Điểm danh những thiết bị Wi-Fi 7 hiếm hoi hiện có tại Việt Nam
Trong khi Wi-Fi 6 chưa thật sự phổ cập tại Việt Nam thì các thiết bị Wi-Fi 7 đã dần xuất hiện.
Bộ định tuyến: TP-Link Archer BE230
Mặc dù router Wi-Fi 7 đã được các hãng công nghệ giới thiệu liên tục trên thế giới suốt thời gian qua nhưng tính tới thời điểm hiện tại, Archer BE230 là router Wi-Fi 7 đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Đây bước tiến tiếp theo của công nghệ mạng không dây, cho tốc độ nhanh hơn so với các thế hệ trước. Ngoài tốc độ, công nghệ Wi-Fi 7 mới trên TP-Link Archer BE230 giúp giảm độ trễ cũng như tăng tốc độ phản hồi.
Router TP-Link Archer BE230 chỉ mới hỗ trợ hai băng tần 2.4GHz và 5GHz, chưa hỗ trợ băng tần 6GHz. (Ảnh: CPS)
Nhờ được trang bị công nghệ Multi-Link Operation (MLO), TP-Link Archer BE230 có khả năng quản lý đồng thời nhiều kết nối mạng cùng lúc, giúp tăng cường đáng kể độ ổn định và tốc độ mạng. Trong các môi trường ở gia đình và văn phòng với nhiều thiết bị và người dùng cùng lúc, TP-Link Archer BE230 được thiết kế để không chỉ giảm độ trễ mà còn giảm nhiễu.
Sở hữu công nghệ Wi-Fi 7, TP-Link Archer BE230 có tốc độ lý thuyết nhanh hơn tới 49% so với các phiên bản tiền nhiệm, cho tốc độ phản hồi nhanh hơn, qua đó giảm thời gian chờ đợi cho các hoạt động như tải dữ liệu đa luồng, truyền phát video và truyền tệp lớn. Hơn nữa, TP-Link Archer BE230 còn có công nghệ Maximum Resource Utilization (MRU) giúp tối ưu hóa việc phân bổ tài nguyên và tăng hiệu quả băng thông mạng.
Đặc biệt, TP-Link Archer BE230 hỗ trợ cả OpenVPN, PPTP và L2TP qua IPsec, đảm bảo khả năng tương thích với các nhà cung cấp VPN lớn. VPN Client của Archer BE230 hoạt động với máy chủ TP-Link VPN và hầu hết các máy chủ VPN nổi tiếng của bên thứ ba (bao gồm Surfshark, NordVPN, Mullvad VPN, ProtonVPN, ExpressVPN, PrivateTunnel, OVPN.com và PIA).
Qua thực tế trải nghiệm, người viết đánh giá TP-Link Archer BE230 thật sự vượt trội về tốc độ và độ trễ so với Wi-Fi 5, và nhỉnh hơn so với Wi-Fi 6. Khả năng xuyên tường và vùng phủ sóng cũng có cải thiện so với các thế hệ Wi-Fi trước. Bên cạnh đó, việc thiết lập router qua ứng dụng Tether khá tiện dụng, nhanh gọn và nhiều chức năng để khám phá.
Vi xử lý di động: Qualcomm Snapdragon 8 Gen 3
Hiện tại, Snapdragon 8 Gen 3 là vi xử lý cao cấp nhất của Qualcomm. Sản phẩm có nhân chính Cortex-X4 xung nhịp 3.3GHz, cùng 5 nhân hiệu suất cao Cortex-A720 (trong đó có 3 nhân chạy ở 3.2GHz và 2 nhân tiết kiệm Cortex-A520 chạy ở 2.3GHz, tạo ra một bộ nhân xử lý khá khác biệt là 1 + 5 + 2 thay vì 4 + 4 như nhiều dòng vi xử lý di động SoC khác.
Vi xử lý Snapdragon 8 Gen 3 hiện có trên nhiều smartphone cao cấp. (Ảnh: Gizbot)
Về khả năng kết nối, Snapdragon 8 Gen 2 có thể kết nối 5G với nhiều tần số bao gồm mmWave và sub-6 GHz thông qua modem Snapdragon X75 của Qualcomm, hỗ trợ tốc độ tải xuống lên đến 10Gbps và tải lên đến 3.5Gbps. Modem này cũng hỗ trợ Fast Connect 7800 Wi-Fi 7, tốc độ Internet có thể đạt đỉnh 5,8Gbps, bên cạnh đó vẫn hỗ trợ Bluetooth 5.2 và NFC.
Snapdragon 8 Gen 3 nâng cấp trải nghiệm nhiếp ảnh di động với nhiều cải tiến đáng chú ý. ISP của chip hỗ trợ quay video 8K (30 khung hình/giây) và 4K (120 khung hình/giây). Khả năng hỗ trợ cảm biến camera lên đến 200MP cũng là tính năng không thể bỏ qua. Ngoài ra, việc tích hợp trí tuệ nhân tạo trong quá trình xử lý hình ảnh giúp tối ưu hóa kết quả, từ việc nâng cao chất lượng ảnh đến việc tự động nhận diện và xử lý nội dung.
Một điểm đáng chú ý nữa mà Snapdragon 8 Gen 3 mang lại đó là tích hợp AI vào toàn bộ hệ thống để mang lại hiệu suất cao. Các chuẩn Qualcomm Artificial Intelligence (AI) Engine, Qualcomm Sensing Hub, Qualcomm FastConnect 7800 và nhiều công nghệ tiên tiến khác đều tạo nên một hệ sinh thái toàn diện chưa từng có trên một SoC của Qualcomm.
Để đón đầu cơ hội trải nghiệm Wi-Fi 7 với Snapdragon 8 Gen 3, người dùng có thể tham khảo các smartphone như Xiaomi 14 series hay Samsung Galaxy Z6 series,... dù chúng vẫn chưa được kích hoạt tính năng Wi-Fi 7. Trước đó, Snapdragon 8 Gen 2 trên một số dòng smartphone cũng đã hỗ trợ Wi-Fi 7 nhưng nhà sản xuất smartphone này chưa kích hoạt tính năng Wi-Fi cho sản phẩm, chẳng hạn Xiaomi 13 series.
Bo mạch chủ: PC Gigabyte Z790 Aorus Pro
Gigabyte Z790 Aorus Pro là một trong những mainboard dành cho PC đầu tiên tại Việt Nam hỗ trợ sẵn Wi-Fi 7. (Ảnh: GeekaWhat)
Bo mạch chủ (mainboard) là một trong những thành phần quan trọng nhất của chiếc PC. Việc PC có khả năng kết nối Wi-Fi mà không cần lắp thêm phụ kiện hỗ trợ, cũng thường do mainboard quyết định. Gigabyte Z790 Aorus Pro là một maiboard như vậy, không chỉ hỗ trợ Wi-Fi mà sản phẩm còn được trang bị tiêu chuẩn Wi-Fi 7 mới nhất hiện nay.
Gigabyte Z790 Aorus Pro được trang bị ăng-ten Wi-Fi có khả năng thu sóng mạnh và ổn định, rất cần thiết khi chơi game trực tuyến hoặc tải dữ liệu lớn. Kèm với đó, mainboard này có các cổng kết nối đa dạng, bao gồm cổng LAN 5GbE, HDMI, DP IN và cổng USB-C với tốc độ lên đến 20Gb/s.
Nguồn: [Link nguồn]
Sản phẩm hỗ trợ cả OpenVPN, PPTP và L2TP qua IPsec, đảm bảo khả năng tương thích với các nhà cung cấp VPN lớn.