Hiếu PC và chi tiết về "nhóm chuyên đánh chặn" web độc hại
Sau 2 năm ra mắt, Dự án Chống Lừa Đảo do Hiếu PC sáng lập đã vinh dự nhận được giải thưởng quốc gia "Make in Việt Nam" do Bộ Thông Tin Truyền Thông bình chọn ở hạng mục "Top 10 sản phẩm xuất sắc dành cho xã hội số"
Dự án Chống Lừa Đảo trên không gian mạng do Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) hiện là chuyên viên tại Trung tâm An toàn Không gian mạng quốc gia (Bộ Thông tin Truyền thông) khởi xướng từ cuối năm 2020. Đến nay dự án đã ngăn chặn hàng chục ngàn trang web độc hại, giúp nhiều người tránh bị lừa đảo trên không gian mạng.
Dự án hữu ích
Ngô Minh Hiếu cho biết khi vừa từ Mỹ trở về, Hiếu nhận thấy nạn lừa đảo trên không gian mạng tại Việt Nam bùng phát quá nhiều. Vì vậy, Hiếu đã cùng các chuyên gia công nghệ như là anh Nguyễn Hưng, Giám đốc R&D tại Vietnix Hosting; anh Lê Phước Hòa, Chuyên viên kỹ thuật tại Vietguys; chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Mạnh Luật, CEO Cyberjutsu, cũng là cựu kỹ sư bảo mật cho Microsoft và Tencent; Nguyễn Thắng, Tiết Lê Bảo Khánh… tiến hành Dự án Chống Lừa Đảo trên không gian mạng.
Một số thành viên của Nhóm chống lừa đảo tham dự sự kiện và nhận giải thường
"Đến nay nhóm đã có khoảng 30 thành viên chính thức, đều là những chuyên gia trong và ngoài nước hoạt động trên tinh thần tự nguyện, với sứ mệnh là bảo vệ người dùng Việt Nam trước các nguy cơ lừa đảo trực tuyến. Thành công lớn nhất là dự án đã xây dựng cộng đồng hơn 10.000 thành viên. Mọi người đều cùng tham gia đóng góp báo cáo, hỗ trợ lẫn nhau"- Ngô Minh Hiếu chia sẻ.
Là một trong những thành viên, đồng sáng lập dự án từ đầu, anh Nguyễn Hưng, Giám đốc R&D tại Vietnix Hosting, cũng đơn vị đã hỗ trợ và vận hành hạ tầng máy chủ cho dự án, cho biết Ứng dụng hiện có khoảng 50.000 người dùng thường xuyên và được tích hợp với nhiều đối tác lớn trong và ngoài nước như: Trình duyệt web Microsoft Edge, Opera, Chương trình diệt virus Kaspersky, Avast, các tổ chức bảo mật trong nước như CyRadar, Viettel Cyber Security ... đặc biệt là mạng xã hội Twitter…
Ứng dụng Chống Lừa Đảo có thể ngăn chặn truy cập vào các website lừa đảo, giả mạo, đánh cắp thông tin và cảnh báo nguy hiểm cho người dùng dựa trên nền tảng công nghệ Machine Learning, kết hợp với báo cáo của cộng đồng.
Đến nay dự án đã giúp đỡ hơn 11.000 nạn nhân, đồng thời đã có hơn 300.000 người dùng tham gia cộng đồng chống lừa đảo công khai trên các nền tảng Telegram, Facebook, các tiện ích mở rộng Chống Lừa Đảo trên trình duyệt web phổ biến…
Nhóm góp sức chủ yếu thông qua các giải pháp kỹ thuật, tuy nhiên theo Nguyễn Hưng, cách tốt nhất để hỗ trợ và bảo vệ khỏi nạn lừa đảo trực tuyến là sử dụng sức mạnh tập thể của cộng đồng.
"Từ khi thành lập đến nay, Chống Lừa Đảo đã báo cáo hơn 13.000 URL (địa chỉ web độc hại) nhắm mục tiêu lừa đảo người Việt Nam. Hành vi chủ yếu là lừa đảo tiền, lừa lấy thông tin, đưa nội dung xấu, đường dẫn nguy hiểm, giả mạo tổ chức..." - anh Nguyễn Hưng thông tin.
Lan tỏa để bảo vệ cộng đồng
Liên tục trong thời gian gần đây, thông qua các thành viên cũng như trên các phương tiện truyền thông, báo chí, Chống Lừa Đảo lên tiếng cảnh báo về những hình thức lừa đảo, các trang web giả mạo, web độc hại xuất hiện tràn lan… nhằm đánh cắp thông tin người dùng.
Chống Lừa Đảo đã kịp thời cảnh báo để người dùng cảnh giác, không để lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân để tránh bị mất tiền… Vì thực tế đã có nhiều vụ bị mất hàng chục tỉ đồng chỉ sau vài thao tác nhỏ của người dùng. Sau đó, họ mới cung cấp thông tin cho Chống Lừa Đảo nhờ hỗ trợ.
Một số thành viên gặp mặt, chia sẻ sau khi "giải cứu" nạn nhân bị lừa đảo qua không gian mạng (Ảnh: H. Triều)
Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động, Ngô Minh Hiếu cho biết lấy sức mạnh của sự đoàn kết làm cốt lõi, Chống Lừa Đảo luôn kêu gọi sự tham gia, chung tay góp sức của cộng đồng để lan tỏa dự án, giúp bảo vệ được nhiều người hơn, đẩy lùi vấn nạn lừa đảo trực tuyến.
Mục tiêu lớn nhất của Chống Lừa Đảo là kêu gọi cộng đồng cùng tham gia bảo vệ những người xung quanh, cũng là bảo vệ chính họ trước mối đe dọa trực tuyến. Qua đó, giúp người dùng luôn được bảo vệ khi tìm kiếm thông tin, mua sắm trên các web...
Thời gian qua, dự án cũng có được sự hợp tác từ đội ngũ luật sư của Thư Viện Pháp Luật để hỗ trợ pháp lý miễn phí cho cộng đồng, giúp đỡ các nạn nhân bị lừa đảo theo đúng trình tự và quy định của pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm từ mặt trận online đến offline.
Trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục hợp tác nhiều hơn nữa từ các đối tác có lượng người dùng lớn như Zalo, Facebook, Google Chrome.
"Khi quốc gia đang chuyển mình mạnh mẽ với cộng nghệ, chuyển đổi số được đẩy mạnh phát triển thì các hoạt động của Chống Lừa Đảo sẽ chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Vì vậy dự án sẽ triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa hơn" - Hiếu kỳ vọng.
Với sự tham gia hợp tác của các tập đoàn, tổ chức công nghệ lớn như: Cloudflare, Google Safe Browsing, PhishTank, Facebook, Zalo, Viettel Cyber Security..., kế hoạch của nhóm Chống Lừa Đảo là ngay trong quý I/2023 sẽ tiếp tục khởi động các sự kiện nâng cao nhận thức về an ninh mạng của Chống Lừa Đảo ngoại tuyến trên khắp Việt Nam hàng quý. Ra mắt "Cộng đồng góp sức" để người dùng công khai đóng góp dữ liệu về các mối đe dọa tại Việt Nam giống như Leadership Board của Netcraft đang làm. Tiếp theo đến quý III, quý IV/2023, nhóm sẽ thiết lập các kênh video clip trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến để nâng cao nhận thức về các thủ đoạn lừa đảo mới, mẹo tránh lừa đảo, tin tặc… Xa hơn nữa, năm 2024-2025, nhóm sẽ thiết kế lại các ứng dụng di động mới cho hề điều hành Android, iOS cho Chongluadao, cũng như mở rộng thêm các đối tác chia sẻ dữ liệu về mối đe dọa để giúp cộng đồng internet Việt Nam… |
Công ty an ninh mạng Human vừa phá thành công một chiến dịch gian lận quảng cáo lớn có tên là Vastflux, giả mạo hơn 1.700 ứng dụng và ảnh hưởng đến hàng triệu thiết bị iOS.
Nguồn: [Link nguồn]