Hình đại diện trên Facebook phản ánh tính cách của bạn?
Nghiên cứu cho rằng hình đại diện có thể chỉ ra những ai hướng ngoại, thân thiện hay thậm chí là có dấu hiệu của bệnh lý.
Mới đây, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học York đã chỉ ra rằng, hình đại diện trên mạng xã hội phản ánh tính cách thực tế của mỗi người.
Theo đó, nhóm nghiên cứu này đã tiến hành thử nghiệm trên một nhóm sinh viên đại học bằng cách yêu cầu nhóm sinh viên này điền vào bảng câu hỏi để đánh giá năm đặc điểm tính cách đặc trưng: hướng ngoại, thân thiện, cởi mở, đáng tin cậy, có biểu hiện bệnh lý tâm thần. Sau đó, nhóm sinh viên được yêu cầu tạo hình đại diện cho mình bằng cách sử dụng Weeworld.com.
Tiếp đó, một nhóm sinh viên khác được yêu cầu đánh giá tính cách của nhóm sinh viên nói trên và xác định những ai họ muốn kết bạn.
Nghiên cứu cho thấy những người thể hiện ánh mắt và nụ cười của họ trên hình đại diện có xu hướng gây thiện cảm cho người đối diện.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, qua hình đại diện của nhóm một, nhóm sinh viên thứ hai có thể suy luận được những ai hướng ngoại, những ai thân thiện hay những ai có biểu hiện bệnh lý tâm thần, nhưng không phát hiện được trong đó ai sẽ là người cởi mở hay ai sẽ là người đáng tin cậy.
Nhóm sinh viên thứ hai cho thấy họ có xu hướng muốn làm bạn với những người có thể hiện ra cặp mắt của mình, nụ cười và qua màu tóc (xu hướng chọn những người có mái tóc nâu). Còn những người để hình đại diện với mái tóc ngắn, có thái độ không cởi mở, tóc đen, đội mũ hay đeo kính đen (giấu đi ánh mắt) thì tỷ lệ kết bạn thấp hơn.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng, hình đại diện sử dụng trong cuộc nghiên cứu nằm ở mức cơ bản, do đó kết quả sẽ không phù hợp với những người sử dụng hình đại diện phức tạp. Tuy nhiên, một số nghiên cứu trước đó cho rằng, con người thường sử dụng hình đại diện để biểu đạt thông tin tính cách của cá nhân mình.
Một nghiên cứu ở Canada vào năm 2010 chỉ ra rằng, những người thể hiện tích cách của mình qua ảnh đại diện có xu hướng chọn những người giống họ để kết bạn. Phát hiện này được công bố trong cuốn “The Personality and Social Psychology Bulletin”.