi là "ứng cử viên" cho một hành tinh mới bởi dữ liệu còn chưa rõ ràng.
Sử dụng James Webb, siêu kính viễn vọng không gian được phát triển và điều hành chính bởi NASA, với sự hỗ trợ của ESA và CSA (các cơ quan vũ trụ của châu Âu và Canada), nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi tiến sĩ Jacob Lustig-Yaeger từ Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng thuộc Đại học John Hopkins đã xác nhận được đó quả thật là một hành tinh.
Không chỉ vậy, đó là giấc mơ của các nhà thiên văn học: Một hành tinh giống Trái Đất.
Ảnh đồ họa mô tả về hành tinh vừa được phát hiện - Ảnh: NASA/ESA/CSA/STScI
Với "mắt thần" vượt trội hơn TESS nhiều lần, Webb - tên "thân mật" của kính viễn vọng James Webb - đã sử dụng máy quang phổ cần hồng ngoại (NIRSpec) ghi lại hình ảnh của hành tinh tiềm năng một cách dễ dàng và rõ ràng chỉ với 2 lần quan sát quá cảnh - là khoảnh khắc hành tinh bay ngay ngôi sao mẹ.
LHS 475b sở hữu một kích thước mơ ước là 99,1% so với Trái Đất và có chu kỳ quỹ đạo 2,03 ngày quanh ngôi sao mẹ là một sao lùn đỏ nhỏ và mát.
Nó cũng được xác định là một hành tinh đá giống Trái Đất.
"Những kết quả quan sát đầu tiên này về một hành tinh đã có kích thước bằng Trái Đất mở ra cơ hội cho tương lai để nghiên cứu bầu khí quyển các hành tinh đá với Webb. Webb đang đưa chúng ta ngày càng đến gần với sự hiểu biết mới về các thế giới giống Trái Đất bên ngoài hệ Mặt Trời và nhiệm vụ chỉ mới bắt đầu" - Tiến sĩ Mark Clampin, giám đốc Bộ phận Vật lý thiên văn của NASA cho biết
Các nhà khoa học vẫn đang chăm sóc "bản sao Trái Đất" này, bao gồm đánh giá bầu khí quyển của hành tinh. Quá trình sẽ mất nhiều thời gian nhưng đầy hy vọng bởi các tác giả khẳng định dữ liệu từ Webb "rất đẹp".
LHS 475b có khả năng bị "khóa" với sao mẹ như cách Mặt Trăng bị khóa với Trái Đất, tức sẽ có một mặt luôn là ban ngày và một mặt luôn là ban đêm.
Sự sống có thể khó lòng tồn tại bởi dữ liệu ban đầu từ Webb cho thấy nó ấm hơn Trái Đất vài trăm độ. Nếu các đám mây được xác định, nó sẽ giống Sao Kim hơn Trái Đất, bởi họ cũng tìm được dấu hiệu carbon dioxide trong bầu khí quyển. Tuy nhiên không có gì có thể nói trước, vì chính Sao Kim cũng bị nghi ngờ là đang che giấu một dạng sống nào đó.
Phát hiện ban đầu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy.
Nguồn: [Link nguồn]
Một thế giới xa xôi mang tên Gaia17bpp vừa xuất hiện trở lại trước mắt người Trái Đất sau 7 năm "nhật thực", tiết lộ một hệ sao đôi cực hiếm gặp trong vũ trụ.