Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch
Ngày 24/9, đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên-Huế nhằm tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng tại địa phương triển khai các giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, hiện nay việc áp dụng công nghệ, các chức năng, dịch vụ của tỉnh được cung cấp chủ yếu trên nền tảng ứng dụng di động Hue-S và cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh tại địa chỉ: https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn, phục vụ người dân thực hiện các nhu cầu như khai báo y tế, khai báo vào tỉnh, khai báo dành cho phương tiện vận tải vào giao nhận hàng; đăng ký chương trình đón công dân từ TP Hồ Chí Minh về Huế, đăng ký cách ly có thu phí; tư vấn khám, chữa bệnh qua hình thức trực tuyến, báo cáo số công tác phòng, chống dịch bệnh…
Các chức năng cung cấp thông tin chính thống, kịp thời cho người dân phục vụ công tác chống dịch, như thông tin cảnh báo, văn bản chỉ đạo, cung cấp tin tức địa phương, tin tức quốc gia, diễn biến dịch trên phạm vi cả nước, tích hợp trang cảnh báo tin giả của Bộ TT&TT. Đặc biệt là chức năng “xác minh thông tin” hỗ trợ người dân xác thực các thông tin chưa được kiểm chứng trên môi trường mạng.
Người dân đi chợ tại tỉnh Thừa Thiên-Huế quét mã QR.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhằm giúp người dân chủ động phòng, chống dịch, các cơ quan chức năng kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, truy vết thần tốc, khoanh vùng dập dịch; Sở TT&TT tỉnh vừa phối hợp với Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia triển khai mã QR quốc gia qua hình thức “Thẻ kiểm soát dịch bệnh”. Thừa Thiên-Huế là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai giải pháp này.
Theo đó, mọi công dân đều được cấp “Thẻ kiểm soát dịch bệnh”. Trên tấm thẻ này là mã QR duy nhất của mỗi công dân. Tùy vào điều kiện, công dân có thể lựa chọn hình thức của thẻ: Thẻ giấy, thẻ nhựa (in ra mang theo người), hoặc sử dụng thẻ điện tử trên Hue-S. Thẻ kiểm soát dịch bệnh phục vụ mục đích: quét QR trên thẻ tại tất cả các điểm đến sẽ giúp cho cơ quan chức năng dễ dàng truy vết, thông báo và tiến hành hỗ trợ y tế ngay cho công dân trong trường hợp xuất hiện ca bệnh đã đi đến điểm trùng với điểm công dân đã đến; giúp cho công dân kiểm soát lịch trình di chuyển của bản thân trong giai đoạn dịch bệnh.
“Thẻ kiểm soát dịch bệnh” sẽ là một tờ giấy thông hành cho tất cả công dân trong trường hợp áp dụng các quy định phòng, chống dịch ở mức độ cao mà không cần xin cấp thêm giấy tờ khác, ví dụ được phép hay hạn chế trong di chuyển để: thực thi công vụ, vận chuyển hàng hóa, đi chợ, giao hàng tại nhà, mua sắm hàng hóa thiết yếu, khám, chữa bệnh...
Ngoài ra, việc sử dụng mã QR theo chuẩn Quốc gia sẽ được ứng dụng cho nhiều mục đích khác, như dịch vụ công, khám, chữa bệnh, thanh toán không dùng tiền mặt và các dịch vụ đô thị thông minh trong thời gian tới… Chỉ sau 1 ngày kích hoạt (19/9), toàn tỉnh đã có trên 80.000 người đăng ký, trong đó hơn 50.000 người kích hoạt thành công. Đặc biệt, tiểu thương ở các chợ trên địa bàn TP Huế mà cơ quan chức năng lo lắng khó đưa công nghệ vào nhất lại là chỗ tiên phong, điển hình là chợ Đông Ba, nơi có lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến mua sắm, tham quan nhiều nhất tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, thời gian qua, Thừa Thiên-Huế xác định công nghệ là một trong những công cụ đắc lực phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã tập trung nghiên cứu, xây dựng, từng bước hoàn thiện và đưa vào hoạt động thí điểm các hệ thống thông tin, các ứng dụng, giải pháp nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh. Sau 4 đợt dịch bùng phát trên cả nước, công tác ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch COVID-19 đã chứng minh vai trò và hiệu quả cho đến thời điểm hiện nay.
Nguồn: [Link nguồn]
Khi hoạt động, các tài xế công nghệ Grab, Gojek, Be,... phải tuân thủ trang bị theo bộ nhận diện shipper, thực hiện xét nghiệm...