Hỏa tinh có gì giống trái đất, con người sống trên đó được không?

Sao Hỏa còn gọi là Hỏa Tinh là hành tinh thứ tư tính từ Mặt Trời trong Thái Dương Hệ. Dù đã đưa hàng chục tàu vũ trụ lên thám hiểm sao Hỏa nhưng rất nhiều bí ẩn tại hành tinh đỏ này vẫn chưa được khám phá.

Hỏa tinh có gì giống trái đất, con người sống trên đó được không? - 1

Sao Hỏa là một hành tinh đất đá với một khí quyển mỏng, với những đặc điểm trên bề mặt có nét giống với cả các hố va chạm trên Mặt Trăng và các núi lửa, thung lũng, sa mạc và chỏm băng ở cực trên Trái Đất.

Sao Hỏa có hai vệ tinh, Phobos và Deimos, chúng là các vệ tinh nhỏ và dị hình. Đây có thể là các tiểu hành tinh bị Hỏa Tinh bắt được, tương tự như 5261 Eureka-một tiểu hành tinh Trojan của Hỏa Tinh.

So với Trái đất, sao Hỏa có đường kính bằng 0,533, diện tích bằng 0,284. Nó quay một vòng quanh Mặt trời hết 687 ngày, cho nên cứ 2 năm 50 ngày mới có một lần ở gần Trái đất, 15 - 17 năm mới có một lần gần chúng ta nhất. Vì ở xa Mặt trời nên nhiệt độ bề mặt sao Hỏa bình quân là -63oC (nóng nhất 20oC, lạnh nhất -140oC). Sao Hỏa có nhiều điểm giống Trái đất, như có khí quyển, hơi nước, có các vùng đóng băng và lớp nham thạch bọc hành tinh.

Cho đến nay con người đã tiếp cận được với bề mặt Sao Hỏa thông qua robot tự hành thám hiểm Sao Hỏa Opportunity và hiện có ba tàu quỹ đạo còn hoạt động đang bay quanh Sao Hỏa là Mars Odyssey, Mars Express, và Mars Reconnaissance Orbiter.

Tổng cộng đã có 38 lần tàu vũ trụ bay lên hành tinh này, nhưng chỉ có 15 lần thành công. Trong đó Liên Xô 18 lần (thành công 3); Mỹ 17 lần (thành công 11); Nhật Bản 1 lần thất bại; châu Âu 1 lần vừa thành công vừa thất bại. Từ 1996 tới nay, Nga không phóng tàu lên sao Hỏa nữa.

10 điều thú vị về sao Hỏa

Sao Hỏa có bốn mùa giống trái đất và từng sở hữu nhiều dạng địa hình như sông, hồ và cả đại dương, trong khi hai bán cầu của hành tinh đỏ có đặc điểm trái ngược nhau.

Trọng lực nhỏ hơn trái đất

Sao Hỏa có lực hấp dẫn thấp hơn hành tinh của chúng ta 62%. Nếu một người nặng 100 kg bước lên cân trên sao Hỏa, cân nặng của người đó sẽ chỉ còn 38 kg, tờ Universe Today đưa tin.

Theo các nhà khoa học, về cơ bản, lực hấp dẫn được xác định bởi hai yếu tố quan trọng là khối lượng và năng lượng. Khối lượng và năng lượng của một hành tinh càng lớn thì lực hấp dẫn của nó càng cao.

Thiên thạch của sao Hỏa rớt xuống trái đất

Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học khẳng định khoảng 100 thiên thạch từ sao Hỏa rơi xuống khắp nơi trên trái đất, song họ chưa tìm ra bằng chứng để chứng minh giả thuyết.

Chỉ mới đây, phát hiện đáng chú ý từ cỗ máy thám hiểm sao Hỏa của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã giúp các nhà khoa học chứng minh nhận định của họ. Bầu khí quyển của sao Hỏa chứa hai đồng vị argon là argon-36 và argon-38.

Trong điều kiện đơn giản, tỷ lệ argon trên hành tinh đỏ gần tương đương với tỷ lệ argon trong các thiên thạch mà người ta phát hiện trên trái đất. Phát hiện đó cho thấy chúng thực sự tới từ sao Hỏa. Theo kết quả phân tích của các nhà khoa học, nhiều thiên thạch trên trái đất từng tồn tại trên hành tinh đỏ.

Bốn mùa trên sao Hỏa

Sao Hỏa cũng có bốn mùa giống trái đất, song thời gian của các mùa kéo dài khác nhau. Ở bán cầu bắc, mùa xuân kéo dài 7 tháng, mùa hè tồn tại trong 6 tháng, mùa thu dài hơn 5 tháng và mùa đông diễn ra trong 4 tháng.

Giống như địa cầu, trục tự quay của sao Hỏa cũng nghiêng so với trục vuông góc của mặt phẳng quỹ đạo. Tuy nhiên, nó nghiêng 25 độ, tức là lớn hơn nhiều so với 23 độ của địa cầu. Do quỹ đạo của sao Hỏa có hình elip rất dẹt nên khoảng cách giữa nó với mặt trời thay đổi liên tục. Ngược lại, khoảng cách giữa trái đất và mặt trời hầu như không đổi quanh năm do quỹ đạo của trái đất có hình gần tròn.

Siêu bão bụi khổng lồ

Sao Hỏa là hành tinh có thể tạo ra các cơn bão bụi lớn nhất với sức công phá mạnh nhất trong hệ Mặt Trời. Vào năm 1971, tàu vũ trụ Mariner 9 gửi hình ảnh của hành tinh đỏ về trái đất, song chúng đều mờ do sự xuất hiện của trận bão bụi lớn. Phải một tháng sau, khi siêu bão chấm dứt, Mariner 9 mới có thể gửi những hình ảnh rõ nét của sao Hỏa tới trái đất.

Các nhà khoa học chưa thể lý giải chính xác nguyên nhân khiến các cơn bão bụi trên sao Hỏa kéo dài và có sức công phá mạnh mẽ. Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng, ánh sáng mặt trời cung cấp nhiên liệu cần thiết để tạo ra những cơn bão bụi khổng lồ. Về mặt lý thuyết, các hạt bụi trong không khí ở trên sao Hỏa hấp thụ ánh sáng mặt trời. Lớp bụi kết hợp cùng gió sẽ đẩy nhiệt độ lên mức cao hơn. Đây có thể là nguồn cơn của các trận siêu bão khủng khiếp và kéo dài.

Hai nửa bán cầu trái ngược

Hành tinh đỏ là sự kết hợp giữa hai nửa bán cầu. Bán cầu bắc có bề mặt thấp và bằng phẳng. Trong khi đó bán cầu nam lại lồi lõm, gồ ghề gồm nhiều núi lửa và miệng núi lửa. Lớp vỏ của bán cầu nam dày hơn so với bán cầu bắc. Những bằng chứng gần đây cho thấy. Sự khác biệt giữa hai bán cầu bắt nguồn từ vụ va chạm giữa sao Hỏa và một khối đá khổng lồ từ xa xưa .

Núi lửa lớn nhất trong hệ Mặt Trời

Sao Hỏa sở hữu ngọn núi lửa Olympus Mons cao nhất trong hệ mặt trời, với độ cao gấp 3 lần đỉnh Everest của trái đất. Ngoài Olympus Mons, trên sao hỏa còn có hệ thống các núi lửa dày đặc. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết lý giải nguyên nhân khiến sao Hỏa có nhiều núi lửa lớn là do mảng kiến tạo hoặc lớp vỏ của sao Hỏa hiếm khi di chuyển.

Có thể nuốt chửng vệ tinh trong tương lai

Sao Hỏa có hai vệ tinh là Phobos và Deimos. Phobos có kích thước lớn hơn nhiều so với Deimos và nằm cách sao Hỏa 9.378 km. Vệ tinh này quay quanh sao hỏa 3 lần/ngày và theo các nhà khoa học của NASA, nó ngày càng tiến gần hành tinh Đỏ với tốc độ 1,8 m trong vòng 100 năm. Như vậy, chỉ 50 triệu năm tới, một vụ va chạm giữa hành tinh Phobos và sao Hỏa sẽ xảy ra.

Từng có sông, hồ và đại dương

Các nhà khoa học phát hiện carbon và đất sét - bằng chứng cho sự xuất hiện của nước - trên miệng núi lửa McLaughlin của sao Hỏa. Ngoài ra, vệ tinh Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã phát hiện các mỏ trầm tích trên bề mặt sao Hỏa. Đây là minh chứng cho sự xuất hiện của một đại dương trên hành tinh này cách đây hàng tỷ năm.

Theo tiến sĩ Jeremie Mouginot thuộc Đại học California, Mỹ, nước trên sao Hỏa đã bốc hơi hoặc biến đổi thành dạng băng, nằm ẩn sâu dưới bề mặt của hành tinh Đỏ.

Sự sống trái đất khởi nguồn từ sao Hỏa

Các nhà khoa học ở Viện Westheimer Khoa học và Công nghệ Florida, Mỹ, tin rằng, cuộc sống trên trái đất khởi nguồn từ sao Hỏa. Theo họ, hai yếu tố hình thành nên sự sống là nguyên tố Bo và Molypden bị oxy hóa đã theo các thiên thạch từ sao Hỏa tới trái đất vào 3,6 tỷ năm trước và tạo nên sự sống trong hành tinh của chúng ta như ngày nay.

Tồn tại sự sống trên sao Hỏa?

Vật thể đầu tiên hạ cánh thành công xuống bề mặt sao Hỏa là tàu Viking 1 của NASA. Viking 1 đã phát hiện các phân tử hữu cơ như methyl chloride và dichloromethane. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã bác bỏ các hợp chất này vì họ coi đó là các chất lỏng làm sạch mà tàu vũ trụ sử dụng khi nó vẫn còn ở trên trái đất.

Các nhà khoa học cho rằng, đại dương từng tồn tại trên sao Hỏa. Điều này khiến nhiều người tự hỏi, liệu cuộc sống có phát triển trên hành tinh này? Nếu câu hỏi có lời giải đáp, bí ẩn về sự tồn tại của sự sống trong phần còn lại của vũ trụ sẽ sáng tỏ.

Người ngoài hành tinh
Theo bạn, có người ngoài hành tinh hay không?

1001 thắc mắc: Làm thế nào để tàu vũ trụ quay về trái đất

Tàu con thoi là một hệ thống tàu vũ trụ quỹ đạo thấp của trái Đất có thể tái sử dụng được vận hành bởi Cơ quan...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Châu Anh ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN