Hôm nay, người Việt Nam có "đặc quyền" ngắm "trăng máu ảo ảnh"

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Trăng máu đêm 8-11 nhìn từ Việt Nam sẽ trông to và huyền ảo hơn nhờ sự giao thoa với một hiện tượng quang học đặc biệt; trong khi mưa sao băng Leonids cũng bắt đầu rơi lúc về khuya.

Tờ SciTech Daily dẫn lời nhà vật lý thiên văn Alphonse Sterling từ Trung tâm Chuyến bay vũ trụ Marshall của Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) khuyên người yêu thiên văn đừng bỏ lỡ lần trăng máu (nguyệt thực toàn phần) đêm 8-11 bởi đến tận năm 2025 nó mới xuất hiện trở lại.

Đây cũng là một đêm trăng máu đặc biệt với sự kết hợp của Sao Thiên Vương và ảo ảnh mặt trăng khi quan sát từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trăng máu ở các góc nhìn và thời điểm khác nhau - Ảnh: NASA

Trăng máu ở các góc nhìn và thời điểm khác nhau - Ảnh: NASA

Trăng máu hoàn toàn có thể trông rõ bằng mắt thường nếu bầu trời ở nơi bạn sống không bị mây giông che phủ, nhưng Sao Thiên Vương thì không. Do vậy bạn sẽ cần ống nhòm hoặc kính thiên văn nếu muốn trông thấy hành tinh này hiện ra lờ mờ, chếch về phía Bắc của Mặt Trăng.

Trăng máu 8-11 còn được gọi là "trăng máu hải ly" vì một số quốc gia Âu - Mỹ thường gọi trăng tháng 11 là "trăng hải ly". Một trong những khoảnh khắc đẹp nhất trong đêm trăng máu là thời điểm nó hiện giữa hoàng hôn, khi hiện tượng "ảo ảnh mặt trăng" khiến trăng trông to và huyền ảo hơn thông thường. Việc trăng máu hiện ra lúc hoàng hôn hay tối muộn là tùy thuộc vào múi giờ nơi bạn sống.

Ảnh đồ hoa mô tả hiện tượng ảo ảnh Mặt Trăng - Ảnh: BBC SKY AND NIGHT MAGAZINE

Ảnh đồ hoa mô tả hiện tượng ảo ảnh Mặt Trăng - Ảnh: BBC SKY AND NIGHT MAGAZINE

Ảo ảnh mặt trăng xảy ra khi trăng còn ở dưới thấp phía đường chân trời, nơi bầu khí quyển dày hơn hấp thụ bớt ánh sáng xanh và đóng vai trò như một thấu kính. Vì vậy, người ngắm trăng hoàng hôn sẽ thấy nó to, đẹp hơn thường lệ, và ngay cả trăng thường cũng được phủ lên màu hồng cam huyền hoặc.

Theo định vị của trang Time and Date, người dân ở khu vực phía Bắc - Bắc Trung Bộ của Việt Nam sẽ đón trăng máu từ lúc 17 giờ 16 phút chiều 8-11, là nguyệt thực toàn phần ngay từ khi xuất hiện, chuyển sang nguyệt thực một phần rồi nguyệt thực nửa tối từ 18 giờ 41 phút và trở lại thành trăng thường lúc 20 giờ 56 phút.

Người dân ở miền Nam và Nam Trung Bộ sẽ đón trăng máu dưới dạng nguyệt thực toàn phần từ lúc 17 giờ 59 phút, các bước chuyển giai đoạn tương đương với khu vực miền Bắc. Như vậy người dân ở khắp Việt Nam đều có cơ hội chiêm ngưỡng "trăng máu ảo ảnh" lúc hoàng hôn.

Nhiều quốc gia châu Mỹ, châu Á, châu Âu, châu Đại Dương cũng có cơ hội chiêm ngưỡng trăng máu với nhiều cấp độ khác nhau.

Ánh sáng trăng đêm nay cũng sẽ "tranh giành" với mưa sao băng Leonids, bắt đầu rơi từ đầu tháng 11 từ phía chòm sao Sư Tử (Leo), nhìn rõ hơn lúc trời càng về khuya.

Vị trí phát ra mưa sao băng Leonids chính là chòm sao Sư Tử (LEO) - Ảnh: SPACE

Vị trí phát ra mưa sao băng Leonids chính là chòm sao Sư Tử (LEO) - Ảnh: SPACE

Thông thường khó quan sát các ngôi sao băng dưới ánh trăng rực rỡ, nhưng bạn vẫn có cơ hội ngắm trận mưa sao băng này đẹp hơn vào thời điểm cực đại (ngày 17-18 tháng này, tùy múi giờ), cũng là khi ánh sáng trăng đã thôi không lấn át các ngôi sao băng.

Tìm thấy tàn tích các hành tinh quanh những ngôi sao 10 tỷ năm tuổi

Các nhà thiên văn đã tìm thấy tàn tích của các hành tinh nằm xung quanh những ngôi sao đã 10 tỷ năm tuổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN