Facebook lắm “tài” nhiều “tật” và cách "điều trị"
Sau hơn 10 năm ra đời, Facebook trở thành mạng xã hội thu hút hàng tỉ người trên thế giới sử dụng. Cùng với sự phát triển của Facebook, các bàn luận hay - dở của mạng xã hội lớn nhất này cũng ngày càng tăng lên.
Bên cạnh các tính năng cùng những cải tiến hữu ích hỗ trợ cộng đồng mạng, công cụ này cũng trở thành mảnh đất màu mỡ cho tin nhắn rác, quảng cáo và lừa đảo hoành hành, thậm chí còn là nơi cho tội phạm mạng phát tán mã độc…
Có lẽ nâng cấp lớn nhất từng được Mark Zuckerberg công bố đó là Facebook Messenger - một công cụ nhắn tin (chat) độc lập, được cho là sẽ trở thành một cổng thông tin khổng lồ, nơi mà người dùng có thể làm rất nhiều thứ hơn là chỉ chat với bạn bè.
Với cơ chế lan truyền kiểu "friends of friends" (bạn của bạn), người dùng Fcaebook không cần kết bạn với tài khoản spam cũng vẫn phải hứng chịu hàng chục tin nhắn không mong muốn từ tổng đài di động, tin khuyến mãi, bán sim điện thoại, nhà đất, mỹ phẩm, ứng dụng xem bói… Đây chính là những tài khoản ảo hoặc tài khoản bị hack. Bên cạnh đó, Facebook còn tự động đưa tên người nhận vào trong nội dung tin nhắn để tăng độ tin cậy.
Tuy nhiên để hạn chế, người dùng có thể tùy chỉnh chế độ Strict Filtering - "Lọc nghiêm ngặt" trong Settings - "Cài đặt" > Privacy - "Quyền riêng tư" hoặc nâng cấp phiên bản mới để tận dụng tin năng Message Requests - "Tin nhắn đang chờ".
Cơ bản Message Requests là công cụ lọc tin nhắn mà chỉ cho phép những tin nhắn từ bạn bè, người quen của bạn mới được xuất hiện, còn lại tin nhắn lạ không rõ nguồn gốc đều sẽ được đưa vào mục "Tin nhắn đang chờ" như một yêu cầu cần sự chấp thuận của chủ nhân.
Để kiểm soát chi tiết hơn, bạn có thể thiết lập lại các thông số chi tiết đầy đủ hơn cho tính năng này trong Messenges - "Tin nhắn" bên trái.
Mặc dù làm rất tốt việc hạn chế các tin nhắn rác, nhưng tính năng này sẽ khiến việc giao tiếp với người khác gặp khó khăn do tất cả tin nhắn quan trọng đều bị đưa vào mục "chờ duyệt".
Bên cạnh đó, thời gian gầy đây môi trường mạng xã hội tỉ người dùng này còn là nơi phát tán mã độc khá hiệu quả của tội phạm mạng. Tuy nhiên, nếu chú ý, người dùng hoàn toàn có thể tránh và phòng ngừa một số “virus” phổ biến đang hoành hành trên Facebook gần đây.
Đầu tiên có thể kể đến virus tự động gửi tin nhắn lên tường (Wall) bạn bè. Virus sẽ tự động cập nhật những nội dung gây tò mò kèm theo đường dẫn (link) chứa mã độc lên tường của những người có trong danh sách bạn bè (Friends), danh sách những người đang theo dõi (Followers). Để tạo sự tin tưởng chúng còn gắn cả phần mô tả chia sẻ giả mạo từ các trang web uy tín hoặc kiểm chứng an toàn từ các công ty bảo mật lớn. Chính nhờ điều này chúng dễ dàng lây lan rất nhanh mỗi khi nạn nhân sập bẫy, nhấn vào liên kết.
Khi xác định tài khoản gặp phải virus này, đầu tiên hãy nhanh chóng xóa toàn bộ dữ liệu truy cập web của trình duyệt đang dùng trên máy tính. Tiếp theo, bạn hãy truy cập Facebook xóa các ứng dụng trong Settings - "Cài đặt" > Apps - "Ứng dụng", bằng cách nhấn dấu “X” ở bên phải. An toàn hơn, bạn nên xóa hết tất cả các ứng dụng trong mục Logged in with Facebook - “Đã đăng nhập với Facebook”.
Để chặn tự động cập nhật lên tường (Wall) Facebook, bạn cần kích hoạt chế độ Review sang Enabled trong Settings "Cài đặt" > Timeline and Tagging - "Dòng thời gian và gắn..." ở mục tùy chọn tùy chọn “Who can add things to my timeline” (Ai có thể thêm vào dòng thời gian của tôi). Điều này khiến những thứ người khác đăng trên tường nhà bạn đều phải qua sự kiểm duyệt của bạn, giúp hạn chế việc phán tán rộng rãi.
Tuy nhiên, cách chủ động tốt nhất để tránh những virus này là nên kiểm tra trước đường dẫn gốc của liên kết chia sẻ, bằng cách rê chuột lên liên kết chia sẻ, bạn sẽ biết đường dẫn thật của chúng. Và nhất quyết không truy cập những liên kết chia sẻ khả nghi.
Tinh vi hơn, virus còn được phát tán trong chức năng thông báo ít ai ngờ đến. Điển hình, chúng thường ẩn nấp dưới các dạng thông báo “có người nhắc đến bạn” (mention) để nạn nhân tin chọn vào xem và sập bẫy. Một khi truy cập, bạn sẽ được dẫn đến một trang web giả mạo Facebook, yêu cầu người dùng đăng nhập để thu thập thông tin đăng nhập, chiếm tài khoản và phát tán virus thông qua danh sách bạn bè bằng hình thức tương tự.
Để hạn chế việc tự cài đặt ứng dụng chứa mã độc, bạn cần kích hoạt tùy chọn không tự động cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc (Unknown sources) trong mục Settings - "Cài đặt" > Applications - "Ứng dụng". An toàn hơn, bạn nên đổi lại mật khẩu truy cập Facebook và kích hoạt tính năng xác thực 2 bước trong Settings - "Cài đặt" > Security - "Bảo mật"> đánh dấu chọn trước mục “Require a security code to access my account from unknown browsers”. Sau đó làm theo hướng dẫn để nhận mã đăng nhập an toàn thông qua tin nhắn SMS đến số điện thoại bạn đăng ký.
Tương tự, một trường hợp phổ biến hiện nay khiến không ít người dùng cảm thấy rất phiền toái. Đó là tự nhiên tài khoản Facebook của bạn và toàn bộ bạn bè trong danh sách "Friends" tự động được thêm vào một nhóm lạ. Đáng chú ý, những nhóm này còn tạo ra rất nhiều thông báo mang nội dung không lành mạnh, thậm chí đính kèm đường dẫn phát tán mã độc.
Với trường hợp này, hiện Facebook vẫn chưa có thiết lập ngăn chặn nào hiệu quả. Do đó khi phát hiện, bạn chỉ có cách duy nhất là rời khỏi nhóm bằng cách hoàn toàn thủ công.
Để làm điều này, đầu tiên bạn cần tìm đến nhóm muốn thoát ra. Sau đó chọn biểu tượng chiếc bánh răng bên phải màn hình và tiếp tục chọn nhấn chọn mục Leave Group - "Rời nhóm". Tiếp theo để ngăn không cho quản trị nhóm này đưa bạn vào nhóm một lần nữa nên chọn tiếp mục “Prevent other members from adding you back to this group”.
Trong khi chờ những cập nhật mới từ Facebook, bạn cũng cần thực hiện rà soát định kỳ các nhóm lạ trong danh sách nhóm của mình tại mục Home - "Trang chủ" > Groups - "Nhóm". Điều này sẽ giúp bạn tránh bị thêm vào những nhóm không mong muốn, đồng thời cũng giúp thông tin trên dòng thời gian (Timeline) của bạn luôn sạch sẽ cũng như không bị các liên kết độc hại quấy nhiễu.
Hiện trên Facebook tồn tại rất nhiều thủ đoạn lừa đảo khá tinh vi khác để dẫn dụ người dùng và chiếm tài khoản. Cụ thể đó là các ứng dụng “Ai đã xem hồ sơ Facebook của bạn” - Who viewed your facebook profile, kích thích trí tò mò người dùng; ứng dụng tăng lượt thích (like) trên Facebook; video, ảnh "nóng" giả mạo, thay đổi màu sắc cho trang cá nhân (The Facebook Color Changer);…
Do đó cách phòng ngừa duy nhất để không phải vướng vào những phiền toái trên là người dùng Facebook luôn tỉnh táo để kịp thời nhận ra các bất thường trong quá trình sử dụng. Tuyệt đối không dễ dàng bị dẫn dụ bằng những trạng thái (status), hình ảnh hay video… hấp dẫn từ người không quen biết.