Dấu ấn công nghệ TP.HCM sau 40 năm phát triển
40 năm phát triển, TP.HCM đã khẳng định vai trò đầu tàu trong việc xây dựng, phát triển các công trình, sản phẩm công nghệ có giá trị cao.
Tại buổi ra mắt Triển lãm Những thành tựu khoa học và công nghệ (KH-CN) TP HCM sau 40 năm đổi mới tổ chức ngày 24.4 tại TP HCM, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân đã đánh giá: “Những thành tựu về KH-CN của TP HCM ngày càng phát huy hiệu quả, tiêu biểu như đầu tư phát triển Khu Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC), Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP)... Các mô hình này là nền tảng cốt lõi để nghiên cứu, tiếp thu, phát triển, ứng dụng vào sản xuất các công nghệ tiên tiến, hiện đại và lan tỏa đến các tỉnh, thành trong cả nước”.
Điểm đến đầu tư công nghệ cao
QTSC là một trong những dự án trọng điểm trong kế hoạch phát triển TP HCM và là khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung lớn nhất tại Việt Nam. QTSC hiện có trên 100 doanh nghiệp (DN) phần mềm và dịch vụ CNTT. Sau 14 năm hoạt động, QTSC đã thu hút tổng số vốn đầu tư khoảng 8.265 tỉ đồng, thực sự trở thành điểm thu hút đầu tư, hợp tác phát triển trong ngành CNTT. Năng suất lao động bình quân theo đầu người đạt 461,3 triệu đồng/năm. Tổng doanh số hoạt động của các DN phần mềm trong QTSC năm 2014 là trên 170 triệu USD, trong đó giá trị xuất khẩu chiếm 50%.
Nhân lực trẻ ngày càng khẳng định năng lực trong nhiều dự án lớn. (Ảnh minh họa)
Với 5 trung tâm đào tạo, QTSC là nơi đào tạo khoảng 10.000 nhân lực ngành CNTT từ kỹ thuật viên đến thạc sĩ, cung cấp cho cả nước mỗi năm khoảng 1.000 người. TP HCM cũng đã trình Chính phủ phê duyệt đề án thành lập, nhân rộng chuỗi mô hình QTSC trên cả nước: QTSC 2 tại TP HCM, QTSC-VMPT tại quận Tân Bình (TP HCM), dự án Công viên Khoa học tại Trường ĐH Bách khoa
TP.HCM, QTSC Đà Lạt, QTSC Nam Định...
Một điểm đến đầu tư khác của TP HCM thu hút các DN trong và ngoài nước là SHTP với 40 DN sản xuất, nghiên cứu, đào tạo, cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Từ đây, những sản phẩm công nghệ cao “Made in Vietnam” đã góp phần tích cực trong chương trình chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu của TP HCM thông qua giá trị xuất khẩu lũy kế đạt 7,4 tỉ USD, đóng góp ngân sách hằng năm hơn 300 tỉ đồng và tạo ra 18.000 việc làm.
Ông Lê Thành Đại, Phó Ban Quản lý SHTP TP HCM, cho biết sau hơn 11 năm hoạt động, SHTP đã triển khai đầu tư giai đoạn 2 với 613 ha tại quận 9, thu hút 68 dự án với hơn 4 tỉ USD. Các tập đoàn lớn như Nidec (Nhật Bản), Intel (Mỹ), Samsung (Hàn Quốc)... đã đầu tư và mở rộng sản xuất tại SHTP, tạo ra giá trị 1 ha đất bình quân đạt 19 triệu USD. Giá trị xuất khẩu của các DN tại SHTP đạt 3,1 tỉ USD. Số liệu thống kê hiệu quả hoạt động của DN cho thấy bình quân 1 đồng đầu tư tại SHTP lãi 1.000 đồng.
Tháng 10-2014, dự án sản xuất sản phẩm điện tử với số vốn 1,4 tỉ USD của Samsung đã được cấp phép đầu tư tại SHTP. Đây cũng là dự án có vốn đầu tư lớn nhất ở SHTP hiện nay, trước đó là dự án của Intel với số vốn cam kết 1 tỉ USD. Năng suất của một lao động tại SHTP là 144.993 USD. Tính lũy kế đến nay, SHTP có 68 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,175 tỉ USD. Trong đó, vốn trong nước đạt 816,6 triệu USD (36 dự án) và vốn FDI đạt trên 3,358 tỉ USD (32 dự án).
Đưa sản phẩm ra thị trường
Từ năm 1999, TP HCM đã tổ chức thành công mô hình chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), sau đó phát triển rộng cho cả nước. Techmart thường xuyên (Techmart Daily) là đầu mối của TP HCM và khu vực phía Nam trưng bày, giới thiệu, chào bán, kết nối giao dịch mua bán các loại sản phẩm công nghệ và thiết bị, tổ chức sự kiện, cung cấp các dịch hỗ trợ kết nối chuyển giao công nghệ.
Năm 2002, Sở KH-CN TP HCM đã triển khai Techmart online. Hiện nay, hơn 4.000 công nghệ, thiết bị của các viện, trường, nhà khoa học đã giới thiệu, chào bán trên Techmart online, góp phần đưa các sản phẩm công nghệ ra thị trường với chi phí thấp.
Trong khi đó, ngành vi mạch bán dẫn TP HCM cũng định hình từ năm 2005 với sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC - ĐHQG TP HCM). ICDREC đã nghiên cứu và công bố chip 8-bit SigmaK3 đầu tiên của Việt Nam vào năm 2008, sau đó là chip VN801.
Sự phát triển đột phá của ngành vi mạch bắt đầu từ năm 2013 với Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TP HCM giai đoạn 2013-2020. Sau 2 năm triển khai, chương trình đã đạt hiệu quả trên các mặt: đào tạo nhân lực, nghiên cứu thiết kế chip, xây nhà thiết kế, hợp tác quốc tế, thương mại hóa chip SG8V1... Từ đây, nhiều chip Việt đã ra đời với giá thành phù hợp túi tiền người dùng. SG8V1 có giá 40.000 đồng/chip, chỉ bằng 50% giá thị trường của dòng chip
8-bit hiện nay. SG8V1 đã được ứng dụng vào hộp đen xe máy, khóa điện tử giám sát quản lý container, thiết bị giám sát hành trình ô tô tại TP HCM...
“Sau vụ mất cắp thiết bị phóng xạ ở TP HCM vào tháng 9-2014, Việt Nam đang rất cần thiết bị định vị, giám sát các nguồn phóng xạ nhưng đầu tư sản phẩm nước ngoài sẽ rất tốn kém. Việc nghiên cứu thành công 2 hệ thống định vị, giám sát phóng xạ iRS-0415A và iRS-0415B trên nền tảng SG8V1 sẽ giúp giảm chi phí rất lớn cho DN. Dự kiến ngay trong năm nay, hệ thống này sẽ được lắp đặt cho hơn 400 thiết bị, nguồn phóng xạ tại TP HCM” - ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, cho biết.
Sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp
Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, năm 2015, lãnh đạo UBND, các cấp, ngành nên quan tâm sâu sắc tới DN CNTT để phát triển mạnh hơn nữa. “Hiện nay, không có CNTT thì rất khó để phát triển cũng như cạnh tranh. TP HCM đã sẵn sàng và có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển CNTT. Do đó, trong thời gian tới, các DN CNTT cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, con người, công nghệ... TP HCM sẵn sàng ủng hộ, hỗ trợ DN” - ông Hà khẳng định.