Dẹp cho được nạn khủng bố người dùng di động

Cơ quan chức năng cần quyết liệt vào cuộc, có các biện pháp truy tìm và xử lý triệt để.

Trước đây, người dùng nơm nớp sợ máy tính nhiễm virus khi truy cập mạng thì nay họ luôn bị ám ảnh bởi những cuộc gọi rác, gọi mạo danh, lừa đảo. Cơ quan công an đang tiếp tục xử lý những vụ án lớn liên quan tới nạn mạo danh lừa đảo và đòi nợ khủng bố trên điện thoại.

Chặn số không xuể

Suốt từ đầu năm tới giờ, bà D.T (ngụ TP HCM) khổ sở vì số điện thoại của mình thường xuyên nhận các cuộc gọi đến đòi nợ thuê vì bị cho là số điện thoại của bà được người khác sử dụng khi làm thủ tục vay ngân hàng rồi không trả nợ. Bà T. không thể dùng tính năng chặn số nổi vì chặn số này, đối tượng lại dùng số khác gọi. Hơn 20 số điện thoại cùng một người gọi đều có đầu số 059 của nhà mạng Gmobile.

Liên tục mấy ngày vừa qua, chúng tôi nhận hàng loạt cuộc gọi "dội bom" từ nhiều số điện thoại có cùng đầu số 028888xxxxx thông báo đã tới kỳ hạn tất toán tiền mua hàng của Kinh Đô hơn 6 triệu đồng.

Đặc biệt, gần đây, các chuyên gia an ninh bảo mật cảnh báo chiêu thức lợi dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng phổ dụng để sử dụng công nghệ Deepfake mà mạo danh siêu cấp độ hơn. Công nghệ AI này có khả năng làm giả video và giọng nói một người nào đó dựa trên nguồn data được cung cấp. Trước đây, bọn lừa đảo thực hiện các cuộc gọi video mạo danh trên các ứng dụng liên lạc (Facebook, Zalo…) bằng cách dùng một tấm ảnh của người bị mạo danh rồi áp dụng hiệu ứng làm cho nó có vẻ hơi cử động. Còn với Deepfake, bọn lừa đảo có thể tạo ra một đoạn video với hình ảnh chuyển động như thật lồng tiếng nói giống như người bị mạo danh mà chỉ các chuyên gia mới có khả năng phát hiện đó là cuộc gọi Deepfake.

Các hoạt động quấy rối qua điện thoại khiến nhiều người dùng cảm thấy mệt mỏi. Ảnh: THANH PHƯỢNG

Các hoạt động quấy rối qua điện thoại khiến nhiều người dùng cảm thấy mệt mỏi. Ảnh: THANH PHƯỢNG

Theo các chuyên gia, khi nhận được những cuộc gọi video call "có hình, có tiếng" như là chính chủ nếu có nội dung liên quan đến tiền bạc, tài khoản hay nợ nần, vụ án (mượn tiền, đòi nợ thuê, đe dọa…) thì cần phải gọi điện trực tiếp để xác minh. Các chủ nợ hay cơ quan chức năng không sử dụng các hình thức này để liên lạc với người dùng.

Hiện nay, hầu như các số điện thoại lừa đảo gọi tới đều hiện rõ số thuê bao của các nhà mạng. Chỉ cần được báo số điện thoại gọi quấy rầy là nhà mạng cũng có kỹ thuật truy xét xác minh. Các smartphone hiện nay có sẵn tính năng chặn (block) cuộc gọi không mong muốn. Người dùng có thể nhập các số điện thoại mà mình không muốn nhận vào danh sách chặn. Cái khó cho người dùng là không thể đặt chế độ chặn tất cả số lạ, bởi vì còn những cuộc gọi không có trong danh bạ mà mình cần nhận, nhất là các cuộc gọi giao hàng của các dịch vụ online, shipper…

Nhiều thuê bao di động đã cài đặt ứng dụng Truecaller để khi có số thuê bao không có trong danh bạ gọi đến, họ sẽ được báo đó có phải là số lừa đảo, mạo danh hay không. Người dùng cũng có thể chia sẻ vào cơ sở dữ liệu của ứng dụng này các số điện thoại lừa đảo. Ứng dụng này trên Google Play cho thiết bị Android hiện đã có hơn 1 tỉ lượt tải về và 18,7 triệu người đánh giá đạt đánh giá 4.8/5 sao. Còn trên App Store cho iPhone, ứng dụng này hiện có hơn 250.000 người đánh giá, đạt mức 4.5/5 sao.

Cần sự hợp tác từ người dùng

Tuy nhiên, các biện pháp chặn hay từ chối cuộc gọi chỉ là giải pháp phòng thủ thụ động, cần cơ quan chức năng có các biện pháp chuyên môn để truy tìm và xử lý triệt để. Các thuê bao có thể đóng góp vào những nỗ lực xử lý nạn lừa đảo, khủng bố qua điện thoại bằng cách thông báo cho cơ quan chức năng các số điện thoại lừa đảo, khủng bố mà mình nhận được.

Từ tháng 11-2022, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã chính thức đưa vào hoạt động Tổng đài 156 xử lý tin nhắn, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo để tiếp nhận phản ánh của người dân. Đây là đầu số được sử dụng thống nhất trên toàn quốc và triển khai tới tất cả nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, di động.

Trước đó, Bộ TT-TT cũng đã có Tổng đài 5656 tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua tin nhắn. Theo thống kê, trong 9 tháng năm 2022, Tổng đài 5656 đã tiếp nhận 202.949 lượt phản ánh. Trong đó, số lượt phản ánh tin nhắn rác là 25.476 lượt (giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2021); số lượt phản ánh cuộc gọi rác là 177.473 (tăng 34,2%), trong đó phản ánh về cuộc gọi đòi nợ, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo chiếm 12,5%. Số tin nhắn rác đã chặn 458,7 triệu tin (tăng 67,2% so với cùng kỳ năm 2021).

Theo các nhà mạng, sau khi tiếp nhận thông tin, nhà mạng sẽ sàng lọc, xác minh, phản hồi khách hàng, đồng thời tổng hợp gửi nội dung phản ánh tới cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Công an, Bộ TT-TT để có biện pháp xử lý. Các nhà mạng sẽ dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều, tiếp theo tạm dừng cung cấp dịch vụ 2 chiều nếu số thuê bao có hành vi vi phạm phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi dấu hiệu lừa đảo. 7 nhà mạng di động gồm Viettel, VNPT-VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, Local, Itel và Gmobile đã ký thỏa thuận ngăn chặn, xử lý cuộc gọi rác và kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý SIM có dấu hiệu tồn kênh.

Chiều 28-3, khi chúng tôi liên hệ, nhân viên trực Tổng đài 156 cho biết sau khi tiếp nhận tin nhắn SMS hay cuộc gọi báo lừa đảo, Tổng đài 156 sẽ chuyển tới Cục An toàn Thông tin (Bộ TT-TT). Tổng đài này cho biết cục sẽ xử lý triệt để, phối hợp với các nhà mạng xác minh và xử lý.

Gọi trực tiếp hoặc nhắn tin để phản ánh

Khi nhận cuộc gọi quấy rầy hay có dấu hiệu lừa đảo, người dùng phản ánh thông qua 2 hình thức gửi tin nhắn SMS (miễn phí) tới đầu số 156 (hoặc 5656). Với tin nhắn rác, soạn tin nhắn với cú pháp: S [Số điện thoại gửi tin rác] [Nội dung tin nhắn rác]. Với cuộc gọi có dấu hiệu gọi rác: V [Số điện thoại gọi rác] [Nội dung cuộc gọi rác]. Với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo: LD [Số điện thoại lừa đảo] [Nội dung cuộc gọi lừa đảo].

Mặt khác, người dùng có thể gọi tới đầu số 156 (miễn phí cước) để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa gọi có dấu hiệu gọi rác, lừa đảo; trích dẫn một số nội dung có liên quan...) theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng.

CHÍNH THỨC: 1,67 triệu SIM chưa chuẩn hóa thông tin đã bị khóa 1 chiều

Trường hợp không chuẩn hóa thông tin kịp thời, các SIM thuê bao này sẽ tiếp tục chuyển sang khóa 2 chiều.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ANH PHÚC ([Tên nguồn])
Internet và những hiểm họa khôn lường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN