Hơn 2 triệu tài khoản lừa đảo trên Facebook, Instagram,... bị Meta gỡ bỏ

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Chúng chủ yếu liên quan đến các tổ chức lừa đảo tại Campuchia, Myanmar, Lào, UAE và Philippines.

Meta vừa chia sẻ số liệu là họ đã gỡ bỏ hơn 15.000 liên kết chứa nội dung lừa đảo tại Việt Nam trong năm 2024. Meta cho biết, họ luôn nỗ lực tìm kiếm và ngăn chặn các tên miền lừa đảo giả mạo các thương hiệu của Meta trên Internet, bằng cách hợp tác với các đối tác, bao gồm các nhà đăng ký và nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ toàn cầu.

Cũng trong năm 2024, Meta cũng đã gỡ bỏ hơn 2 triệu tài khoản trên các ứng dụng của Meta liên quan đến các tổ chức lừa đảo tại Campuchia, Myanmar, Lào, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Philippines.

Meta đã gỡ bỏ hơn 2 triệu tài khoản lừa đảo. (Ảnh minh họa)

Meta đã gỡ bỏ hơn 2 triệu tài khoản lừa đảo. (Ảnh minh họa)

Cách an toàn trên môi trường mạng

Dịp này, Meta đã ra mắt chiến dịch nâng cao nhận thức về lừa đảo trên toàn cầu, giúp người dùng kết nối trực tuyến an toàn. Theo khuyến cáo của Meta, khi tìm kiếm quà tặng và ưu đãi trực tuyến, người dùng nên tham khảo những thông tin sau để giữ an toàn:

- Cảnh giác với các email và tin nhắn lừa đảo: Các đối tượng lừa đảo có thể gửi tin nhắn hoặc email từ một địa chỉ giả mạo thương hiệu nổi tiếng hoặc thậm chí là ngân hàng.

- Tránh chia sẻ thông tin cá nhân: Các đối tượng lừa đảo có thể đánh cắp thông tin cá nhân bằng cách yêu cầu người dùng xác nhận thông tin ngân hàng qua tin nhắn hoặc email, hoặc tham gia vào các khảo sát trực tuyến.

- Cảnh giác khi thanh toán trực tuyến: Các đối tượng lừa đảo có thể yêu cầu người dùng thanh toán trước hoặc sử dụng các phương thức thanh toán không cho phép hoàn tiền.

Bên cạnh việc liên tục phát hiện và xử lý các hành vi lừa đảo, Meta đã hợp tác với các nhà nghiên cứu mã nguồn mở tại Graphika để tìm kiếm và ngăn chặn những chiêu trò lừa đảo phổ biến trong mùa lễ hội cuối năm. Meta đã thực hiện các giải pháp ngăn chặn kẻ xấu đứng sau những chiêu trò lừa đảo này khi chúng xuất hiện. Các giải pháp này bao gồm chặn trang web và xóa tài khoản liên quan.

Các hình thức lừa đảo phổ biến trên thế giới

- Quà tặng Giáng sinh: Meta đã ngăn chặn các nhóm lừa đảo nhắm vào người dùng tại Pháp, Tây Ban Nha và Anh với hình thức lừa đảo về quà tặng và giải thưởng. Cụ thể, những kẻ lừa đảo thường đăng hình ảnh giải thưởng giả mạo trên nhiều ứng dụng, bao gồm Threads, X, Facebook và các diễn đàn trực tuyến như Quora.

Khi có người bình luận trên các bài đăng, kẻ lừa đảo sẽ tiếp cận họ để điều hướng sang các ứng dụng nhắn tin hoặc các trang web trên Google Sites, và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như email, số điện thoại, địa chỉ, tình hình tài chính để nhận quà.

- Các chương trình ưu đãi với mức giá hấp dẫn: Meta đã ngăn chặn các hình thức lừa đảo nhắm vào người dùng tại Anh, Pháp, Ý và Đức thông qua hình thức lừa đảo cung cấp đồ trang trí Giáng sinh với mức giá hấp dẫn.

Cụ thể, những đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng trái phép các video trên internet với lồng tiếng AI mô tả sản phẩm, và đưa ra những cảnh báo về việc số lượng có hạn, sau đó đăng lên Facebook, Pinterest cũng như các nền tảng khác. Khi người dùng phản hồi, họ sẽ được dẫn đến các trang web (bao gồm cả những trang tạo bằng dịch vụ Shopify) để mua hàng và thanh toán, nhưng sẽ không bao giờ nhận được sản phẩm.

- Các chương trình khuyến mãi và giảm giá: Meta đã ngăn chặn các nhóm lừa đảo cung cấp phiếu giảm giá và thẻ quà tặng giả cho người dùng nhằm bẫy họ cung cấp thông tin cá nhân tại Mỹ, Ấn Độ và Anh.

Theo đó, những đối tượng lừa đảo đăng bài trên nhiều nền tảng như Telegram, Facebook và Pinterest, dẫn người dùng đến các trang web giả mạo mạng xã hội và yêu cầu thực hiện một khảo sát về giới tính, tuổi, thu nhập, tình trạng công việc và mức độ quan tâm đến tiền mã hóa để tham gia rút thăm trúng thưởng. Những trang này còn hiển thị các bình luận giả từ người dùng trước đó khẳng định họ đã thắng giải “mặc dù nghĩ rằng đó là lừa đảo.”

Một số hình thức lừa đảo phổ biến tại Việt Nam

- Vé du lịch giá rẻ: Khi các gia đình lên kế hoạch đoàn tụ hoặc đi du lịch trong dịp nghỉ lễ, những kẻ xấu lợi dụng nhu cầu cao về phương tiện di chuyển giá cả phải chăng để đưa ra những chương trình khuyến mãi hấp dẫn dành cho vé máy bay hoặc tàu xe.

- Phong bao lì xì điện tử giả mạo: Gần đây, lì xì điện tử đang trở thành một hình thức mừng tuổi mới bên cạnh những phong bao đỏ mà mọi người trao tận tay nhau vào những ngày đầu năm. Những kẻ lừa đảo đã lợi dụng xu hướng này để giả mạo người quen của nạn nhân và gửi những chiếc lì xì điện tử ảo qua mạng xã hội hoặc nền tảng nhắn tin. Nếu người dùng nhấp vào các liên kết, họ có thể vô tình cung cấp thông tin cá nhân và trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo.

- Ưu đãi thực phẩm: Người tiêu dùng có thể gặp phải những chiêu trò lừa đảo trong lúc vội vã mua sắm nhu yếu phẩm cho dịp Tết. Kẻ xấu có thể giả mạo các đơn vị cung cấp thực phẩm để đưa ra các ưu đãi độc quyền nhằm lôi kéo khách hàng với mức giảm giá hấp dẫn. Để giảm thiểu nguy cơ trở thành nạn nhân của những chiêu trò như vậy, người dùng nên xác minh thông tin từ nguồn đáng tin và mua hàng từ những nhà cung cấp uy tín.

Nguồn: [Link nguồn]

Đây khả năng là lỗi hiển thị dữ liệu mã hóa (ngày giờ, địa điểm) của Facebook.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Anh ([Tên nguồn])
Mạng xã hội Facebook Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN