Gojek, Be, Grab có bao nhiêu tài xế tại Việt Nam?
Cuộc chiến ứng dụng gọi xe công nghệ hiện nay còn khá gây cấn giữa các "ông lớn" Gojek, Grab hay Be.
Thị trường đặt xe công nghệ tại Việt Nam đang nổi lên với những cái tên như Gojek, Be, Grab,... Trong đó, Gojek là thương hiệu đổi tên từ GoViet với logo màu xanh - đen, Be là thương hiệu Việt với biểu tượng của những chú ong chăm chỉ, còn Grab là màu xanh - trắng. Trên đường phố, không khó bắt gặp hình ảnh những tài xế công nghệ này đang bon bon chở khách trên đường hay giao thức ăn.
Dễ dàng bắt gặp hình ảnh những tài xế công nghệ xanh, vàng trên đường phố TP.HCM hay Hà Nội. (Ảnh: NLĐ)
Vậy Gojek, Be, Grab đang có bao nhiêu tài xế?
Trả lời câu hỏi này, đại diện Gojek cho biết, tính tới ngày 20/4/2021, họ đã cán mốc 200.000 đối tác tài xế xe hai bánh tại Việt Nam. Theo Gojek, họ đang kết nối hàng triệu người dùng tại TP.HCM và Hà Nội thông qua dịch vụ chở khách (GoRide), giao hàng (GoSend) và giao đồ ăn trực tuyến (GoFood), đồng thời hỗ trợ sự phát triển của hàng chục nghìn nhà hàng, quán ăn.
Ứng dụng Gojek chính thức ra mắt tại Việt Nam vào tháng 8/2020, thay thế cho tiền thân là GoViet. Kể từ đó đến nay, Gojek đã ra mắt tính năng “Gợi ý các vị trí gần bạn”, “Chia sẻ hình ảnh", “Lưu địa chỉ quen thuộc", “Chia sẻ thông tin đơn hàng GoSend”,... Bên cạnh đó, Gojek cũng bổ sung các tính năng mới nhằm nâng cao sự an toàn cho khách hàng trong chuyến đi GoRide, như “Chia sẻ thông tin chuyến đi”, “Yêu cầu trợ giúp khẩn cấp” và “Báo cáo chuyến đi”.
Lực lượng tài xế xe 2 bánh Gojek tại Việt Nam đang khá hùng hậu với 200.000 người.
Với các đối tác tài xế, Gojek đã triển khai các tính năng mới trong GoPartner - ứng dụng dành riêng cho các đối tác tài xế, nhằm nâng cao hơn nữa sự an toàn cho khách hàng và trải nghiệm toàn diện cho đối tác tài xế. Những tính năng này bao gồm: Nhận diện khuôn mặt để xác thực danh tính của đối tác tài xế, và tính năng "Chấm sao cho khách hàng". Và họ cũng ra mắt ứng dụng GoBiz dành cho các đối tác nhà hàng.
Đối với Be, đại diện đơn vị này cho biết, tính tới tháng 1/2021, họ đã có 100.000 đối tác tài xế cả xe 2 bánh (beBike) và ô tô (beCar). Tuy nhiên, số liệu từ Be không nêu rõ tỉ lệ tài xế beBike và beCar. Hiện, beCar đang là dịch vụ taxi công nghệ đầu tiên và duy nhất có khu vực riêng để đón hành khách ở ga Quốc tế - sân bay Tân Sơn Nhất.
beCar là dịch vụ taxi công nghệ đầu tiên có khu vực đón khách ở sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Ngọc Phạm)
Trước đó, từ 11h ngày 15/3, ứng dụng gọi xe Be đã giảm giá cước dịch vụ xe hai bánh (beBike, beDelivery và be Đi chợ) tại khu vực TP.HCM. Cụ thể, giá cước tối thiểu của beBike giảm từ 14.000 đồng xuống còn 11.000 đồng; giá mỗi km tiếp theo giảm từ 4.400đ đồng xuống 4.000 đồng. Giá cước tối thiểu của dịch vụ giao hàng beDelivery và be Đi chợ giảm từ 14.500 đồng xuống 13.000 đồng; giá giao hàng mỗi km tiếp theo giảm từ 5.500 đồng xuống còn 4.500 đồng.
Về phía Grab, hiện họ không có chính sách công bố con số đối tác tài xế đang hoạt động. Tuy nhiên, có thể tham khảo con số gần nhất họ từng công bố vào cuối năm 2018 là 175.000 tài xế (cả ô tô và xe máy) tại Việt Nam. Tới nay đã hơn 2 năm trôi qua, lượng tài xế của Grab đã "khủng" hơn. Dù không có số liệu cụ thể nhưng nhiều bên khẳng định Grab có lực lượng tài xế hùng hậu nhất hiện nay.
Như vậy có thể thấy, cuộc chiến gọi xe công nghệ hiện nay còn khá gây cấn. Các thương hiệu đang cạnh tranh nhau từng đối tác tài xế, đối tác nhà hàng và cả khách hàng sử dụng dịch vụ. Trong thời gian tới, thị trường này được dự báo sẽ còn nhiều thay đổi. Hãy cùng chờ xem!
Ứng dụng Gojek có giao diện mới và được cải tiến nhiều tính năng.
Nguồn: [Link nguồn]