Đồng sáng lập Apple: "Việt Nam có thể tự sản xuất máy bay, nhưng..."
Chia sẻ tại buổi làm việc tại TP.HCM, đồng sáng lập Apple nói: "Việt Nam hoàn toàn có thể tự sản xuất được xe ô tô hay máy bay nhưng hiện nay cần phải bắt đầu từ những việc nhỏ trước".
Hội thảo S.M.A.C 2015 về "dữ liệu lớn" và "điện toán đám mây" lớn nhất trong năm 2015 vừa được MobiFone tổ chức tại TP.HCM. Sự kiện ghi nhận sự tham dự của đại diện hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, trong đó có các công ty hàng đầu thế giới như KPMG, IBM. Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia của nhà đồng sáng lập Apple - ông Steve Wozniak.
Trong khuôn khổ chương trình hội thảo, ông Steve Wozniak đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích, trong đó có những đánh giá rất thiết thực về nền công nghệ Việt Nam.
Ông Steve Wozniak là đồng sáng lập Apple cùng với CEO tài ba Steve Jobs.
Bên dưới là những câu hỏi của MC chương trình và câu trả lời của ông Steve Wozniak:
Xu hướng công nghệ toàn cầu hiện nay là gì? Đâu là cơ hội cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam bắt kịp xu hướng ấy, thưa ông?
Nền công nghệ toàn cầu khởi đầu với việc phát minh ra máy tính cá nhân (laptop), và sau đó là sự ra đời của internet. Giờ đây, mọi thứ trong cuộc sống đều đã khác đi. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng yếu tố quan trọng nhất lại nằm ở các kho ứng dụng thứ ba.
Mọi người có thể ngồi trước một giao diện điện tử như màn hình máy tính và viết lên những ứng dụng hỗ trợ cho cuộc sống hằng ngày của họ. Các ứng dụng đa dạng hỗ trợ từ bất động sản, nhà hàng khách sạn, hàng không đến cuộc sống hàng ngày. Bước phát triển kế tiếp chính là sự ra đời của mạng internet di động với các thiết bị công nghệ ngày càng được nhân cách hóa. Điển hình như chiếc điện thoại di động, bạn có thể đi đến bất kì đâu và tìm kiếm câu trả lời cho mọi vấn đề, bạn có thể giao tiếp với mọi người và thay đổi cách sống.
Công nghệ bắt đầu trở nên đơn giản hơn, bạn có thể viết tay lên màn hình một thiết bị điện tử và nó sẽ hiểu được ý của bạn. Đây là một trong những lợi thế to lớn, giúp cho cuộc sống trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Ta còn có thể nói chuyện với thiết bị điện tử của mình và chúng vẫn hiểu được, cụ thể như ta có Siri trên Apple, Cortana của Windows Phone,… Bạn chỉ cần nói ra và sẽ có được mọi thông tin mình cần. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi thứ đều trở nên thông minh hơn, đơn giản hơn, và bạn không cần phải nhớ các tiến trình phức tạp để thực hiện một việc gì đó.
Sự xuất hiện của ông Steve Wozniak chính là điểm nhấn của hội thảo S.M.A.C 2015.
Thật sự rất dễ dàng để bắt gặp hiện tượng các quốc gia như Việt Nam băn khoăn không biết định hướng phát triển của mình. Có thể quốc gia của bạn dồi dào tài nguyên (dầu mỏ, nguyên liệu thô,…), nhưng tương lai phát triển lại phụ thuộc nhiều vào công nghệ thông tin hơn là các yếu tố tài nguyên đó. Sự lớn mạnh và phát triển của các công ty khởi nghiệp (start-up) có vẻ liên quan nhiều đến công nghệ thông tin, và công nghệ thông tin thì đang phát triển trên khắp thế giới. Việt Nam dĩ nhiên là một phần trong vòng xoay phát triển đó.
Ứng dụng di động ảnh hưởng đến cách mà chúng ta xử lý công việc trong cuộc sống, từ bất động sản đến ứng dụng gọi taxi Uber. Điều đó đã chứng minh rằng tài chính là thứ yếu, chỉ cần chúng ta có những ý tưởng độc đáo thì bạn vẫn có thể tạo ra sự khác biệt. Thế giới hiện nay thay đổi nhờ vào các phần mềm và thiết bị công nghệ, dù là từ thuật toán đám mây to lớn đến những chi tiết phân giải nhỏ trong chiếc điện thoại bạn cầm, tất cả những yếu tố đó tác động mạnh mẽ đến cuộc sống hàng ngày của mỗi người.
Ông đã từng nói rằng “Mọi người sẽ gặp nhiều rắc rối với điện toán đám mây”, có phải ý ông là điện toán đám mây cũng như big data - các nền tảng công nghệ mới chứa đầy rủi ro và nguy hiểm?
Tôi không hề nói rằng thuật toán đám mây là nguy hiểm. Ý tôi là mọi người sẽ phải cẩn thận khi sử dụng đám mây, bởi vì hiếm có ai dành thời gian đọc các điều khoản bảo mật trước khi nhấp chọn đồng ý hoặc tiếp tục trên trình duyệt.
Hậu quả là một khi bạn chọn đồng ý đăng tải thông tin lên đám mây, đồng nghĩa bạn không còn quyền kiểm soát hay bảo mật những thông tin đó nữa. Bạn có thể bị đánh cắp thông tin - một trường hợp không quá hiếm thấy hiện nay. Thuật toán đám mây chắc chắn không thể an toàn như chiếc tủ ở nhà của bạn.
Tuy nhiên, không thể chối bỏ những tiện ích của nó. Điều quan trọng chính là mỗi người sử dụng đám mây cần phải có ý thức cao hơn về trách nhiệm pháp lý đối với tài liệu đăng để bảo vệ bản thân và mọi người tốt hơn.
Dù tôi không thích việc các đám mây dường như vô tội khi làm mất dữ liệu của bạn, nhưng tôi không thể phủ nhận nó đang là xu hướng phát triển chung của thời đại. Mọi thứ trên đám mây tự động kết nối với nhau thông qua mạng internet, nhờ đó bạn có thể tìm kiếm thông tin cho mọi vấn đề bạn cần. Đó chính là giải pháp mới cho việc vận hành hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Trước đây bạn chỉ có thể ôm chiếc máy tính của mình và sử dụng nguồn dữ liệu hạn hẹp trong máy. Giờ đây, bạn đã có thể truy cập vào một lượng dữ liệu khổng lồ và tìm câu trả lời cho mọi vấn đề.
Ông đã từng nói rằng, khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn và tự động hơn chính là xu hướng mới của giải pháp công nghệ hiện nay. Xin hỏi dựa vào đâu mà ông có thể đưa ra nhận định đó?
Thông qua các phân tích của tôi trong 40 năm phát triển máy tính cá nhân, mọi thứ đang dần trở nên dễ dàng hơn: Ít phải ghi nhớ nhiều, ít phải suy nghĩ, không cần đào tạo phức tạp. Xu hướng đó cũng là xu hướng phát triển tuyệt vời nhất của thế giới công nghệ hiện nay vì mọi việc đều trở nên thuận lợi, đơn giản và trực tiếp.
Ông có nhận xét gì về tiến trình phát triển của Việt Nam hiện nay và liệu có những khó khăn nhất định nào trong quá trình phát triển đó?
Có thể tôi không hiểu rõ về tình hình hiện tại của Việt Nam, nhưng theo sự quan sát của tôi thì vào thời đại của đầu đọc băng VCR trước dây, quốc gia đi đầu về công nghệ lúc bấy giờ là Nhật Bản, sau đó là Hàn Quốc.
Họ đã có những lộ trình phát triển khá tương đồng với con đường mà Việt Nam đang đi hiện nay. Việt Nam đang tập trung phát triển từ các sản phẩm đơn giản, giá rẻ và dần dần đi đến các sản phẩm cao cấp và ưu việt hơn. Trong tương lai, Việt Nam hoàn toàn có thể tự sản xuất được xe ô tô hay máy bay nhưng hiện nay cần phải bắt đầu từ những việc nhỏ trước.
Giống như phương thức của nhà máy sản xuất tại Trung Quốc, họ cung cấp một khối lượng khổng lồ các chi tiết máy móc và linh kiện điện tử, phục vụ cho sự ra đời của những thiết bị phục vụ đời sống con người, như điện thoại di động - một sản phẩm đang thống trị cuộc sống chúng ta. Hiện có hàng trăm triệu chiếc điện thoại được sử dụng mỗi ngày.
Tôi tin rằng, Việt Nam đang đi đúng hướng và đang dần tiến ra khỏi khu vực các nước đang phát triển.
Ông Steve Wozniak đã tự mày mò, nghiên cứu và thiết kế máy tính cá nhân từ năm 10 tuổi.
Tất nhiên, khó khăn sẽ luôn tồn tại. Quá trình phát triển không thể diễn ra ngay lập tức. Cũng như việc chúng ta đẩy một chiếc xe ô tô lớn, chiếc xe càng nặng thì càng đẩy lùi. Việc thúc đẩy nền kinh tế của cả một quốc gia càng nặng nề và mất thời gian hơn thế, với những khó khăn không thể tránh khỏi. Chúng ta cần phải kiên nhẫn và đảm bảo định hướng đúng đắn, đi từng bước nhỏ và giữ vững niềm tin.