Facebook, Google phải gỡ quảng cáo vi phạm trong 24 giờ nhận thông báo tại VN

Các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google buộc phải gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm trong vòng 24 giờ sau khi nhận được thông báo vi phạm của Bộ TT&TT.

Ngày 20/07/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó, sửa đổi, bổ sung Điều 13 về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.

Theo Nghị định trên, từ ngày 15/9 tới, các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google buộc phải gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm trong vòng 24 giờ sau khi nhận được thông báo vi phạm của Bộ TT&TT.

Facebook và Google là hai nền tảng xuyên biên giới đang chiếm tỉ lệ lớn thị phần quảng cáo tại Việt Nam.

Facebook và Google là hai nền tảng xuyên biên giới đang chiếm tỉ lệ lớn thị phần quảng cáo tại Việt Nam.

Nghị định số 70/2021/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 70) mới xây dựng và vừa mới ban hành theo đề xuất của Bộ TT&TT nhằm siết lại hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam như Google, Facebook khi các nền tảng này đang chiếm phần lớn doanh thu quảng cáo trên nền tảng kỹ thuật số tại Việt Nam. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 70 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/4/2013, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo.

Nghị định 70 nêu rõ: Hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam là việc các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng trang thông tin điện tử kinh doanh dịch vụ quảng cáo từ hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam, cho người sử dụng tại Việt Nam, có phát sinh doanh thu tại Việt Nam.

Trang thông tin điện tử kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Nghị định này là hệ thống thông tin sử dụng một hoặc nhiều trang thông tin điện tử dưới dạng ký hiệu, số, chữ viết, hình ảnh, âm thanh và các dạng thông tin khác nhằm cung cấp cho người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, trao đổi thông tin, chia sẻ  âm thanh, hình ảnh, tạo diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến để cung cấp dịch vụ quảng cáo.

Do đó, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, quy định về an ninh mạng và quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; phải nộp thuế theo quy định pháp luật về thuế; hoạt động, kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, thượng tôn pháp luật Việt Nam.

Nghị định cũng quy định rất rõ: Các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam tuân thủ các nguyên tắc và nghĩa vụ  được quy định tại Điều 13 Luật Quảng cáo; phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT những nội dung như tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở chính nơi đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo; địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ và hệ thống máy chủ  đặt tại Việt Nam (nếu có)...; Các nền tảng xuyên biên giới cần thông báo tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở, địa chỉ đặt máy chủ hoặc đầu mối liên hệ tại Việt Nam 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Cơ quan tiếp nhận là Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) sẽ có trách nhiệm gửi giấy xác nhận trong 7 ngày làm việc kể từ khi nhận thông báo.

Nghị định yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ; Thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ TT&TT và các cơ quan chức năng có thẩm quyền; cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động quảng cáo xuyên biên giới có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Đối với người phát hành quảng cáo, người quảng cáo khi tham gia giao kết hợp đồng với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (bao gồm tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới) có quyền và nghĩa vụ: Yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ; yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có giải pháp kỹ thuật để người phát hành quảng cáo, người quảng cáo tại Việt Nam có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ.

Quy định mới cũng yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo không hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo với trang thông tin điện tử đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền thông báo vi phạm pháp luật công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (mic.gov.vn).

Ngoài ra, Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung Điều 14, quy định cụ thể trách nhiệm quản lý đối với hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, trong đó, các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm phát hiện và xác định các quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật theo thẩm quyền được phân công tại các quy định pháp luật về quản lý và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo.

Và Bộ TT&TT là cơ quan tiếp nhận các thông báo về quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật từ các bộ, ngành, địa phương và là đầu mối liên hệ, gửi yêu cầu xử lý quảng cáo vi phạm pháp luật cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.

Sau khi nhận được yêu cầu từ Bộ TT&TT, các đơn vị phải thực hiện xử lý vi phạm trong vòng 24 giờ. Sau thời hạn trên, nếu không xử lý và không có lý do chính đáng, Bộ sẽ thực thi các biện pháp ngăn chặn các quảng cáo này.

Trong trường hợp phát hiện các quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Việt Nam, cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam sẽ thực hiện ngăn chặn ngay các quảng cáo vi phạm pháp luật

Nghị định 70/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/9/2021.

Nguồn: [Link nguồn]

Cách kích hoạt YouTube Premium để tắt quảng cáo miễn phí, gia hạn rẻ bèo

Người dùng kích hoạt YouTube Premium lần đầu tiên sẽ được dùng miễn phí một khoảng thời gian, sau đó có thể gia hạn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PV ([Tên nguồn])
Youtube Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN