Danh sách các thiết bị thông minh giúp cải thiện sức khỏe
Điện thoại và các thiết bị đeo thông minh đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc trị bệnh, cải thiện sức khỏe sau đột quỵ.
Wearable nói đơn giản là các thiết bị đeo thông minh, đơn cử như vòng theo dõi thể lực, Smartwatch (đồng hồ thông minh), Google Glass (kính thông minh)... Các nghiên cứu gần đây cho thấy, Wearable đang dần thay thế các loại thuốc và phương pháp trị liệu truyền thống, và tất nhiên mọi thứ sẽ còn tiến xa hơn nữa trong tương lai.
Đa số các phương pháp điều trị y tế hiện nay đều ở dạng thuốc và trị liệu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu triển khai một giải pháp mới, thân thiện hơn, đó là sử dụng Wearable. Cụ thể, các thiết bị đeo thông minh sẽ được gắn hoặc cấy ghép trên cơ thể để theo dõi tình trạng tâm thần và thể chất. Liệu pháp này có những ưu điểm nổi bật như rẻ tiền, dễ dàng cá nhân hóa và ít xảy ra những tác dụng phụ mang tính tiêu cực.
Hiện tại, điện thoại và các thiết bị đeo thông minh được sử dụng khá phổ biến để cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, mọi thứ chỉ dừng lại ở việc đưa ra lời nhắc tập thể dục, hướng dẫn thay đổi hành vi và cung cấp các bài tập phù hợp. Trong năm nay, công nghệ này sẽ mở rộng hơn và can thiệp vào việc trị liệu truyền thống.
Có thể thấy, việc trị liệu bằng các thiết bị kỹ thuật số cho đến nay hầu như chỉ giới hạn ở thông tin trên màn hình. Tuy nhiên, mới đây các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một số tiềm năng của thiết bị đeo thông minh, đơn cử như chúng có thể kích thích các giác quan, một bộ phận của cơ thể, hệ thần kinh ngoại biên nhằm cải thiện tâm trí hoặc giải quyết các vấn đề cụ thể. Những thiết bị này có khả năng chính xác hơn, an toàn hơn và dễ sử dụng hơn so với kích thích não.
Emma là ví dụ tuyệt vời, thiết bị được phát triển bởi nhà nghiên cứu Haiyan Zhang của Microsoft. Vòng đeo tay đơn giản này sử dụng tín hiệu rung ồn để kích thích bàn tay của bệnh nhân Parkinson. Kết quả là nó có thể giúp bệnh nhân thực hiện các tác vụ như vẽ, viết hoặc những thao tác đòi hỏi các chuyển động chính xác. Caitlyn Seim, một tiến sĩ tại Georgia Tech cũng đã thành công trong việc cải thiện chức năng của cánh tay sau cơn đột quỵ bằng cách sử dụng găng tay máy tính, cung cấp các kích thích rung-xúc giác. Giải pháp của cô không chỉ rẻ hơn vật lý trị liệu, mà còn di động và đòi hỏi ít nỗ lực hơn.
Tại MIT Media Lab, tiến sĩ Nataliya Kosmyna đã thiết kế một thiết bị có tên AttentivU, trong thời gian thực, đo lường sự chú ý của một người đối với các kích thích bên ngoài bằng EEG và cung cấp phản hồi xúc giác khi mức độ chú ý ở mức thấp. Hệ thống này hiện đang được tích hợp dưới dạng kính mắt đơn giản. So với các giải pháp sử dụng thuốc đang được áp dụng hiện nay, hình thức trị liệu này có ít tác dụng phụ hơn và có thể được sử dụng khi cần.
Một số nhà nghiên cứu khác như Jean Costa đã chứng minh việc phản hồi sai về nhịp tim có thể được sử dụng để điều chỉnh cảm xúc. Tương tự, phần mềm BrightBeat được phát triển bởi Asma Ghandeharioun có thể làm chậm nhịp thở bằng một điệu nhạc. Trong lĩnh vực thương mại, một sản phẩm mới có tên Livia hứa hẹn sẽ làm giảm chứng đau bụng kinh bằng một thiết bị nhỏ, đơn giản gắn vào da bụng dưới và cung cấp kích thích thần kinh điện để giảm đau.
Các thiết bị đeo thông minh có thể hoạt động 24/7. Chúng không chỉ hiểu rõ bản thân chúng ta mà còn có thể hỗ trợ trong việc trị bệnh và cải thiện sức khỏe. Ngoài ra, các thiết bị này còn có thể cá nhân hóa, thích ứng và tối ưu cho từng người.
Với ứng dụng của nhà mạng T-Mobile, bạn không phải e ngại việc chuyển nội dung từ smartphone cũ sang smartphone mới nữa.