Du lịch trực tuyến trên YouTube, mạng xã hội sẽ là xu hướng của Tết 2022
Đó là kết quả trong một nghiên cứu do Visa thực hiện, cho thấy xu hướng của người dùng thẻ ngân hàng trong giai đoạn hiện nay.
Visa vừa công bố một báo cáo về nhu cầu du lịch của người Việt Nam hiện nay, trong đó có dịp Tết Nguyên đán 2022. Theo đó, nghiên cứu của Visa cho thấy, đại dịch đã tác động rõ nét đến hoạt động du lịch khi có tới 76% người Việt hiện đang lên kế hoạch du lịch giải trí trong nước vào năm 2022, cao hơn nhiều so với tỉ lệ 38% số người lập kế hoạch du lịch nước ngoài.
Xu hướng du lịch Tết 2022 sẽ rất khác so với trước kia.
Sự chênh lệch này còn thể hiện qua quyết định về điểm đến cho các chuyến công tác (60% số đó là chuyến đi nội địa và 37% là chuyến đi nước ngoài). Theo Visa, đó là do đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của ngành du lịch khi vấn đề sức khỏe và an toàn được chú trọng hàng đầu, cùng với các cân nhắc lựa chọn điểm đến và phương tiện di chuyển.
Cũng theo Visa, kế hoạch du lịch phụ thuộc mật thiết vào tình hình dịch bệnh với ba yếu tố liên quan. Cụ thể, sự ổn định của tình hình COVID-19 tại điểm đến là yếu tố quan trọng nhất khi được 63% người được khảo sát lựa chọn, theo sau là việc được tiêm vắc-xin đầy đủ (48%) và số ca mắc bệnh toàn cầu giảm xuống (40%).
"Như một hệ quả của đại dịch, mọi người ưu tiên lựa chọn khám phá những địa điểm gần nơi mình sinh sống hơn là những địa điểm ở xa, khiến xu hướng du lịch tại chỗ - du lịch ngay tại chính thành phố mình ở ngày càng lên ngôi. Có khoảng 1/3 số người được khảo sát cho biết họ sẽ lên kế hoạch, đặt phòng và lựa chọn du lịch tại chỗ khi không còn những quy định ràng buộc của nhà nước", Visa cho biết.
Du lịch trực tuyến trên YouTube sẽ là một xu hướng của Tết 2022.
Theo Visa, kể từ đại dịch, nhiều du khách Việt Nam đã hủy kế hoạch du lịch và tìm đến các phương thức du lịch thay thế. Theo đó, du lịch trực tuyến chứng kiến sự gia tăng đột biến khi ngày càng nhiều người Việt tìm kiếm ảnh và video liên quan đến du lịch để thoả mãn đam mê dịch chuyển.
Hơn một nửa (53%) số người khảo sát đã chọn xem video du lịch trên YouTube và 40% lựa chọn xem các trang du lịch trên mạng xã hội như một giải pháp du lịch thay thế, theo sau là 38% lựa chọn tham gia các tour du lịch trực tuyến, Visa cho biết.
Xu hướng du lịch nội địa hoặc trực tuyến như báo cáo của Visa thể hiện rõ với nhiều dịch vụ thực tế. Chẳng hạn với Klook, nếu như trước đây hơn 90% doanh thu của họ đến từ các dịch vụ du lịch quốc tế thì năm vừa qua, 100% doanh thu lại đến từ dịch vụ nội địa.
Ở một số thị trường chính của Klook như Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc hay Singapore, doanh thu nội địa đã tăng vượt mức, cao hơn cả tổng doanh thu du lịch trong và ngoài nước trước đại dịch COVID-19. Trong vài trường hợp, họ thậm chí đạt mức tăng trưởng hơn 50% so với trước kia.
Để đón đầu những sự thay đổi này, Klook đã giới thiệu những sản phẩm mới như dịch vụ đặt phòng khách sạn kết hợp với bữa ăn tại nhà hàng, spa hoặc các điểm tham quan lân cận. Công ty cũng phát triển thêm các dịch vụ di chuyển, từ đặt vé tàu liên tỉnh đến thuê xe, điển hình nhất là ở Hàn Quốc, Đài Loan và Úc.
Nguồn: [Link nguồn]
Mới đây, Google đã ra mắt trang web Travel Insights, cung cấp thông tin chuyên sâu về ngành du lịch, cùng nhiều công cụ hỗ trợ...