Facebook và chuẩn mực ứng xử đời thường

Thay vì giết thời gian vào những mối quan hệ ảo thì hãy vun đắp, củng cố và xây dựng những mối quan hệ không bao giờ rời bỏ ta đi.

Không biết từ khi nào Facebook trở thành người bạn “tâm giao” của rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Không khó để bắt gặp hình ảnh các bạn cập nhật Facebook mọi lúc mọi nơi. Cứ ngỡ như đó là những điều làm ta cảm thấy vui và hạnh phúc; nhưng trong một phút giây tĩnh lặng nhìn lại thì mạng xã hội này đã lấy đi rất nhiều thứ mà bản thân chúng ta không hay biết.

Facebook và chuẩn mực ứng xử đời thường - 1

Facebook đang chi phối rất lớn đời sống của con người. (Ảnh minh họa: Internet)

Giao tiếp ảo lấn giao tiếp thật

Quả thực Facebook đã ảnh hưởng đến đời sống của mỗi chúng ta rất nhiều. Điểm đầu tiên có thể nhìn thấy đó là về mặt giao tiếp xã hội. Facebooker “nhiệt tình” với những người bạn trên Facebook, sẵn sàng nhấn Like khi thấy một trạng thái hay hình ảnh mình thích thú, họ viết những lời động viên hay cảm nhận cá nhân. Nhưng trong cuộc sống thực, họ lại chưa bao giờ hoặc rất ít khi chia sẻ, tâm tình, động viên người khác bằng lời nói, nhất là với những mối quan hệ thân thuộc.

Trước đây, về đến nhà cả gia đình cùng quây quần bên mâm cơm, con cái thủ thỉ cho cha mẹ nghe những câu chuyện về trường lớp và những người bạn. Hiện nay thì sao? Trong bữa cơm gia đình, các thành viên thay vì nói chuyện lại nhìn vào chiếc điện thoại, con cái chat với bạn bè, cha mẹ bận bàn chuyện cùng đối tác. Và cứ thế những mối quan hệ giãn ra, khoảng cách giữa mọi người ngày một lớn.

Việc lạm dụng Facebook cho việc giao tiếp trực tiếp đã dẫn đến sự hạn chế về ngôn ngữ ở ngay chính trong gia đình. Cha mẹ không biết phải nói chuyện với con như thế nào, chưa kể con sử dụng những ngôn ngữ "teen" mà cha mẹ không thể nào hiểu được. Cứ thế, từ hạn chế về ngôn ngữ dẫn tới khoảng cách về thế hệ ngày một rộng hơn.

Chưa hết, ngày nay người ta dễ nhấn Like một cách quá vô tư, dễ chửi mắng vô cảm. Cứ nghĩ mình biết tất cả nên không ít người cứ thoải mái làm "thánh phán"… Không ít sai lầm giới trẻ thường mắc phải khi sử dụng mạng xã hội là vô tư công khai quá nhiều thông tin cá nhân, tin tưởng mù quáng vào các thông tin chia sẻ cũng như những lời đường mật nên gặp phải “đai già lừa” hay giới trẻ còn gọi vui là "sói ca thời hiện đại". Đó là chưa kể vì sống ảo và tin vào những cái ảo nên nhiều Facebooker dễ bị "dắt mũi" bởi các thông tin sai lệch, không thực tế. Chính kiểu gửi trao niềm tin nhầm địa chỉ làm cho không ít người dở khóc dở cười.

Cái tôi trong thế giới ảo

Có thể nói, Facebook là thế giới mà người ta tin năng lực của mình được người khác kính nể trước một nút Like, càng nhiều Like đồng nghĩa với việc mình đang được yêu mến và tôn trọng. Nhưng chỉ là một cái nhấn chuột, ngay cả một đứa trẻ cũng có thể làm được. Có khi họ chẳng quan tâm chủ tài khoản Facebook đang nghĩ hay làm gì, mà họ chỉ cần thấy là Like. Họ thường xuyên Like để mong nhận lại một sự trao đổi, đơn giản chỉ vậy thôi!

Facebook và chuẩn mực ứng xử đời thường - 2

Những con số màu đỏ trên Facebook rất ma lực. (Ảnh minh họa: Internet)

Tuy nhiên, hiện nay có một bộ phận cá nhân nhìn thấy lượt Like của mình tăng lên mỗi ngày nên không ngừng cập nhật tin tức, có khi đang đi ăn, uống nước với bạn bè, hôm nay mâu thuẫn với ai, làm bài thi không được..., tất cả được gói gém và nhờ Facebook chuyển giùm tới mọi người. Sau khi nhận được vô số lượt Like và bình luận thì họ tự xây nên một "ốc đảo" mà bên trong đó, họ trở thành trung tâm của sự chú ý.

Bên ngoài họ xềnh xoàng nhưng khi bước vào thế giới ảo, họ trở thành một vì sao sáng, một con người để người khác ngưỡng mộ. Trong lúc bản chất bên trong không có mà cứ tạo nên những hào nhoáng bên ngoài như vậy sẽ được bao lâu? Đến nỗi một số cá nhân xung quanh phát ngán nhưng “nể” nên chẳng nói. Một thời gian sẽ dẫn tới chuyện bỏ lơ vì chỉ cần nhìn là biết bạn mình sắp đưa hình gì lên Facebook.

Hãy tưởng tượng bỗng một ngày tất cả công nghệ không còn. Những người bạn hàng ngày Like và chia sẻ trên mạng có chạy đến và hỏi han bạn không? Chỉ một cú nhấn chuột để nổi tiếng trên thế giới ảo nhưng tiếc rằng, trong thế giới thực không có "cú click" nào biến cá nhân từ một người lười biếng trở thành chăm chỉ.

Facebook đã kết nối những người trên thế giới mạng với nhau nhiều hơn, nhưng mọi thứ vẫn chỉ dừng lại trong cái ảo của nó. Có những cảm xúc là ảo, có những lời nói chia sẻ không xuất phát từ trái tim mà từ thói quen. Ngược lại, những tổn thương trong tâm hồn nếu xảy ra là có thực. Đã đến lúc chúng ta cần tỉnh táo nhận ra đâu là những giá trị ảo và đâu là những giá trị vĩnh hằng. Họ tung hô bạn trên thế giới ảo, nhưng đến lúc cuộc sống bạn gặp khó khăn và trở ngại thì chỉ có gia đình và những người thân yêu bên cạnh.

Vậy nên, thay vì giết thời gian vào những mối quan hệ ảo thì hãy vun đắp, củng cố và xây dựng những mối quan hệ không bao giờ rời bỏ ta đi. Và hãy nhớ rằng, giềng mối của sự ứng xử vẫn còn dựa trên những giá trị làm người dù xã hội có phát triển đến mức nào đi nữa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam ([Tên nguồn])
Mạng xã hội Facebook Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN