Dạy trực tuyến sẽ là nhiệm vụ bắt buộc
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với cơ sở giáo dục phổ thông; khi dự thảo được ban hành, dạy học online sẽ trở thành nhiệm vụ bắt buộc.
Dạy học trực tuyến sẽ trở thành nhiệm vụ bắt buộc, nhưng khó có thể thay thế dạy học trực tiếp như thế này Ảnh: PV
Ngày 11/8, Bộ GD&ĐT bắt đầu lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Dự thảo quy định ba hình thức dạy học trực tuyến. Thứ nhất, dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp; giáo viên có thể cung cấp tài liệu, học liệu, giao nhiệm vụ và giám sát, hướng dẫn học sinh tự học, chuẩn bị cho các hoạt động dạy học trực tiếp.
Thứ hai, dạy học trực tuyến thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp; giáo viên giao cho học sinh một số nội dung tự học ở nhà để tăng thời gian luyện tập, thực hành, trải nghiệm làm việc nhóm, thảo luận khi ở trường. Thứ ba, dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp;các hoạt động của tiến trình dạy học được tổ chức thực hiện hoàn toàn thông qua môi trường Internet, áp dụng khi học sinh không thể đến trường.
Công bố kế hoạch dạy học online từ đầu năm học
TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) nói rằng, dạy học trực tuyến năm học 2019-2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 là giải pháp tình thế, chưa có cơ sở pháp lý và chưa có sự kiểm soát chất lượng. Khi dự thảo được ban hành, dạy học trực tuyến sẽ trở thành nhiệm vụ bắt buộc, ông cho biết. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn bị điều kiện cần thiết để áp dụng hình thức dạy học trực tuyến là nhiệm vụ thường xuyên của năm học, bắt buộc các cơ sở giáo dục phải chú ý thực hiện từ năm học tới.
“Trên thực tế, sẽ có những nơi thuận lợi, nơi khó khăn trong triển khai. Nơi nào thuận lợi thì có thể áp dụng hình thức dạy học này ở các mức khác nhau, nơi nào khó khăn thì chuẩn bị dần dần, thực hiện ở mức độ phù hợp”, ông Tài nói.
Các trường tự đánh giá năng lực của mình để xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến công khai ngay từ đầu năm học xem có thể áp dụng được hình thức nào, ở mức nào, học liệu ra sao, giáo viên nào được phân công. Dựa trên kế hoạch dạy học trực tuyến phù hợp, các cơ sở giáo dục phải chuẩn bị về hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm dạy học phù hợp, tập huấn cho giáo viên, cho học sinh sử dụng phầm mềm dạy học để không bị động khi triển khai. Hiệu trưởng chỉ đạo các tổ bộ môn xây dựng, lựa chọn nguồn học liệu bám sát nội dung chương trình giáo dục của Bộ GD&ĐT ban hành. Hiệu trưởng phê duyệt tài liệu thầy cô giáo dùng để dạy học. Để đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho học sinh, giáo viên, các trường phải xây dựng nội quy lớp học, thông tin minh bạch kế hoạch cho giáo viên, phụ huynh, học sinh. Không phải phần mềm nào cũng được áp dụng để dạy trực tuyến.
Những khó khăn, vướng mắc
Ông Lê Văn Phương, Phó phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, dù các trường học trên địa bàn thuộc vùng nông thôn, nhưng đợt nghỉ học kéo dài vì dịch COVID-19, các trường vẫn triển khai mạnh mẽ dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, cũng có khó khăn, hạn chế về mặt thời gian, kỹ thuật. Ví dụ, trường trang bị thêm camera ở lớp, nhưng ban đêm, thầy cô không dám lên lớp dạy, trong khi ban ngày, phụ huynh đi làm, nhiều học sinh không có phương tiện, người hỗ trợ để học. Theo ông Phương, dạy học online chỉ đảm bảo nội dung, kiến thức cơ bản vì tương tác giữa thầy và trò bị hạn chế. “Nói chung, khó có thể thay thế được động tác làm mẫu, hướng dẫn trực tiếp của người thầy”, ông nói.
Nhiều giáo viên, hiệu trưởng công nhận, dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình đã hỗ trợ việc hoàn thành nội dung, kiến thức học kỳ II năm học 2019 - 2020. Có những trường học ở Hà Nội nhờ ứng dụng dạy học trực tuyến sớm, quản lý chặt chẽ nên vẫn hoàn thành chương trình, đảm bảo chất lượng và cho học sinh nghỉ hè sớm như Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, Trường THPT Phan Huy Chú… Tuy nhiên, đa số các trường còn lại buộc phải dạy học trong tình thế bị động. Những địa phương như Điện Biên, Sơn La…có từ 50 đến 70% học sinh không được học trực tuyến.
Sau khi ban hành thông tư, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và có thể có các đợt tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về dạy học trực tuyến.
Trường hợp người sử dụng từ chối nhận cuộc gọi điện thoại quảng cáo như từ bảo hiểm, cò đất,... thì người...
Nguồn: [Link nguồn]