Đủ chiêu lừa đảo trực tuyến
Dù cơ quan chức năng liên tục phát cảnh báo về tình trạng lừa đảo thông qua internet và mạng viễn thông song rất nhiều người vẫn bị chiếm đoạt tiền
Việt Nam có hơn 70% dân số đang sử dụng internet. Nhiều đối tượng đã lợi dụng sự bùng nổ công nghệ thông tin cùng những tiện ích như tương tác qua mạng xã hội, nhắn tin OTT (miễn phí)... để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.
Lừa tuyển mẫu nhí
Chị Hoàng Mai (ngụ quận 12, TP HCM) cho biết mới đây thấy thông tin rao tuyển người mẫu nhí độ tuổi từ 4-10 trên Facebook, chị truy cập theo đường dẫn và liên hệ để đăng ký. Sau đó, phía đăng tin nhiều lần yêu cầu chuyển khoản tiền để mua sản phẩm thời trang hàng hiệu với số tiền tăng dần. "Khi đó, tôi bắt đầu nghi hoặc và hỏi một số bạn bè, người thân thì được cảnh báo đây là chiêu trò lừa đảo. May mắn là tôi chưa bị mất nhiều tiền" - chị Mai cho hay.
Tin nhắn nhờ bình chọn qua mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: PHẠM DŨNG
Kẻ gian chiếm quyền một tài khoản Facebook rồi lừa đảo bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, chiêu lừa đảo tuyển mẫu nhí chụp ảnh quảng cáo, ảnh bìa báo, ảnh sản phẩm thời trang... xuất hiện trên rất nhiều Fanpage.
Báo Người Lao Động mới đây cũng nhận được cuộc gọi kêu cứu của một bạn đọc ở TP HCM là phụ huynh của bé 6 tuổi, bị lừa hơn 600 triệu đồng vì lỡ tin vào lời quảng cáo cho con làm mẫu nhí. Theo lời phụ huynh này, để đáp ứng yêu cầu của bên tuyển mẫu nhí, cha mẹ các bé phải tham gia "thử thách" với hình thức... chuyển khoản để mua trang phục, phụ kiện. Với số tiền yêu cầu ban đầu chỉ vài trăm ngàn đồng, phụ huynh còn được trả hoa hồng và tiền làm nhiệm vụ. Số tiền sau đó tăng dần đến vài chục triệu đồng, thậm chí vài trăm triệu đồng. Sau khi "hốt" được khoản lớn, các đối tượng lừa đảo sẽ trở mặt, phụ huynh không thể liên lạc được. Đáng chú ý, các đối tượng lợi dụng tên tuổi một số thương hiệu thời trang như Canifa, Kindo... để đánh vào tâm lý của phụ huynh, tạo sự tin tưởng.
"Số tiền lần cuối đối tượng lừa đảo yêu cầu tôi chuyển lên gần 300 triệu đồng. Nếu thực hiện, tôi sẽ được nhận lại toàn bộ khoản tiền đã chuyển trước đó. Họ nói nếu quá thời hạn giao dịch được yêu cầu, hệ thống sẽ hủy toàn bộ thông tin về tiền tôi đã chuyển. Quá lo lắng, tôi vay mượn bạn bè, người thân để chuyển tiền. Đến khi mất sạch tiền mới biết bị lừa" - bạn đọc kể.
Liên lạc với thương hiệu thời trang Canifa để tìm hiểu vụ việc, chúng tôi được nhân viên của hệ thống này cho biết gần đây, hệ thống nhận được nhiều phản ánh về nhóm lừa đảo tuyển mẫu nhí với nội dung như: "Canifa tuyển mẫu ảnh thời trang bé yêu", "Tuyển trẻ em làm người mẫu cho hãng thời trang Canifa"... Tuy nhiên, Canifa khẳng định nhãn hàng không tuyển mẫu nhí qua bất kỳ hội nhóm và Fanpage nào trên nền tảng Facebook. Nhãn hàng thời trang này khuyến cáo khách hàng cảnh giác, không tham gia, không gửi hình ảnh của con em phòng ngừa đối tượng lợi dụng với mục đích xấu. Đặc biệt, không chuyển tiền theo yêu cầu không hợp pháp để tránh bị lừa đảo.
Bẫy tình để lừa tiền
Ngày 10-1 vừa qua, chúng tôi nhận được tin nhắn từ tài khoản Facebook của một người bạn nhờ bình chọn cuộc thi "Giọng hát Việt nhí 2022". Sau khi tìm hiểu, chúng tôi phát hiện tài khoản Facebook của người bạn đã bị kẻ gian đánh cắp. Nếu nhấp chuột vào đường link bình chọn nói trên, rất có thể chúng tôi cũng bị chiếm tài khoản hoặc bị lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Chị T.Như (ngụ quận 10, TP HCM) cũng cho biết vừa bị mất tài khoản Facebook sau khi nhấp vào đường dẫn bình chọn một cuộc thi âm nhạc do một người quen trong danh sách bạn bè gửi. Thậm chí, kẻ gian còn gọi điện Facetime cho chị để xác thực khuôn mặt, qua đó tiếp tục lừa đảo bạn bè chị. "Có vài người bạn của tôi tin lời kẻ gian, đã chuyển khoản từ vài triệu đồng đến chục triệu đồng vì nghĩ tôi nhờ họ chuyển. Tên người thụ hưởng không phải tôi nhưng bạn bè không để ý nên vẫn chuyển và bị mất tiền" - chị Như nói.
Một thủ đoạn lừa đảo trực tuyến khác cũng khiến nhiều người sập bẫy là đánh vào lòng tin và sự thương hại của người dùng các mạng xã hội Facebook, Zalo hay Tinder, Telegram. Trong đơn kêu cứu gửi Báo Người Lao Động, chị N.Huỳnh (ngụ quận 8, TP HCM) cho hay đầu tháng 8-2022, chị gặp và làm quen một đối tượng trên ứng dụng (app) Tinder. Khi trao đổi số điện thoại và trò chuyện trên nền tảng Zalo, kẻ lừa đảo xây dựng hình tượng là một nhân viên kỹ thuật làm việc cho công ty nước ngoài tại Việt Nam. Sau 5 tháng "đầu tư" cho mối quan hệ này, hai bên tính đến chuyện gặp mặt ngoài đời.
"Cuối cùng, kẻ gian dụ tôi tham gia một app chơi casino online mà anh ta cũng đang tham gia với số tiền 400 triệu đồng. Sau quá trình chơi, trên app thể thao tôi có lãi 190 triệu đồng nhưng không rút được vì chưa đóng thuế và vi phạm một số lỗi. Để rút được tiền lời, tôi phải chuyển khoản cho họ nhiều lần với tổng cộng lên đến 400 triệu đồng. Khi tôi tỉnh ngộ thì kẻ lừa đảo đã biến mất, chỉ còn biết nộp đơn tố cáo lên Công an TP HCM" - chị Huỳnh đau khổ nói.
Đáng chú ý, tình trạng các đối tượng mạo danh cán bộ CSGT gọi điện thoại, nhắn tin thông báo "phạt nguội" đến người dân hiện rất phổ biến. Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM cho biết gần đây các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an TP HCM tiếp tục ghi nhận tình trạng này. Lực lượng chức năng khẳng định không gọi điện thoại, nhắn tin thông báo "phạt nguội" đến người dân.
Chị Thu Hương (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết mới nhận được cuộc điện thoại của một phụ nữ xưng là cán bộ Công an TP Đà Nẵng thông báo chị có một giấy phạt do chạy xe quá tốc độ ở TP Đà Nẵng. "Tôi nói không biết lái xe thì đối tượng gằn giọng và dọa sẽ phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự ra lệnh bắt giam tôi. Do thường xuyên đọc báo về trò lừa đảo này nên tôi không trả lời nữa" - chị Hương cho hay.
(Còn tiếp) Lướt TikTok cũng bị lừa Chăm chỉ làm việc cả năm, định bụng cuối năm sẽ dư một khoản tiền để vợ sinh con và có một cái Tết sum vầy thì anh H.N.T (quê tỉnh Đồng Tháp) lại rơi vào cảnh nợ nần. Anh T. kể vợ chồng anh là nhân viên quán lẩu ở quận 3, TP HCM. Sau giờ làm, anh chạy xe ôm công nghệ từ 22 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau. "Trong lúc lên mạng lướt TikTok, vợ tôi được một đối tượng nhắn tin rủ làm việc bán thời gian bằng cách mua hàng trên nền tảng TikTok. Đang mang bầu, không phù hợp làm việc ở quán lẩu nữa nên vợ đồng ý làm việc này. Sau vài lần làm, vợ tôi nhận được đủ hoa hồng như lời hứa. Dần dần, chúng đưa vợ tôi vào bẫy, yêu cầu nạp tiền liên tục nếu muốn lấy lại số tiền đã mua hàng. Khi mất hết 110 triệu đồng tiền tiết kiệm thì vợ tôi mới biết" - anh T. buồn bã kể. |
Nguồn: [Link nguồn]
Giai đoạn chuyển giao giữa năm cũ và năm mới là thời điểm nhạy cảm khi xuất hiện rất nhiều mối đe dọa trên không gian mạng.