Facebook và Google sẽ “nghỉ chơi” Việt Nam?
Nhiều người dùng internet tại Việt Nam đang lo lắng không còn được lướt Facebook và tra Google.
Nhọc nhằn chuyện máy chủ và quản lý dữ liệu
Liên quan tới dự thảo Luật An ninh mạng đang gây nhiều tranh cãi ở khoản 4, điều 34, các chuyên gia công nghệ cùng nhận định là quy định này sẽ đặt ra nhiều điều kiện để các dịch vụ quốc tế (trong đó có Google và Facebook) hoạt động được tại Việt Nam, nhưng để thực hiện thì khó khả thi.
Cụ thể, khoản 4, điều 34 Luật An ninh mạng quy định: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo mật thông tin người dùng và thông tin tài khoản của người dùng; xử lý nghiêm các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật”.
Về hoạt động của Facebook và Google tại Việt Nam, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, những “ông lớn” này chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam nhưng đã và đang thuê máy chủ ở Việt Nam để tiết kiệm chi phí và tăng tốc độ truy cho người dùng trong nước. Tuy nhiên, các bên cho thuê ở Việt Nam không chịu trách nhiệm với nội dung mà khách hàng quốc tế cung cấp.
Google và Facebook là 2 gã khổng lồ trên internet.
Trong khi đó, chuyên gia công nghệ Phạm Hồng Phước cho rằng, thuê cơ sở hạ tầng và quản lý hoạt động là hai việc khác nhau. “Giống như người cho thuê nhà không thể chịu trách nhiệm về những gì người thuê nhà làm. Các doanh nghiệp nước ngoài có thể thuê máy chủ ở Việt Nam theo nhu cầu kinh doanh nhưng không đồng nghĩa với việc họ chấp nhận để Việt Nam kiểm soát cơ sở dữ liệu của họ”, ông Phước nói.
Theo ông Phước, nếu hai bên quan hệ tốt, các doanh nghiệp nước ngoài có thể hợp tác cung cấp những thông tin mà nhà chức trách sở tại cần trong những trường hợp cụ thể phù hợp với công pháp và thông lệ quốc tế. Vì thế, thay vì đặt ra một điều kiện bắt buộc mang tính hành chính áp đặt, ta nên để cho doanh nghiệp nước ngoài quyết định đặt máy chủ ở đâu theo nhu cầu kinh doanh của họ.
“Việc đặt máy chủ ở đâu không quan trọng bằng việc quản lý dữ liệu sẽ được sử dụng ra sao, đó mới chính là mục đích của bảo vệ an ninh mạng, an toàn thông tin. Việc bắt buộc phải đặt máy chủ ở nơi quy định không chỉ không phù hợp mà còn không khả thi trong kỷ nguyên “đám mây”. Hơn nữa, dữ liệu của các doanh nghiệp sẽ an toàn hơn khi đặt ở những trung tâm dữ liệu có độ an toàn cao về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng để phòng ngừa thiên tai và các sự cố không mong muốn khác”, ông Phước phân tích.
Đừng lo Facebook, Google “nghỉ chơi” Việt Nam!
Chuyên gia công nghệ Phạm Hồng Phước cũng trấn an người dùng internet tại Việt Nam không cần phải lo lắng về viễn cảnh không được dùng Facebook, Google. Facebook có một lượng người dùng “khổng lồ” (hơn 32 triệu người dùng mỗi ngày, 51 triệu người dùng mỗi tháng) thì chắc chắn không thể bỏ thị trường này, bởi bản chất Facebook cũng là kinh doanh. Riêng Google thì họ còn có lượng người dùng lớn hơn nữa.
Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena.
Còn ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena cho rằng, mục đích của Luật An ninh mạng là để tăng cường kiểm soát, giám sát các hoạt động trên mạng internet.
“Tuy nhiên, tôi thấy hiện nay đã có Luật An toàn thông tin và đã có hiệu lực hơn 1 năm. Tôi chưa thấy sự khác biệt giữa Luật An toàn thông tin và dự thảo Luật An ninh mạng, nên sẽ có sự chồng chéo về luật, khiến người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn. Do đó, tôi nghĩ nên ghép hai luật này lại”, ông Thắng góp ý.
Về các quy định như dự thảo Luật An ninh mạng, theo ông Thắng, áp dụng đối với các công ty Việt Nam thì không quá khó; nhưng đối với các công ty đa quốc gia, các tập đoàn công nghệ làm việc trong thế giới phẳng như Facebook, Google,.... là rất khó. Điều này thậm chí còn có thể ảnh hưởng tới các doanh nghiệp của Việt Nam như Viettel, FPT, VNPT khi muốn vào thị trường Mỹ.
Để hiểu rõ hơn phản ứng của Facebook và Google, phóng viên đã gửi câu hỏi tới đại diện của các công ty trên. Đại diện truyền thông của Facebook tại Việt Nam cho biết đã chuyển thông tin tới người có quyền phát ngôn và sẽ cung cấp thông tin sau; trong khi đó, người đại diện của Google khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) vẫn chưa có bất kỳ phản hồi nào.
Dự thảo Luật An ninh mạng được đánh giá là có nhiều bất cập mà có thể ảnh hưởng tới hoạt động của Google và Facebook...