eSIM là gì, hoạt động như thế nào và vì sao bạn nên quan tâm?

Sự kiện: Công nghệ

eSIM được Google và Apple giới thiệu trong các sản phẩm mới nhất của hãng. Tương lai không xa, chúng ta có thể nhìn thấy công nghệ này trở nên phổ biến.

Trong vài tuần gần đây, eSIM được nhắc đến nhiều hơn nhờ Google và Apple đưa công nghệ vào các sản phẩm mới nhất là Google Pixel 2/Pixel 2XL và Apple Watch Series 3. eSIM mang đến trải nghiệm tốt hơn, an toàn hơn, thiết bị thiết kế tốt hơn, mở ra cơ hội thị trường mới cho các nhà mạng và thúc đẩy danh mục sản phẩm thông minh hoàn toàn mới. Nội dung dưới đây giúp bạn có thêm thông tin về công nghệ eSIM này.

Thẻ SIM (Subscriber Identity Module) là nơi chứa thông tin dùng để xác thực người dùng của nhà mạng. 27 năm qua, chúng ta quen nó dưới hình hài một tấm thẻ nhỏ, chứa con chip để lắp vào điện thoại. Có thể bạn không biết nhưng năm 1991, thẻ SIM to bằng cả một chiếc thẻ tín dụng. Theo thời gian, nó giảm dần kích thước và nhỏ gọn như ngày nay.

Khi các nhà sản xuất đua nhau làm sản phẩm nhỏ hơn, mỏng hơn, nhẹ hơn, giàu tính năng hơn, không gian là thứ gì đó rất xa xỉ. Kể cả jack cắm tai nghe khiêm tốn cũng bị loại bỏ để tiết kiệm từng mm nhỏ bé. Theo triết lý này, Nano-SIM dài 12,3mm, rộng 8,8mm có đủ nhỏ?

Nếu là nhà thiết kế, bạn phải đặt thẻ SIM trong mối tương quan với các linh kiện và bảng mạch bên trong. Trong nhiều năm, thẻ SIM luôn có khay SIM riêng trong thiết bị. Để thiết bị bền hơn và chống nước tốt hơn, những thành phần như vậy bỏ được đến đâu hay tới đó. Quan trọng hơn, nếu muốn đổi sang mạng khác, bạn phải mua thẻ SIM mới. eSIM giúp bạn quên đi sự bất tiện này.

eSIM là gì

eSIM là gì, hoạt động như thế nào và vì sao bạn nên quan tâm? - 1

Kích thước thẻ SIM thay đổi sau 27 năm.

eSIM/Embedded SIM hay chính thống hơn là Universal Integrated Circuit Card (eUICC) có chiều dài và chiều rộng dưới 5mm, được hàn vào bảng mạch của thiết bị khi sản xuất nhưng vẫn có chức năng như thẻ SIM thông thường. Nó có các chức năng M2M (Machine to Machine) và Remote Provisioning. Được Hiệp hội GSM công nhận, không lâu nữa trước khi chúng ta chứng kiến eSIM trở thành tiêu chuẩn trong các thiết bị đầu bảng đến từ Samsung và Apple cũng như các hãng khác.

Remote Provisioning bên trong chuẩn eSIM mang đến trải nghiệm tốt hơn khi kích hoạt và quản lý điện thoại. Trong quá trình cài đặt, người dùng có thể chọn nhà mạng và gói cước mình muốn. Tại Triển lãm Thế giới di động năm nay, ông Thomas Henze, Giám đốc chương trình eSIM của hãng viễn thông Deutsche Telekom, đã trình diễn kích hoạt điện thoại bằng cách quét qua một mã nằm trong lá thư gửi từ nhà mạng.  

Khi du lịch, về mặt lý thuyết điện thoại của bạn sẽ biết vị trí địa lý đã thay đổi và cung cấp một số điện thoại cũng như gói cước của nhà mạng địa phương. Một lợi ích khác được thảo luận đó là eSIM bảo đảm thiết bị tương lai có giá thành sản xuất rẻ hơn.

Internet of Things

eSIM là gì, hoạt động như thế nào và vì sao bạn nên quan tâm? - 2

Thiết bị vạn vật kết nối hay Internet of Things (IoT) đều được hưởng lợi từ eSIM. Ước tính trong vài năm tới, thiết bị IoT sẽ trở thành danh mục kết nối lớn nhất, vượt quá cả điện thoại di động. eSIM không chỉ giúp những thiết bị này hoạt động mà còn mở ra danh mục thiết bị hoàn toàn mới với ít nhược điểm hơn.

Thiết bị dạng đeo như Apple Watch Series 3 Cellular hay Samsung Gear S3 LTE chỉ là một trong các danh mục tận dụng lợi thế của eSIM. Các nhà sản xuất xe hơi nhờ eSIM có thể kết nối ô tô với mạng di động nhanh chóng.

eSIM chính là tương lai nhưng nó không xảy ra một sớm một chiều. Điện thoại bạn đang cầm trên tay vẫn dùng SIM vật lý. Trong Google Pixel 2 và Pixel 2 XL, eSIM hiện chỉ dùng với mạng Google Project Fi và do đó nó vẫn có khay SIM truyền thống để sử dụng với mọi mạng di động khác. Một điều chắc chắn là chúng ta sẽ không mất thêm 27 năm nữa để chứng kiến eSIM được phổ cập và thẻ SIM vật lý trở thành một phần lịch sử.

iPhone khóa mạng tại VN thành ”cục gạch” vì... SIM ghép mất ”phép màu”

Chỉ cần mắc một sai lầm, chiếc iPhone khóa mạng của bạn có thể trở thành “cục gạch“ ngay tức khắc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Du Lam ([Tên nguồn])
Công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN