"Giải mã" sự lan tỏa mạnh mẽ của chiến dịch "gom 100.000 chữ A" trên Facebook

Các tin tức liên quan đến trẻ em bị đói khát, bệnh tật luôn nhận được sự quan tâm lớn của người dùng Facebook.

Tuần qua, bên cạnh những thông tin mới về dịch Covid-19 mà đặc biệt là những diễn biến tích cực của đại dịch này tại Việt Nam, cộng đồng mạng còn lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về chương trình gom 100.000 chữ A do Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN) phát động. Ngoài mặt tích cực là giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với trẻ tự kỷ, chiến dịch đã bị "ném đá" bởi "làm cho nhiều người có cảm giác bị lừa dối".

Một bài đăng tham gia chiến dịch gom 100.000 chữ A.

Một bài đăng tham gia chiến dịch gom 100.000 chữ A.

Nói về sự lan tỏa quá mạnh mẽ của chiến dịch trên mạng xã hội, chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân (Hà Nội) cho rằng, vấn đề này liên quan đến bản năng ham muốn trong mỗi con người. "Nói đến ham muốn, người ta thường nghĩ ngay đến tình dục hoặc tiền bạc, vật chất. Nhưng con người còn có những ham muốn mạnh mẽ khác ở tầng sâu hơn, và lòng trắc ẩn chính là một trong số đó", chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân nói.

"Điều này lý giải tại sao chúng ta có tâm lý dễ xúc động, thôi thúc cần phải làm điều gì đó khi đứng trước những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Đặc biệt, các tin tức liên quan đến trẻ em bị đói khát, bệnh tật luôn nhận được sự quan tâm hơn hết của người dùng Facebook nói riêng và độc giả nói chung.  Đây là loại cảm xúc có tính lan truyền và có sự kết nối sâu sắc", chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân nói thêm.

Theo chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân, việc tham gia chia sẻ, lan tỏa những chương trình như vậy khiến người dùng Facebook thoải mái khi nghĩ rằng mình có khả năng làm một việc ý nghĩa. Nhất là khi mọi thứ chỉ đơn giản là "tiện tay giúp đỡ". Không có gì dễ dàng hơn, đơn giản hơn việc đăng một vài tấm ảnh, gắn thẻ và cú nhấn chuột chia sẻ. Họ tin là đã có thể giúp cho những đứa trẻ kém may mắn.

"Chương trình gom 100.000 chữ A được chia sẻ, lan toả mạnh mẽ trên mạng xã hội còn có nguyên nhân từ phía nhà tổ chức. Họ đưa ra thông tin kêu gọi đủ số lượng chữ A thì sẽ nhận được gói tài trợ 200 triệu đồng để tổ chức các lớp học miễn phí cho phụ huynh có con bị tự kỷ, và kỳ hạn kết thúc vào ngày 15/4. Vô tình người tiếp nhận sẽ có tâm lý lo lắng, cố gắng chia sẻ với hi vọng gom đủ lượng chữ A cần thiết trước kỳ hạn kết thúc, nếu không công sức có thể sẽ "đổ sông đổ bể"", chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân lý giải thêm.

Thống kê những con số về chương trình trên mạng xã hội Facebook.

Thống kê những con số về chương trình trên mạng xã hội Facebook.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động tâm lý học, chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân nhận định: Do tính chất nhạy cảm của hoạt động thiện nguyện, yếu tố minh bạch là điều hết sức quan trọng để tạo dựng niềm tin kết nối cộng đồng và các nhà hảo tâm. Việc sử dụng thông tin giả hoặc thông tin không được kiểm chứng đầy đủ khi kêu gọi từ thiện có thể được việc một lần nhưng sẽ tạo ra hiệu ứng "chú bé chăn cừu", gây dư luận trái chiều ảnh hưởng đến uy tín của nhà tổ chức với những chương trình, hoạt động thiện nguyện khác về sau.

Mặc dù vậy, vị chuyên gia tâm lý đánh giá cao thông điệp của chương trình, đó là lan tỏa nhận thức về bệnh tự kỷ trong cộng đồng. Cụ thể là trẻ bị tự kỷ cần được phát hiện sớm, cần được can thiệp sớm và can thiệp đúng cách.

Một nửa sự thật không phải là sự thật

Về thử thách "gom 100.000 chữ A" nói trên, trong quá trình lan tỏa thông điệp, đã có tranh cãi giữa các luồng ý kiến: Có người biết đó là tin "thật trong giả" nhưng vẫn chấp nhận chia sẻ vì tính nhân văn; có người sẵn sàng lan tỏa thông điệp ý nghĩa ấy nhưng không thỏa hiệp với tin giả nói về thử thách 100.000 chữ A gắn với 200 triệu đồng tiền tài trợ. Ngoài ra, còn có một bộ phận xoáy vào việc chương trình quảng cáo cho trang web a365.vn, song chưa thể bình luận về điều này khi chưa có ý kiến của cơ quan chức năng.

Cũng như chuyên gia tâm lý, luật sư Lê Quang Vũ - Giám đốc Công ty Luật Công Bình ghi nhận những ý nghĩa nhân văn mà chương trình "gom 100.000 chữ A" hướng tới. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc ban tổ chức đã nhận được 200 triệu đồng từ nhà tài trợ mà vẫn kêu gọi "gom đủ 100.000 chữ A để nhận gói tài trợ 200.00 triệu đồng" như vậy là tung tin sai sự thật.

"Một nửa sự thật không phải là sự thật. Đây rõ ràng là câu like, câu view", luật sư Vũ nhấn mạnh, và khuyến nghị "các cá nhân, tổ chức nên tôn trọng sự thật khi tổ chức những chiến dịch tương tự để không lặp lại sự việc đáng tiếc như thế này".

Về pháp lý, luật sư Lê Quang Vũ nhận định: Việc lan tỏa thử thách như chiến dịch "gom 100.000 chữ A" vừa qua rõ ràng không đúng sự thật và khiến người dùng hiểu sai; nhưng nói đi phải nói lại là họ hướng tới một mục đích nhân văn, chưa gây hậu quả gì nghiêm trọng. Pháp luật đã có những quy định rất cụ thể về việc xử phạt người tung tin sai sự thật trên mạng xã hội, như Luật An ninh mạng (đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2019) hay Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ (vừa có hiệu lực từ ngày 15/4/2020).

VAN: "Chúng tôi muốn lan tỏa nhận thức về tự kỷ"

Trước đó, mạng xã hội Facebook tràn ngập những bài đăng về việc gom 100.000 chữ A bằng cách đăng bài kèm gắn thẻ #autism (tự kỷ), #awareness (nhận thức) và #a365 (chương trình chăm sóc thông minh cho trẻ). Đó là hành động hưởng ứng của cộng đồng mạng đối với lời kêu gọi của Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN).

Theo thông tin lan truyền, mỗi bài đăng trên trang cá nhân ở chế độ công khai, có hình ảnh hoạt động vận động, thể thao, vui chơi.,... là đã góp được 3 chữ A. Khi gom đủ 100.000 chữ A, gói tài trợ 200 triệu đồng sẽ được sử dụng để tổ chức những lớp học miễn phí cho cha mẹ có con tự kỷ.

Tuy nhiên, thực tế số tiền 200 triệu đồng chắc chắn sẽ được sử dụng dù cho số lượng bài đăng nhiều hay ít. Hay nói rõ hơn, việc chia sẻ bài đăng chỉ nhằm mục đích lan tỏa ý nghĩa của chương trình cũng như giúp mọi người hiểu rõ hơn về trẻ tự kỷ; không ảnh hưởng tới việc có hay mất gói tài trợ 200 triệu đồng.

Bỏ qua những thiếu sót trong ngày đầu kêu gọi cộng đồng mạng hưởng ứng chương trình (ngày 10/3/2020), khi chiến dịch đã bị phản ứng thì chiều 13/4/2020, VAN vẫn kêu gọi cộng đồng mạng tiếp tục chia sẻ thông điệp. Khi đó, VAN tung thông tin chiến dịch chỉ mới đạt được 87.000 chữ A và nhắc lại rằng "đủ 100.000 chữ A nhà tài trợ sẽ tặng 200 triệu đồng tổ chức các khóa tập huấn cho phụ huynh có con tự kỷ".

Đến khuya 16/4/2020, VAN chính thức xác nhận: "Gói tài trợ đã có, nhưng bởi chúng tôi cũng mong muốn nhân cơ hội này kêu gọi các thành viên trong mạng lưới thực hiện công việc lan tỏa, đăng 3A, để đạt được mục đích nhận thức về tự kỷ, và truyền thông về A365, hệ thống hỗ trợ cộng đồng phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ. Điều đó không phải ràng buộc của nhà tài trợ, mà do chính chúng tôi đặt ra. Điều này làm cho nhiều người có cảm giác bị lừa dối và chúng tôi chân thành nhận lỗi".

Tạm gác những lùm xùm xoay quanh chiến dịch, trên hết, chiến dịch đã đạt được thành công quan trọng nhất là lan tỏa nhận thức của cộng đồng đối với trẻ tự kỷ. Đối với 200 triệu đồng từ nhà tài trợ, A365 và VAN sẽ cùng nhau tổ chức các lớp học dành cho cha mẹ có trẻ tự kỷ - đây là điều chắc chắn sẽ diễn ra.​​​​​​

Những bài đăng ”gom 100.000 chữ A” đang ngập tràn trên Facebook là gì?

Những bài đăng này chủ yếu mang giá trị lan tỏa, không đặt nặng việc cộng thêm những chữ A.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Mạng xã hội Facebook Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN