Đối tác của Apple tại Trung Quốc muốn chuyển sản xuất sang Việt Nam
Một đối tác sản xuất của Apple đã xác nhận kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh bị ảnh hưởng trong cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
GoerTek chịu trách nhiệm lắp ráp AirPods. Công ty hiện đang lên kế hoạch chuyển sản xuất tai nghe không dây AirPods sang Việt Nam. Đồng thời, hai nhà cung cấp smartphone khác, bao gồm Pegatron (Đài Loan) và Cheng Uei Precision Industry đang xem xét mở rộng sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc vì những lý do tương tự, mặc dù điều này có thể không bao gồm thiết bị của Apple.
Những chiếc tai nghe AirPods sắp được sản xuất bởi nhà máy tại Việt Nam?
Công ty có trụ sở tại phía đông tỉnh Duy Phường (Trung Quốc) đã yêu cầu tất cả các nhà cung cấp tham gia sản xuất AirPods xác nhận khả năng có thể gửi tất cả các vật liệu và linh kiện cần thiết trực tiếp tới Việt Nam. Quyết định vẫn chưa được hoàn thành vì nó đòi hỏi phải thảo luận thêm với Apple, vốn đã được thông báo về các kế hoạch. GoerTek cũng cho biết họ hy vọng tất cả các nhà cung cấp duy trì giá hợp đồng ban đầu và cung cấp cho họ các lịch trình nếu đồng ý.
GoerTek và Apple vẫn chưa đưa ra bình luận, tuy nhiên quyết định của công ty rõ ràng nhằm mục đích tránh bị ảnh hưởng trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, điều mà Apple và các nhà sản xuất phải đối diện. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục kêu gọi Apple chuyển hoạt động sản xuất trở lại Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ là cơ sở sản xuất quan trọng nhất của Apple mà hãng còn dựa vào thị trường Trung Quốc với khoảng 20% doanh thu hàng năm. Bất kỳ sự thay đổi nào của Apple có thể gây ra hậu quả lớn.
“Apple là mục tiêu rõ ràng nhất nếu Trung Quốc muốn trả đũa các công ty Mỹ. Apple và các nhà cung cấp chính của hãng sẽ chịu rủi ro chính trị khi cuộc chiến thương mại tiếp tục nóng lên”, James Wei, một nhà phân tích tại Hong Kong Investment Consulting cho biết.
AirPods, cùng với Apple Watch và loa thông minh HomePod, ban đầu được bao gồm trong gói hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỉ USD bị đánh thuế 10% bắt đầu từ ngày 24/9. Tuy nhiên, các sản phẩm này đã được loại bỏ khỏi danh sách vào phút cuối cùng. Các nguồn tin công nghiệp cho biết nhiều nhà cung cấp lo ngại rằng các sản phẩm này có thể bị đánh thuế lại trong thời gian sớm sau khi ông Trump đe dọa sẽ áp dụng thuế nhập khẩu trị giá 267 tỉ USD còn lại từ Trung Quốc trong tương lai gần.
Goertek đã tính chuyện dời nhà máy sang Việt Nam.
Trong khi đó Cheng Uei, cung cấp bộ sạc và đầu nối cho iPhone và smartphone Android, cho biết họ đang xem xét đưa một số sản xuất trở lại Đài Loan và Đông Nam Á vì căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc.
“Chúng tôi đang nghĩ đến việc tăng công suất tại nhà máy của chúng tôi tại quận Tucheng, Đài Bắc. Chúng tôi sẽ sớm thực hiện. Chúng tôi có thể làm điều đó trong một hoặc hai tháng”, chủ tịch công ty TC Gou nói.
Gou cho biết công ty của ông có kế hoạch tuyển thêm 200 đến 300 công nhân tại nhà máy ở Đài Loan như là một phần của kế hoạch dự phòng. Công ty cũng đang đánh giá các cơ sở mới ở Thái Lan, Việt Nam và Philippines, nơi các chuỗi cung ứng phát triển hơn so với các thị trường mới nổi khác, trong khi chi phí lao động cũng rẻ hơn.
Tuy nhiên, Gou nói rằng không dễ dàng để chuyển từ Trung Quốc, với chuỗi cung ứng trưởng thành đã được thành lập trong nhiều thập kỷ. Chính quyền địa phương Trung Quốc cũng đang đưa ra nhiều ưu đãi thuế và chính sách đầu tư thân thiện để khuyến khích các nhà sản xuất ở lại.
Cheng Uei sẽ quyết định liệu có nên đầu tư vào tăng cường năng lực tại Đài Loan khi vấn đề áp đặt thuế mà Mỹ nhắm vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn.
Cuối cùng là Pegatron, nhà lắp ráp iPhone lớn thứ hai sau Foxconn, đang đánh giá các địa điểm ở Đài Loan cho một nhà máy mới để sản xuất các sản phẩm không phải của Apple và có thể bù đắp chi phí tăng cao do chiến tranh thương mại.
Công ty Đài Loan cũng sản xuất máy tính xách tay, máy tính bảng, thiết bị mạng, thiết bị điện tử tiêu dùng và thiết bị Internet of Things cho khách hàng bao gồm Microsoft, Sony và Google.
Một nguồn tin thứ hai cho biết cơ sở mới được lên kế hoạch của Pegatron tại Đài Loan sẽ dành cho các thiết bị liên quan đến mạng và một số thiết bị IoT. Đó là bởi vì những sản phẩm này bị ảnh hưởng bởi các mức thuế bổ sung của Mỹ và doanh nghiệp đang phát triển cần nhiều công suất hơn để đáp ứng nhu cầu. Mặc dù vậy Pegatron đã từ chối đưa ra bình luận.
Một nhà máy của Goertek.
Sự thay đổi trong chuỗi cung ứng của Apple sẽ được theo dõi chặt chẽ bởi chính quyền Trung Quốc. AirPods được lắp ráp tại Trung Quốc bởi các nhà cung cấp Inventec, Luxshare-ICT và GoerTek. Apple đã xuất xưởng khoảng 20 triệu tai nghe AirPods từ cuối năm 2016 đến hết năm 2017, và các nguồn công nghiệp dự kiến con số này sẽ tăng lên 28 triệu chiếc trong năm nay. Công ty Mỹ đã lên kế hoạch ra mắt bản cập nhật AirPods vào cuối năm nay, nhưng kế hoạch có thể được dời lại vào năm tới. Không rõ liệu GoerTek có kế hoạch sản xuất các mẫu AirPod hiện tại hoặc mới tại Việt Nam hay không. GoerTek hiện đang có một cơ sở sản xuất ở miền Bắc Việt Nam gần Hà Nội làm tai nghe có dây cho iPhone.
Inventec, công ty lắp ráp AirPods chính, cho biết họ duy trì sự liên lạc chặt chẽ với khách hàng về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc nhưng hiện tại không có kế hoạch xác nhận. Inventec sản xuất một loạt các sản phẩm điện tử ở Thượng Hải và Nam Kinh ở Trung Quốc, Taoyuan ở Đài Loan, Cộng hòa Séc và Mexico. Nhà máy sản xuất AirPods của công ty đặt tại Thượng Hải.
AirPods được sản xuất bởi Luxshare đến từ cơ sở của nhà cung cấp tại thành phố Côn Sơn (Trung Quốc). Luxshare hiện không có cơ sở sản xuất sản phẩm Apple bên ngoài Trung Quốc.
Hãng Bose vừa chính thức ra mắt dòng tai nghe không dây hoàn toàn đầu tiên trên thế giới - SoundSport Free.