Hệ sinh thái mạng 5G ở các nước châu Á hiện nay ra sao?
Bộ TT&TT vừa chủ trì Hội nghị trực tuyến của ASEAN về phát triển hệ sinh thái 5G.
Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ TT&TT vừa chủ trì Hội nghị trực tuyến của ASEAN về phát triển hệ sinh thái 5G. Tham dự có đại diện đến từ các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông của các nước thành viên ASEAN, đại diện đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, đại diện các tổ chức quốc tế như Hiệp hội GSMA, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), đại diện Liên minh châu Âu, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
ASEAN tiến tới 5G và chuyển đổi số
Công nghệ 5G và hệ sinh thái 5G mặc dù đã được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây nhưng ngay cả những nước phát triển nhất về viễn thông trên thế giới vẫn đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình thương mại hóa 5G. Trong làn sóng công nghệ 5G, các nước ASEAN đã đóng vai trò tiên phong với nhiều nước có những lộ trình cụ thể triển khai thử nghiệm 5G và thương mại hóa 5G, một số nước khác trong khối cũng đang có những bước chuẩn bị về mặt chính sách, khuôn khổ pháp luật và phổ tần số để có thể nhanh chóng sử dụng công nghệ mới này đưa đất nước bước vào nền kinh tế số và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Ông Triệu Minh Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT phát biểu khai mạc Hội nghị.
Đại diện Cơ quan phát triển truyền thông thông tin Singapore (IMDA) cho biết, tại nước này, một vài công ty viễn thông như SingTel, M1 và StarHub đã tiến hành thử nghiệm một số dịch vụ 5G trên thị trường từ tháng 8/2020. Vị này tin tưởng, thúc đẩy 5G phát triển sẽ tạo tiền đề cho thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Singapore. IMDA đã phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo 5G, hỗ trợ việc sử dụng 5G vào các ngành công nghiệp từ năm 2019, cụ thể là các ứng dụng dành cho người sử dụng, ứng dụng Chính phủ, bất động sản thông minh, quản lý giao thông đô thị.
Thái Lan và Brunei có nhiều điểm tương đồng trong kế hoạch phát triển 5G, hai nước này dự kiến sẽ sử dụng 5G trong các lĩnh vực trọng yếu của đất nước như y tế, giáo dục, nông nghiệp, quản lý giao thông… Đặc biệt dự thảo kế hoạch 5G của Brunei đề cập đến phương pháp thử nghiệm sandbox chính sách đối với 5G, theo đó sẽ bãi bỏ một số loại phí cấp phép nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ và hệ sinh thái 5G.
Theo đại diện GSMA, vào năm 2019, 4G chiếm đến hơn 60% kết nối mạng trong khu vực ASEAN và dự đoán 5G sẽ qua mặt cả 2G và 3G ở khu vực này vào năm 2022. 9 thị trường ở khu vực châu Á Thái Bình Dương đã triển khai dịch vụ 5G di động thương mại và 12 thị trường đã công bố chính thức thời điểm triển khai 5G. Đây cũng là khu vực có thị trường 5G tiên tiến nhất thế giới với Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc ở vị trí dẫn đầu.
Đại diện đến từ Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản chia sẻ, Nhật Bản dự tính đến năm 2030 công nghệ 5G sẽ tạo ra tác động kinh tế trị giá 700 tỷ USD. Nhật Bản đã có kế hoạch triển khai rộng rãi 5G trên toàn quốc, theo đó sẽ chia cả nước thành những khu vực 10km2 và lắp đặt BTS 5G tại hơn 50% các khu vực 10km2 này trong 5 năm tới và phủ sóng những khu vực kinh doanh tiềm năng ở cả khu vực thành thị và nông thôn.
Đại diện MIC Nhật Bản còn đề cập một điểm thú vị trong triển khai 5G ở nước này là phát triển 5G nội địa. Đây là hệ thống 5G được xây dựng tại chỗ một cách linh hoạt và được các đơn vị khác nhau đầu tư, có thể là doanh nhân hay chính quyền địa phương. Địa điểm có thể là tòa nhà chính quyền, trụ sở doanh nghiệp hay nhà máy tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể của tổ chức, doanh nghiệp. Phương pháp này cho phép xây dựng hệ thống 5G tại những khu vực nhà mạng viễn thông chưa có kế hoạch phủ sóng 5G.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Việt Nam với những nỗ lực triển khai 5G và chuyển đổi số
Chính phủ Việt Nam với tầm nhìn "Cơ sở hạ tầng và dịch vụ 5G là động lực thúc đẩy chuyển đổi số trong cuộc CMCN 4.0" đã đặt ra những mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, nền kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng của nền kinh tế số trong mỗi lĩnh vực vượt hơn 10%; Phủ sóng băng rộng cáp quang đến 80% hộ gia đình; Dịch vụ 5G và điện thoại thông minh trở thành phổ biến; Thanh toán điện tử chiếm hơn 50%.
Đến năm 2030, Việt Nam phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang; Phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%.
Việt Nam cũng đã thiết lập lộ trình sản xuất thiết bị 5G bao gồm thiết bị NodeB và thiết bị mạng ORAN; và phân bổ phổ tần tiến tới tắt sóng mạng 2G/3G.
Trợ giá thiết bị 5G, tích hợp nội dung vào gói cước 5G - cú hích thúc đẩy dịch vụ 5G từ Hàn Quốc Tại phiên họp, đại diện Bộ Khoa học và CNTT Hàn Quốc chia sẻ, tính đến tháng 10/2019, tổng số thuê bao 5G tại Hàn Quốc đã lên đến 4 triệu chỉ sau 6 tháng triển khai thương mại. Theo dự đoán của GSMA, đến năm 2025 5G sẽ chiếm 57% tổng kết nối của nước này. Một nhân tố quan trọng đóng vai trò cú hích cho 5G phát triển chính là hệ sinh thái thiết bị 5G đã đến độ chín vì trong một nghiên cứu mới đây, 1/3 số người được hỏi cho biết việc tích hợp dịch vụ 5G vào một thiết bị cầm tay cụ thể là lý do chính để họ đăng ký gói cước 5G. Ngoài ra, kết hợp nội dung bản địa vào gói cước 5G kết hợp với thiết bị 5G được trợ giá đã đẩy nhanh tỉ lệ người sử dụng 5G nhiều hơn dự kiến ban đầu, đại diện MSIT cho hay. |
Khi 5G sẵn sàng thay đổi cách chúng ta sống, kết nối và làm việc, lĩnh vực viễn thông đang được đầu tư mạnh mẽ nhằm...
Nguồn: [Link nguồn]