Đồ ăn online đắt khách giữa diễn biến phức tạp của dịch Covid-19
Các ứng dụng đặt món ăn qua mạng đang được người dùng sử dụng tích cực trong mùa dịch Covid-19.
Sau Tết, Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) là dịp mà các đoàn thể, gia đình thường tụ họp ăn uống, tiệc tùng. Nhưng năm nay, thay vì sự đông đúc ở các hàng quán là hàng loạt đơn món “khổng lồ" giao tận nơi.
GrabFood, Now, GoFood là 3 ứng dụng đặt món ăn qua mạng phổ biến hiện nay.
Giảm hẳn tiệc tùng, lượt khách ăn uống tại các hàng quán
“Đơn hàng online thì không bị ảnh hưởng mấy, chứ lượng khách đến ăn tại quán thì có giảm đi nhiều”, chị Ngọc Giàu, quản lý nhà hàng cháo sườn Chú Chen ở quận 1 (TP.HCM) cho biết.
Không riêng gì cửa hàng của chị Giàu, hàng loạt nhà hàng, quán ăn, đặc biệt là các quán ăn có quy mô vừa và nhỏ tại các thành phố lớn cũng chứng kiến quang cảnh tiêu điều so với cùng kỳ năm ngoái - vốn là mùa bội thu của các hàng quán nhờ các dịp lễ sau Tết.
Dù không nói ra nhưng ai cũng ngầm hiểu, Covid-19 là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, lại rơi vào thời điểm có các dịp lễ như Tết Nguyên đán, Valentine và 8/3 khiến một lượng lớn đoàn thể, gia đình và các cặp đôi chùn bước trong việc tổ chức ăn uống, tiệc tùng tại hàng quán.
Ngược lại, xác định con đường kinh doanh áp dụng công nghệ ngay từ những ngày đầu thành lập, cửa hàng Ẩm thực nhà Bu (Bu's food) ở quận 3, TP.HCM do anh Nguyễn Duy Vĩ quản lý thì không phải lo lắng bất kỳ điều gì trong mùa dịch Covid-19 này. Bởi anh không tốn tiền đầu tư cho mặt bằng buôn bán mà tất cả chỉ qua mạng. Sau Tết, doanh số bán hàng của Bu's food tăng đột biến 30 - 40%, đặc biệt đạt kỷ lục doanh thu chưa từng có trong ngày 8/3 vừa qua.
"Cứ 9h30 hằng ngày tôi bắt đầu mở bán bánh lột lọc và chả cây trên ứng dụng, nhưng có ngày chưa tới 13h đã hết sạch. Nhiều người sẵn sàng xếp hàng chờ để được giao hàng tận nơi vào các ngày hôm sau", anh Vĩ nói và cho biết đang đầu tư thêm máy móc, tuyển dụng nhân sự để mở rộng hệ thống.
Nhiều đoàn thể, gia đình và các nhóm bạn chuyển qua đặt món online để đón lễ mùa dịch.
Về phía khách hàng, chị Vân Anh (nhân viên văn phòng tại Q.3, TP.HCM) chia sẻ: "Đợt rồi thấy dịch đã ngớt nên phòng chúng tôi đặt bàn tại nhà hàng để tổ chức tiệc 8/3. Không ngờ ngay lễ dịch lại bùng lên, vậy là cả phòng quyết định “phản ứng nhanh", đặt món online về công ty ăn để tránh chen chúc, đảm bảo an toàn".
Với tâm lý không chủ quan, toàn dân đang hạn chế tụ tập tại các địa điểm đông người, giảm đến nơi công cộng. Thói quen ăn uống, tiệc tùng quán xá cũng giảm hẳn, thay vào đó là xu hướng "party tại nhà" bằng cách đặt đồ ăn giao tận nơi nở rộ tại các thành phố lớn. Nhiều shipper nhận đơn hàng gà rán, trà sữa, lẩu… vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng giao đến cho các công ty, gia đình vào dịp 8/3 vừa qua.
“Bình thường vào các dịp lễ, cuối tuần, cuối tháng tôi thường đưa gia đình ra ngoài ăn, nhưng nay không dám vì ngại đông người, đặc biệt là gia đình tôi còn có con nhỏ. Mùa dịch nên đặt đồ ăn về nhà tôi vẫn thấy an tâm hơn, ít nhất đặt GrabFood chỉ gặp thêm mỗi tài xế, mà tài xế còn mang khẩu trang, có người mang cả găng tay khá cẩn thận nên đỡ lo hơn nhiều", anh Minh Quang (nhân viên ngân hàng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ.
Hút khách online: Cuộc đua mới của các quán ăn mùa dịch
Thực tế, thời gian vừa qua, tại các trung tâm lớn tại Q.1, TP.HCM như Saigon Centre, Vincom Plaza… thưa vắng vào các khung giờ chiều tối. Các cửa hàng, quán ăn bình dân cũng không khá khẩm hơn. Tuy nhiên, nhờ sự nở rộ của các dịch vụ đặt món trực tuyến mà các hàng quán vẫn có nguồn thu ổn định.
Lúc này đây, các quán đã và đang đẩy mạnh ở mảng bán online tỏ ra có lợi thế hơn so với các hàng quán chỉ tập trung vào kinh doanh tại mặt bằng. Nhiều quán ăn nhanh nhạy đã tăng thêm các thực đơn tăng cường Vitamin C, tạo các combo chăm sóc sức khoẻ vào mùa dịch. Đồng thời, hầu hết các quán đều gia tăng và siết chặt các biện pháp vệ sinh, an toàn, đồng thời bố trí quy trình vận hành gọn gàng, khoa học để tối ưu hoá việc kết hợp với các dịch vụ giao món tận nơi.
Như anh Duy Vĩ - quản lý Bu's food đánh giá: “Do không đi ăn ngoài nên nhiều khách order cho cả gia đình, nhóm bạn, đồng nghiệp, quá trình đóng gói chuẩn bị cần có sự chu đáo, tinh tế, đảm bảo không thiếu sót để tạo uy tín, niềm tin với khách hàng".
Còn chị Thanh - chủ chuỗi cửa hàng Mr Steak cho biết: "Đang mùa dịch nên để phục vụ tốt hơn, chúng tôi có tạo các Combo Sức khoẻ trên GrabFood, thêm cam vắt mật ong, chanh sả mật ong,… - những món tăng miễn dịch, lợi hô hấp vào thực đơn của mình”.
Nhân viên Mr Steak đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên để đảm bảo vệ sinh, phòng dịch.
Chị Thanh chia sẻ thêm: “Không chỉ luôn khử trùng quán, yêu cầu nhân viên rửa tay, đeo khẩu trang, mang găng tay khi chế biến thức ăn, mà tôi còn có chính sách cho nhân viên mỗi người một ly nước cam hằng ngày, đảm bảo sức khoẻ của bản thân trước khi lao động. Bên cạnh nhắc nhở của Bộ Y tế thì các app như GrabFood cũng khuyến cáo về an toàn thực phẩm và các biện pháp phòng dịch thường xuyên, chúng tôi luôn cẩn thận thực hiện”.
Dịch bệnh vừa có dấu hiệu chấm dứt thì ngay lập tức lại bùng lên, cho thấy việc duy trì kinh doanh mùa Covid-19 vẫn là một cuộc “trường kỳ kháng chiến" chứ không thể kết thúc trong một sớm, một chiều. Trong bối cảnh đó, kinh doanh online chắc chắn sẽ là mảng cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn của các hàng quán, đặc biệt là các quán ăn vừa và nhỏ để thu hút khách, duy trì hoạt động khi mà tiêu dùng toàn quốc đang lao đao.
Dù chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng dịch bệnh bùng phát lại tạo cơ hội cho thương mại điện tử trong nước phát...
Nguồn: [Link nguồn]