GĐ FPT Software: “Nghề CNTT không khó nếu tận tâm”

“Nghề CNTT là nghề không khó nếu bạn thật sự tận tâm tận lực với nó, hãy chọn một lĩnh vực mình thích nhất và đầu tư nghiên cứu để nắm vững công nghệ”, Giám đốc FPT Software HCM, Nguyễn Đức Quỳnh chia sẻ.

Trong chương trình “Chat với CEO” vừa qua, các bạn sinh viên đã được tư vấn những kỹ năng, kinh nghiệm thực tế cần thiết để gia tăng cơ hội gia nhập vào các công ty công nghệ lớn.

GĐ FPT Software: “Nghề CNTT không khó nếu tận tâm” - 1

Đông đảo các bạn sinh viên tham dự buổi hội thảo tại Giảng đường I, Trường ĐH KHTN TP.HCM.

Theo anh Trần Hải Linh, Tổng Giám đốc Sendo, hiện là Giám đốc đơn vị thành viên trẻ tuổi nhất ở FPT: “Việc học gì chưa chắc quyết định tương lai. Đừng chọn nghề theo xu hướng. Quan trọng hơn cả là bạn biết mình giỏi gì và yêu quý làm cái gì”.

Theo anh, các bạn sinh viên nếu không có một bảng điểm đẹp thì hãy cố gắng xác định được một chuyên môn mà mình có thế mạnh. “Ban đầu phải xác định được là có những cái mình không biết và làm sai. Các bạn nên chấp nhận điều đó và không ngừng học hỏi để thay đổi. Các bạn có điểm mạnh là trẻ hơn, khỏe hơn, khả năng học hỏi tốt hơn. Phải học càng nhiều thứ càng tốt, những cái gì mới thì càng nên học vì đó là thế mạnh cạnh tranh so với những người nhiều kinh nghiệm nhưng lại chậm đổi mới”, anh Linh nói.

Còn quan điểm của anh Ngô Quốc Bảo, Giám đốc FPT Retail thì những thành công lớn đều bắt đầu từ những việc rất nhỏ. Do đó, hãy làm những việc nhỏ tốt hơn đối thủ của bạn một chút. Thành công là khi những điều như thế được cộng lại.

“Các bạn sinh viên hãy dành ra ít nhất 6 tháng đầu tiên sau khi tốt nghiệp là đi làm thuê. Hãy làm thật nhiều, kể cả những việc không liên quan đến chuyên môn của bạn, kể cả việc bạn không thích và rất cực. Khi đó, đừng đặt mục tiêu là kiếm tiền. Hãy coi đó như một môn học lớn. Một lúc nào đó, bạn sẽ cảm ơn khoảng thời gian này”, Giám đốc FPT Retail nhắn nhủ.

Cũng tại buổi giao lưu, các chuyên gia đã khuyên các bạn sinh viên nên đi làm thêm từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường: “Quá trình làm thêm sẽ rèn luyện cho các bạn nhiều kỹ năng, tư duy để có thể hòa nhập và phát triển nhanh hơn, tự tin hơn khi chính thức ra trường, đi làm. Các bạn sinh viên cần có thái độ nghiêm túc với nghề nghiệp bạn đã chọn. Giữ tinh thần cầu thị, cầu tiến. Xây dựng kế hoạch cá nhân, đặt ra mục tiêu cụ thể từng chặng 3 tháng, 6 tháng, 1 năm với các tiêu chí chi tiết: kiến thức, nghiệp vụ. Tự đánh giá lại mục tiêu sau từng chặng. Tinh thần xung phong lăn xả vào các thách thức công việc để học tập và phát triển”.

GĐ FPT Software: “Nghề CNTT không khó nếu tận tâm” - 2

Giám đốc FPT Software HCM, Nguyễn Đức Quỳnh đang chia sẻ kinh nghiệm lập nghiệp tại Trường ĐH KHTN TP.HCM.

“Điều quan trọng nhất đối với các bạn chính là đam mê. Khi có đam mê, bạn mới có hứng thú và hết mình với nó từ đó đạt được những thành quả xứng đáng với công sức mình bỏ ra. Nghề CNTT là nghề không khó nếu bạn thật sự tận tâm tận lực với nó, hãy chọn một lĩnh vực mình thích nhất và đầu tư nghiên cứu để nắm vững công nghệ.

Ngoài ra, vấn đề ngoại ngữ cũng rất quan trọng quyết định đến tương lai của bạn. Trong thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường hoặc mới đi làm, các bạn nên dành thời gian trau dồi Anh ngữ, tiếng Anh phải thật giỏi, còn không thì đăng ký học tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Đức. 2 đến 3 năm sau, khi bạn đã có kinh nghiệm lập trình cộng thêm khả năng ngoại ngữ, lương của bạn sẽ cao hơn mức bạn tưởng tượng”, Giám đốc FPT Software HCM, Nguyễn Đức Quỳnh chia sẻ.

Sự kiện “Chat với CEO” do FPT tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp tới sinh viên các trường đại học. Chương trình vừa qua được tổ chức tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM và ĐH Kinh tế TP.HCM, giúp các bạn trẻ định hướng nghề nghiệp và phong cách làm việc, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN