Doanh số PC tăng mạnh và những thách thức khi làm việc từ xa
Năm COVID-19 thứ hai này khiến nhiều người vẫn phải làm việc từ xa, kéo theo nhiều thách thức.
Năm COVID đầu tiên đã qua đi. Mặc dù chúng ta đã đạt được những thành tích nhất định trong công tác phòng chống dịch, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Các doanh nghiệp và tổ chức dần thích nghi với cuộc sống bình thường mới, những bài học của năm 2020 đã và đang giúp chúng ta tái định nghĩa tương lai của việc làm.
Theo ông Santhosh Viswanathan - Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Intel khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), đối với nhiều người, làm việc không còn đi đôi với việc phải đến văn phòng, thay vào đó chỉ đơn giản là hoàn thành công việc được giao. Đồng thời, các tổ chức hay công ty cũng chuyển dần sang mô hình làm việc linh động, đơn cử như một bộ phận nhân sự có thể làm việc từ xa trong khi những người khác đến văn phòng khi cần làm việc nhóm.
Khi làm việc từ xa, chất lượng công việc được đo lường qua hiệu quả.
Thời gian đầu của đại dịch, người lao động đã phải xoay xở để làm việc tại nhà với thiết bị laptop có sẵn, trong khi con cái họ và người thân khác trong gia đình cũng cần máy tính để học trực tuyến, dẫn đến sự bùng nổ của mô hình văn phòng tại nhà trên toàn cầu. Theo đó, doanh thu của các nhà sản xuất máy tính cá nhân (PC) cũng tăng trưởng mạnh (thêm 13,1% trong năm 2020) ảnh hưởng bởi xu hướng làm việc tại nhà, học tập từ xa và nhu cầu tiêu dùng tăng cao bất chấp sự khan hiếm về nguồn cung ứng toàn cầu.
"Trước đại dịch, nhiều công ty đã tìm cách tận dụng công cụ số để hỗ trợ nhân viên làm việc linh hoạt và cơ động hơn. Trong các cuộc đối thoại với khách hàng và đối tác trên toàn khu vực APAC, chúng tôi thấy rằng nhiều lãnh đạo cân nhắc lựa chọn đầu tư trong dài hạn. Bằng chứng là họ quan tâm hơn đến các sáng kiến nâng cao trải nghiệm và năng suất của nhân viên (44%), công cụ tự động hóa (43%) và dịch vụ đám mây (41%)", Santhosh Viswanathan cho biết.
Tuy nhiên, các lãnh đạo doanh nghiệp nhận ra việc sử dụng thiết bị phổ thông chỉ là biện pháp tạm thời. Ý tưởng làm việc tại nhà với một kết nối Wi-Fi rộng khắp đang được triển khai, và các nhà quản lý CNTT (công nghệ thông tin) cũng phát hiện ra rằng, đối với một lực lượng lao động ngày càng phân tán, việc sử dụng thiết bị dưới mức tối ưu sẽ giảm năng suất của nhân viên và tăng rủi ro bảo mật cho tổ chức.
Các chuyên gia đã chỉ ra nhiều thách thức của làm việc từ xa, đặc biệt là về bảo mật.
Theo ông Santhosh Viswanathan, về mặt sáng tạo hay sản suất, các nền tảng tính toán chuyên dụng dành cho doanh nghiệp như Intel vPro có thể mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp ngay khi xuất xưởng. Hiện nay, một số tổ chức đang có xu hướng sử dụng thiết bị phổ thông để cố gắng tiết kiệm chi phí. Các thiết bị này gặp một số hạn chế như thiếu công cụ bảo mật phần cứng tích hợp, yếu tố mà môi trường doanh nghiệp vô cùng chú trọng và thường được trang bị sẵn trong các nền tảng máy tính doanh nghiệp.
Tất nhiên các thiết bị phổ thông vẫn có thể cài đặt thêm giải pháp bảo mật để ngăn chặn rủi ro ở một mức độ nào đó. Tuy vậy, một khi cài đặt các công cụ phụ trợ này, thiết bị phổ thông sẽ hoạt động chậm hơn, ảnh hưởng năng suất làm việc và chất lượng kết nối internet, đặc biệt nếu người dùng cần kết nối riêng với mạng nội bộ của công ty.
Bên cạnh đó, nhờ vào cải tiến chất lượng video và sự phát triển trí tuệ nhân tạo, những nhân viên thường xuyên họp trực tuyến cho rằng các cải tiến trong công nghệ vi xử lý mới đã mang đến lợi ích thiết thực về hiệu suất làm việc như nâng cao hiệu năng ứng dụng, đăng nhập nhanh hơn, giảm tiếng ồn xung quanh khi gọi video, hoặc đơn giản là tăng tuổi thọ pin lâu hơn. Thunderbolt 4 và thế hệ Wi-Fi tiếp theo, hay còn được gọi là Wi-Fi 6 giải tỏa nỗi lo lắng của người dùng về việc kết nối qua thiết bị ngoại vi, tăng tốc độ kết nối đáng kể.
Đồng thời, các thiết bị doanh nghiệp thường được thiết kế với độ bền lâu hơn. Linh kiện thay thế có thể được cung cấp trong thời gian dài hơn so với hầu hết các thiết bị phổ thông. Các chế độ bảo hành và hỗ trợ mở rộng đảm bảo người lao động có thể tiếp tục làm việc chỉ sau vài giờ gián đoạn để bổ sung hoặc thay thế linh kiện.
Các chuyên gia quản lý CNTT cũng có lý do chính đáng để lo ngại về khả năng hỗ trợ đầy đủ cho người lao động làm việc chủ yếu tại nhà. Kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm ngoái, INTERPOL (Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế) đã ghi nhận sự chuyển đổi mục tiêu tấn công mạng một cách rõ rệt: Từ cá nhân và doanh nghiệp nhỏ nay là các tập đoàn lớn, chính phủ và cơ sở hạ tầng trọng yếu.
Do đó, ông Santhosh Viswanathan cho rằng, bảo mật cần được tích hợp vào nền tảng PC ngay từ phần cứng. Khả năng bảo mật nâng cao và phát hiện mối đe dọa trên phần cứng có thể song hành với phần mềm bảo mật để bảo vệ nhân viên và dữ liệu công ty khỏi những rủi ro mới như ransomware (mã độc tống tiền) và cryptomining (mã độc đào tiền ảo).
"Khi tiến xa hơn trong năm 2021, các lãnh đạo doanh nghiệp cần có cái nhìn rõ ràng về cách thiết lập tổ chức để thành công và đầu tư vào các giải pháp tạo hiệu quả đồng bộ cho doanh nghiệp, nhằm đảm bảo lực lượng lao động có thể làm việc hiệu quả và an toàn dù ở bất kỳ đâu", ông Santhosh Viswanathan khuyến nghị.
Nguồn: [Link nguồn]
Những kẻ lừa đảo đang tiếp tục lợi dụng chủ đề bệnh dịch, cụ thể là tiêm chủng vắc-xin COVID-19 để tấn công...