Hành tinh "em út" Trái Đất mắc kẹt với mùa hè ngược đời kéo dài 40 năm
(NLĐO) - Sáu siêu kính viễn vọng đã cùng hướng về người anh em lạnh và bí ẩn nhất của Trái Đất và khám phá ra những điều hết sức lạ lùng đang diễn ra trên hành tinh này.
Trong khi bí ẩn về khí hậu kỳ lạ trên nhiều ngoại hành tinh đã được hé lộ, những gì thực sự diễn ra trên sao Hải Vương, một hành tinh nằm ngay trong hệ Mặt Trời, vẫn là câu đố thú vị đối với giới thiên văn.
Bởi lẽ với khoảng cách 4,5 tỉ km, nhiệt độ luôn âm khoảng 220 độ C và bóng tối bủa vây, cực kỳ khó quan sát hành tinh thứ 8 của hệ Mặt Trời từ Trái Đất.
Sao Hải Vương - Ảnh đồ họa từ dữ liệu NASA
Theo Sci-News, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà thiên văn học Michael Roman từ Trường Đại học Leicester (Anh) và các đồng nghiệp đã nghiên cứu về hành tinh độc đáo này bằng dữ liệu tổng hợp từ Kính viễn vọng Very Large (VLT) của Đài thiên văn Nam Âu (ESO), Kính viễn vọng không gian Spitzer của NASA, 2 kính viễn vọng Subaru, Keck và Bắc Gemini ở Hawaii - Mỹ, kính viễn vọng Nam Gemini ở Chile.
Mùa hè ở Nam bán cầu của sao Hải Vương đã diễn ra từ năm 2005 đến nay và sẽ còn kéo dài đến năm 2045. Bởi lẽ người em út của Trái Đất nằm xa Mặt Trời nhất nên có quỹ đạo cực lớn. Một năm ở đây dài bằng 165 năm Trái Đất nên một mùa cũng kéo dài hơn 4 thập kỷ.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu ánh sáng hồng ngoại phát ra từ tầng bình lưu của Sao Hải Vương, để rồi choáng váng nhận ra nó đang... lạnh dần sau gần 2 thập kỷ trải qua cái gọi là "mùa hè".
Cụ thể, theo Science Alert, nhiệt độ trung bình của hành tinh này đã giảm khoảng 8 độ kể từ năm 2003 đến lần đo đạc tổng thể cuối cùng là năm 2018.
Ngược lại, cực Nam của hành tinh lại ấm lên đáng kể, tăng tới 11 độ chỉ từ năm 2018 đến năm 2020.
Hiện các tác giả vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác của "mùa hè lạnh" và hiện tượng cực Nam bị nung nóng đột ngột. Họ cho rằng có thể do thay đổi hóa học phức tạp trong tầng bình lưu hoặc cả bầu khí quyển, hoặc các kiểu thời tiết ngẫu nhiên và phức tạp hơn bất kỳ hành tinh nào khác của hệ Mặt Trời.
Nghiên cứu vẫn sẽ tiếp diễn bởi sao Hải Vương luôn là một mục tiêu hấp dẫn của giới thiên văn. Tuy nó lạnh và có vẻ chết chóc nhưng NASA nghi ngờ là có đại dương ngầm dưới vỏ băng của hành tinh này.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Planetary Science Journal.
Nguồn: [Link nguồn]
Khi một tiểu hành tinh va chạm với Trái đất hơn 65 triệu năm trước đã khiến khủng long bị tuyệt chủng. Cú va chạm này đã sinh ra một cơn sóng thần cao gần 2.000 m qua Vịnh Mexico...