Dự luật giám sát thông tin chưa có tiền lệ của Australia gây quan ngại

Cơ quan thực thi pháp luật Australia sẽ có thêm nhiều quyền "chưa có tiền lệ" nhằm chống tội phạm trên mạng.

Vào tuần trước, chính phủ liên bang của Australia đã thông qua một dự luật cho phép các cơ quan thực thi pháp luật cấp cao sử dụng thêm nhiều quyền lực tiếp cận và xâm nhập thông tin mới nhằm đấu tranh với tội phạm trên mạng, gây quan ngại cho một số tổ chức chuyên ngành luật và các nhóm vận động quyền tự do dân sự do phạm vi quyền lực mà luật này sẽ mở đường.

Dự luật Sửa đổi Pháp luật về Giám sát Thông tin (Nhận diện và Gián đoạn) sẽ đưa ra ba nhóm quyền lực mới mà theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Karen Andrews sẽ tăng cường khả năng bắt kịp công nghệ của nhà chức trách nhằm bảo vệ người dân Australia.

Với các quyền chưa có tiền lệ, Cảnh sát Liên bang Australia (AFP) và Ủy viên Thông tin Tội phạm (ACIC) sẽ có khả năng đấu tranh chống tội phạm trên mạng theo các cách sau:

Lệnh giám sát hoạt động mạng: cho phép thu thập thông tin liên quan đến các mạng lưới tội phạm nguy hiểm, bao gồm các mạng lưới trên dark web và có sử dụng công nghệ làm ẩn danh.

Lệnh gây gián đoạn dữ liệu: cho phép gây gián đoạn các hành vi phạm tội nghiêm trọng trên mạng, ví dụ như hành vi chia sẻ ảnh lạm dụng trẻ em, và cho phép sửa đổi dữ liệu liên quan đến nghi phạm.

Quyền chiếm tài khoản: cho phép AFP và ACIC chiếm quyền kiểm soát các tài khoản trên mạng nhằm thu thập chứng cứ liên quan đến hành vi phạm tội, được sử dụng cùng lúc với các quyền điều tra khác (quy định hiện hành dựa vào sự đồng ý của cá nhân).

Bộ trưởng Andrews đã diễn giải dự luật mới trước công luận và nói rằng hơn 290 vụ bắt giữ diễn ra trong năm 2021 trong Chiến dịch Ironside “đã khẳng định nguy cơ dai dẳng và liên tục tăng cao đến từ tội phạm nghiêm trọng có tổ chức xuyên quốc gia, dựa vào dark web và công nghệ ẩn danh nhằm che giấu hành vi phạm tội”.

“Trong Chiến dịch Ironside, sự tài tình và khả năng tầm cỡ thế giới đã cho phép cơ quan thực thi pháp luật vượt qua trở ngại. Dự luật này chỉ là thêm một biện pháp để chính phủ có thể bảo đảm các cơ quan an ninh duy trì lợi thế đó”, Bộ trưởng Andrews cho biết.

Theo bà Andrews, “với những thay đổi này, AFP sẽ sở hữu thêm các công cụ nhằm truy đuổi các băng đảng tội phạm, làm sạch ma tuý khỏi đường phố và cộng đồng, và theo dấu những kẻ phạm các tội ghê tởm nhất đối với trẻ em”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Australia Karen Andrews. Ảnh: ABC News

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Australia Karen Andrews. Ảnh: ABC News

Tuy nhiên, việc dự luật mới được thông qua đã bị nhiều tổ chức luật chỉ trích nặng nề, với lý do chính phủ của Thủ tướng Morrison đã không xem xét đầy đủ các khuyến nghị của Ủy ban Liên tịch của Nghị viện về Tình báo và An ninh (PJCIS).

Hội đồng Luật gia Australia bày tỏ quan ngại về dự luật, cho rằng dự luật đã bỏ qua các khuyến nghị then chốt của PJCIS, cụ thể là nội dung liên quan đến thực thi các biện pháp giới hạn thiết yếu.

Chủ tịch Hội đồng, Tiến sĩ Jacoba Brasch QC, nói rằng bà “đặc biệt thất vọng” khi “việc cần tòa án ra các lệnh đặc biệt này” không được đưa vào.

Bà nói thêm “Hội đồng Luật gia tin rằng quy mô và mức độ xâm nhập đáng kể của các lệnh này cần được xem xét bởi các cán bộ tư pháp như PJCIS đã khuyến nghị. Các lệnh này có tiềm năng gây ra gián đoạn, thiệt hại và mất mát đáng kể đến những người dùng máy tính tuân thủ luật pháp và không bị nghi ngờ phạm tội gì”. 

Bà Brasch cũng nói rằng Hội đồng hiểu rằng có tồn tại chủ ý xem xét các điều cần thêm vào trong quá trình xây dựng lâu dài pháp luật theo dõi thông tin điện tử, nhưng lưu ý các khuyến nghị của PJCIS “được thêm vào riêng cho các quyền dựa trên lệnh có trong dự luật,...mang tính thiết yếu cho việc thực thi luật hợp lý và đúng mức và cho việc đảm bảo niềm tin của công chúng”. 

Trung tâm Luật Nhân Quyền (HRLC) cũng thể hiện quan ngại về việc những quyền đặc biệt chưa có tiền lệ, chỉ ra rằng các quyền này có thể được dùng để chống lại các nhà báo và những người tố giác. 

Vào tháng 8, PJCIS đã chấp nhận một số khuyến nghị từ HRLC và các nhóm xã hội dân sự liên quan nhằm đề xuất thu hẹp điều kiện sử dụng các quyền mới và cơ chế giám sát mạnh hơn.

“Tuy nhiên, Chính phủ Morrison đã bác bỏ hoặc chỉ sử dụng một nửa số khuyến nghị của PJCIS và hối thúc dự luật này qua Nghị viện”, HRLC tuyên bố. 

Kieran Pender, luật sư cấp cao lại HRLC, đã nêu quan điểm rằng: “Quyền lực giám sát thông tin quá rộng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến quyền riêng tư của mọi người Australia và làm lạnh gáy các nhà báo và người tố giác”.

Pender nói thêm, “Dựa vào việc các quyền mới là chưa có tiền lệ và mang tính xâm nhập cao, chúng lẽ ra cần được giới hạn vào những trường hợp đặc biệt cần thiết và có cơ chế giám sát đầy đủ. Đó là lý do vì sao PJCIS đồng thuận khuyến nghị nhiều thay đổi đáng kể. Thật đáng báo động là thay vì chấp nhận khuyến nghị của PJCIS và dành thêm thời gian xem xét kỹ các sửa đổi sau đó, Chính phủ Morrison lại hối thúc Nghị viện thông qua Dự luật trong vòng chưa tới 24 giờ”.

Thanh tra Nghị viện Khối Thịnh vượng chung và Tổng Thanh tra Tình báo và An ninh của Australia sẽ giám sát các quyền mới nhằm bảo đảm chúng được sử dụng hợp lý. Các quyền này cũng sẽ được xem xét bởi PJCIS và Ban Giám sát Pháp luật An ninh Quốc gia Độc lập (INSLM).

Sau Vũ điệu rửa tay, Quang Đăng lại gây ”sốt” với Lạc quan vượt dịch trên TikTok

"Em thích năng lượng này", "Đáng yêu quá anh ơi", "Cả ngày nhảy nhót như này chán sao được",... là một...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Lê Tùng Phong (theo Sky News) ([Tên nguồn])
Internet và những hiểm họa khôn lường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN