Dự thảo: Game thủ không được phép mua bán vật phẩm ảo và điểm thưởng
Đó là một phần nội dung trong Dự thảo sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP.
Theo thông tin từ Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), Dự thảo sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP đang được xây dựng theo hướng giảm bớt các quy trình, thủ tục cấp phép, đơn giản hóa điều kiện, thủ tục cấp phép và ưu tiên phát triển game Việt, đặc biệt là game giáo dục. Không cho phép việc mua bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng giữa người chơi với nhau.
Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng trong game không được phép mua bán.
Không cho phép mua, bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng
Dự thảo sửa đổi Nghị định cũng bổ sung những quy định về vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng. Trong đó, doanh nghiệp phát hành trò chơi điện tử có nghĩa vụ quản lý vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng trong trò chơi điện tử theo đúng quy tắc trò chơi đã công bố và phù hợp với nội dung, kịch bản trò chơi đã được phê duyệt, cấp phép. Không được gắn chương trình khuyến mãi có thưởng vào trong các trò chơi điện tử.
Theo nội dung Dự thảo, vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng chỉ được sử dụng trong phạm vi trò chơi điện tử và theo đúng mục đích mà doanh nghiệp đã báo cáo. Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng không phải là tài sản, không có giá trị quy đổi ngược lại thành tiền, thẻ thanh toán, phiếu thưởng hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định mới cũng đề ra quy định không mua, bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng giữa những người chơi với nhau. Đồng thời, Dự thảo yêu cầu những quy định chặt chẽ hơn với người chơi: Khi tạo tài khoản sử dụng trò chơi điện tử G1, người chơi phải cung cấp những thông tin cá nhân như họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; địa chỉ đăng ký thường trú; số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp người chơi dưới 14 tuổi và chưa có chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, người giám hộ hợp pháp của người chơi quyết định việc đăng ký thông tin cá nhân của mình để thể hiện sự đồng ý và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký.
Bỏ cấp giấy phép cung cấp dịch vụ G1, giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4
Dự thảo cũng đề xuất bãi bỏ quy trình, thủ tục cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1; quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4; đồng thời bổ sung quy định về việc thu hồi giấy phép phát hành game G1, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký phát hành trò chơi G2, G3, G4 trong trường hợp 12 tháng sau khi được cấp giấy phép, giấy chứng nhận mà doanh nghiệp không triển khai cung cấp dịch vụ.
"Các đề xuất trên nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính, điều kiện cấp phép, rút ngắn thời gian cấp phép cho doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực đồng thời cũng giúp tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tập trung vào quản lý nội dung đối với từng game được phát hành. Bởi thực tế thời gian qua, qua quá trình rà soát, cơ quan quản lý nhận thấy có tình trạng doanh nghiệp sau khi được cấp giấy phép G1 không đủ năng lực, tài chính nhân sự để triển khai cung cấp dịch vụ trên thực tế", Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết.
Cũng theo đánh giá của Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, có một số doanh nghiệp lợi dụng giấy phép G1 đã được cấp để quảng cáo như một thứ tài sản mà doanh nghiệp tự định giá hàng chục cho đến hàng trăm tỷ đồng để kêu gọi đầu tư hoặc bán cổ phần công ty dưới dạng bán hàng đa cấp (trong số đó có những trường hợp có yếu tố lừa đảo); cũng có trường hợp doanh nghiệp rao bán lại giấy phép G1 cho công ty khác (chủ yếu các công ty có yếu tố nước ngoài) để kiếm hàng tỷ đồng.
Như vậy, với việc cấp giấy phép G1 không gắn với việc để phát hành từng game, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý cũng như tăng thủ tục hành chính với các doanh nghiệp phát hành game.
Ngoài ra, các điều kiện và thành phần hồ sơ cấp phép Giấy phép G1 và Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản game G1 có nhiều nội dung phải báo cáo lặp lại như: Hệ thống kỹ thuật, hệ thống máy chủ, hình thức thanh toán, biện pháp quản lý người chơi... dẫn đến tăng chi phí, công sức chuẩn bị hồ sơ của doanh nghiệp và thời gian thẩm định của cơ quan quản lý.
Thúc đẩy phát triển, phổ biến game giáo dục
Thực tế hiện nay, hơn 90% game được thẩm định và phát hành tại thị trường Việt Nam có nguồn gốc từ nước ngoài, trong đó nội dung game chủ yếu là game kiếm hiệp, game có cốt truyện lịch sử Trung Quốc. Do đó, Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung quy định khuyến khích phát hành game giáo dục, với các quy định cụ thể như:
Quy định doanh nghiệp phát hành trò chơi điện tử phải xây dựng kế hoạch sản xuất, phát hành trò chơi điện tử trên mạng có nội dung giáo dục về kiến thức tự nhiên, xã hội; về văn hóa, lịch sử Việt Nam…
Bảo đảm đạt tỷ lệ ít nhất 10% trong số game đang phát hành (từ 10 game trở lên); bổ sung quy định về ưu tiên cho phép phát hành thử nghiệm các game giáo dục (do Việt Nam sản xuất) để đánh giá hiệu quả và điều chỉnh các nội dung cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Các kho ứng dụng Apple App Store, Google Play Store được đánh giá là hình thức tiếp thị và phân phối các ứng dụng trên mạng...
Nguồn: [Link nguồn]