Hệ thống máy tính giúp đọc suy nghĩ con người bằng điện não

Khi con người đang nghĩ về một khuôn mặt hay ngôi nhà thì các hình ảnh đó sẽ hiển thị trên màn hình máy tính.

Công bố trên tạp chí PLoS Computational Biology mới đây, Rajesh Rao - một nhà thần kinh học tại Đại học Washington (Seattle, Mỹ) cho biết, ông và nhóm cộng sự đã có thể tạo ra một hệ thống máy tính giúp đọc suy nghĩ của con người theo thời gian thực.

Cụ thể, công trình nghiên cứu này sẽ giúp dự đoán những gì một người đang thấy, đang nghĩ tới thông qua điện não. Đặc biệt, quá trình phân tích chỉ diễn ra trong vòng vài phần nghìn của 1 giây.

Hệ thống máy tính giúp đọc suy nghĩ con người bằng điện não - 1

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách đọc suy nghĩ của con người bằng điện não.

Theo Rao, điều này có thể được ứng dụng trong việc giúp đỡ những người không thể nói chuyện hay gặp khó khăn trong giao tiếp, giúp họ bày tỏ suy nghĩ. "Bạn có thể nghĩ thành quả của chúng tôi như minh chứng của khái niệm xây dựng một cơ chế giao tiếp cho người bị bại liệt, đột quỵ", Rao nói.

Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã có những bước tiến to lớn trong việc giải mã suy nghĩ của con người. Trong một nghiên cứu vào năm 2011, các nhà nghiên cứu đã dịch được sóng não thành các đoạn phim. Trong năm 2014, có 2 nhà khoa học đã thử nghiệm nói chuyện với nhau chỉ bằng cách sử dụng liên kết 2 bộ não. Ngoài ra, còn có nhiều nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, máy tính có thể "nhìn thấy" những gì con người đang mơ.

Trong nghiên cứu của Rajesh Rao và các cộng sự, họ đã cấy thiết bị điện tử vào thùy thái dương trong bộ não của 7 người bị động kinh nặng. Thùy thái dương là khu vực chịu trách nhiệm nhận biết hình ảnh của một người hay một vật mà con người nhìn thấy.

Kết quả, thông qua màn hình máy tính liên kết với thiết bị điện tử nói trên, các nhà nghiên cứu đã nhìn thấy chập chờn một ngôi nhà hay một khuôn mặt, và cũng có khi là màn hình trống trơn. Theo các nhà nghiên cứu, kết quả cho độ chính xác tới 96%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm (Theo Mashable) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN