Đằng sau mốc 1.000 tỷ USD của Apple là tài năng, nỗ lực cả... chiêu trò
Không thể phủ nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của Người khổng lồ Cupertino để có được thành công ngày hôm nay. Nhưng bất kỳ doanh nhân thành công nào cũng hiểu rõ: Trong kinh doanh không thể không có chiêu trò, và Apple với cột mốc 1.000 tỷ USD không nằm ngoài quy luật đó.
Ngày thứ Năm 2/8/2018, khi giá cổ phiếu đạt mức 207,05 USD, Apple chính thức trở thành thành công ty đại chúng đầu tiên có giá trị vốn hóa thị trường lên đến con số 1.000 tỷ USD. Không thể phủ nhận những gì CEO đương vị Tim Cook đã làm cho công ty kể từ khi tiếp quản cơ ngơi khổng lồ từ tay người thuyền trưởng vĩ đại Steve Jobs. Con số 1.000 tỷ USD và vị trí số 1 không có nhiều ý nghĩa về mặt tài chính, nhưng là cột mốc đập tan mọi nghi ngờ len lói đâu đó trong cộng đồng về tài lãnh đạo và tầm nhìn xa trông rộng của Tim Cook khi ông lên nắm quyền điều hành Apple. Song, bất cứ doanh nhân thành đạt nào cũng hiểu rõ rằng, chỉ tài năng và nỗ lực không thôi là chưa đủ, và mốc lịch sử “ngàn đô” của “Táo khuyết” được thiết lập chắc chắn không chỉ nhờ hai yếu tố đó.
Apple từ lâu đã “nức tiếng” về tính...tiết kiệm và khả năng kinh doanh đại tài. Với 243 tỷ USD tiền mặt có sẵn trong tay và hơn 11 tỷ USD lợi nhuận mỗi quý, thật khó có thể chấp nhận việc sản phẩm “Táo khuyết” làm ra, đặc biệt là phụ kiện sạc có độ bền kém hơn hẳn cáp và củ sạc tới từ các hãng khác như Samsung, HTC, LG. Triết lý “it just works” (tạm dịch: “Nó cứ thế mà hoạt động tốt thôi”, được cố CEO Steve Jobs đưa ra khi miêu tả về tính tương thích và độ ổn định của các sản phẩm Apple) dường như đã bị vùi sâu dưới núi tiền mà công ty đếm “mỏi tay không hết”. Không phải Apple thiếu tiền để làm ra sản phẩm bền, chỉ là nếu không cắt giảm một cách triệt để mọi chi phí có thể như vậy đồng thời không đưa ra những quyết định thiết kế đầy tranh cãi như dưới đây, con đường cán mốc 1.000 tỷ USD của “Táo khuyết” có lẽ vẫn còn xa phía trước mắt.
Cáp sạc đặc biệt chóng hỏng
Các sản phẩm phần cứng "cộp mác" Apple nói chung và iPhone nói riêng từ lâu đã nổi tiếng về độ bền. Phím bấm cũng như linh kiện trên các dòng iPhone rất lâu hỏng và thậm chí hãng còn hỗ trợ cập nhật phần mềm lên phiên bản iOS mới nhất đến tận 4, 5 năm sau khi mua thiết bị. Tuy nhiên, đi cùng với chúng là những phụ kiện sạc không thể “dỏm” hơn. Cáp sạc iPhone và củ sạc MacBook luôn dẫn đầu về tỷ lệ hỏng hóc. Nếu bạn là người cẩn thận và giữ được những phụ kiện này đủ lâu, chẳng sớm thì muộn bạn sẽ nhận thấy dây sạc iPhone bong tróc, bị sờn lớp cao su phủ bên ngoài, bẻ gập và để lộ ra phần dây điện bên trong trông rất mất thẩm mỹ, thậm chí còn ảnh hưởng đến chức năng sử dụng. Với cục sạc MacBook dây sạc có thể bị đứt rời khỏi củ sạc. Mọi chuyện cũng không khá khẩm hơn khi người dùng tìm đủ mọi cách để cứu vớt sản phẩm đắt tiền của mình, dù là dùng băng dính cách điện cuốn quanh hay bọc quanh bằng dây lò xo chống đứt. Thực tế, tình trạng cáp sạc hỏng quá phổ biến và rộng khắp đến mức Apple bị khởi kiện và buộc phải phát động chương trình thay thế sạc MacBook miễn phí nhiều năm trước. Lẽ đương nhiên, nếu muốn tiếp tục dùng chiếc iPhone X sang trọng và đắt đỏ của mình, bạn chỉ còn cách mua bộ phụ kiện sạc mới có giá không hề rẻ, hoặc chuyển hẳn sang dùng sạc không dây có tốc độ lề mề.
Giấu lựa chọn hủy đăng ký thuê bao iTunes kỹ nhất có thể
Bạn muốn hủy đăng ký dịch vụ nghe nhạc trả tiền Apple Music do bị dụ gia nhập từ đầu vì có 3 tháng miễn phí? Rất đơn giản. Đầu tiên chỉ cần chọn biểu tượng đầu người có vòng tròn hoàn toàn không được gắn mác vốn dĩ ban đầu dùng để hiển thị avatar. Sau đó bạn sẽ nhìn thấy một lựa chọn cho phép quản lý thuê bao có tên “Manage Subscriptions”, nhưng khi bấm vào, bạn lại phải một lần nữa xác nhận chủ thuê bao trong mục “View Apple ID”. Chỉ sau khi xác nhận bằng khuôn mặt hoặc vân tay, bạn mới có thể hủy đăng ký dịch vụ Apple Music. Thậm chí, bạn phải trả thêm 30% với một số loại thuê bao nếu trả qua Apple vì hủy đăng ký dịch vụ trước hạn. Có nhiều người cho rằng Apple làm vậy là vì lý do bảo mật, tuy nhiên không điều gì lý giải được giao diện vô cùng rối rắm khó hiểu của “Táo khuyết”, tại sao Apple không thiết kế mục hủy đăng ký ở nơi dễ nhìn hơn và hiển thị yêu cầu xác thực chủ tài khoản sau khi người dùng bấm nút hủy? Đây rõ ràng là một thiết kế bóc lột khách hàng tinh vi và có tính toán.
Bàn phím MacBook “đột tử”
Hóa ra, Apple không xa lạ gì với kiện tụng, kể cả là từ phía người tiêu dùng. Bàn phím MacBook các phiên bản từ 2016 đã chuyển qua sử dụng một cơ chế mới do Apple tự thiết kế có tên butterfly. Bàn phím butterfly switch cho cảm giác gõ nông và kém nảy, tuy nhiên “tính năng” quan trọng nhất thiết kế này mang lại cho người dùng là sự phiền toái. Bất kỳ hạt bụi nào lọt vào trong bàn phím, dù là nhỏ nhất cũng có thể khiến một phím bất kỳ tê liệt hoàn toàn. Người dùng nổi tiếng John Gruber đã gọi đây là “Lỗi thiết kế lớn nhất trong lịch sử Apple”. Bàn phím butterfly sau khi hỏng dù chỉ một phím vẫn yêu cầu thay toàn bộ bàn phím và phải được tháo lắp rất phức tạp bởi một chuyên viên sửa chữa tại trung tâm bảo hành chính hãng. Tưởng tượng bạn đang gõ dở một văn bản vô cùng quan trọng, thế rồi đột nhiên bàn phím MacBook dừng hoạt động mà không có bất kỳ thông báo nào hiện ra, khởi động lại thiết bị không giải quyết được vấn đề và trời thì đã quá tối để mang máy tính đi bảo hành tại bất kỳ trung tâm nào. Tệ hơn nữa, Apple đã phủ nhận hoàn toàn lỗi thiết kế của mình và từ chối bảo hành cho MacBook liệt bàn phím. Mãi cho đến khi làn sóng phẫn nộ trỗi dậy lên đến đỉnh điểm trước khi được hiện thực hóa bằng một đơn kiện lên tòa án, “Táo khuyết” mới chịu phát động chương trình sửa chữa bàn phím MacBook miễn phí và thậm chí ngay cả khi mang máy đi sửa, khách hàng vẫn không được nhận máy khác về dùng tạm và phải mất vài ngày không có thiết bị làm việc trước khi sửa xong MacBook.
Dừng vĩnh viễn phí liên kết hỗ trợ các trang web
Apple hưởng lợi rất lớn từ một “binh đoàn” các trang blog và website chuyên về sản phẩm của mình. Những trang web này thường được thành lập bởi cộng động người hâm mộ “Táo khuyết” và đăng tải nội dung theo hướng có lợi cho Apple. Tuy vậy, đầu tuần này Nhà sản xuất iPhone đã “đền ơn” cộng đồng người hâm mộ bằng cách tuyên bố sẽ dừng vĩnh viễn chương trình trả phí liên kết - vốn là nguồn thu chính giúp cộng đồng blog này tồn tại và hoạt động. Trước đây, các blog và website nhận được 7% tiền hoa hồng từ Apple đổi lại việc họ bao gồm các đường link dẫn tới App Store trên trang của mình. Nhưng những năm trở lại đây, Apple đã bắt đầu bán quảng cáo trên App Store, điều này đưa công ty vào thế đối đầu cạnh tranh trực tiếp với cộng đồng người hâm mộ để tranh giành nhà quảng cáo. Và bởi vậy, tháng 10 tới đây Apple sẽ chính thức dừng chương trình marketing liên kết mà những trang web review đồ Apple như TouchArcade hay AppShopper vẫn phụ thuộc vào để kiếm lợi nhuận, đồng nghĩa với việc khai tử những trang này. Bất kỳ đối thủ nào dù lớn hay nhỏ bị loại bỏ cũng là tin tốt, và Apple sẵn sàng giết chết cả những người từng giúp đưa mình lên đến cột mốc nghìn tỷ USD nếu điều đó có lợi cho họ.
Cáp chuyển đổi - Địa ngục của người dùng, thiên đường của “Táo khuyết”
Một vấn đề nữa Apple vấp phải trong công cuộc loại bỏ toàn bộ cổng kết nối, tiến tới tương lai hoàn toàn không dây của hãng đó là dây cáp chuyển đổi. Rõ ràng, người dùng không thể một sớm một chiều vứt hết toàn bộ phụ kiện của mình đi, từ máy ảnh tới tai nghe đắt tiền bởi chúng không thể kết nối với MacBook vốn không có gì ngoài 1 cổng USB-C duy nhất. Việc phải mua thêm cáp chuyển đổi chỉ vì MacBook không có cổng kết nối hỗ trợ là biểu hiện rõ ràng nhất của việc Apple bắt đầu bỏ rơi người dùng, hay chính xác hơn là "làm tiền quá đáng". Một cáp chuyển từ cổng Thunderbolt 2 sang Thunderbolt 3 có giá 50 USD (tức gần 1,2 triệu đồng), còn nếu để mất cáp sạc chuyển từ cổng Lightning sang jack tai nghe 3.5, bạn mất 9 USD (hơn 200 nghìn đồng) để mua lại. Apple đã nêu rất rõ quan điểm hướng tới tương lai không dây không cổng kết nối của mình, và hãng cũng không ngừng ra sức quảng bá về công nghệ không dây như tai nghe Bluetooth (mà Apple bán) hay cục sạc nhanh USB-C vốn dĩ phải được đóng hộp cùng iPhone được hãng bán rời với giá cắt cổ. Thậm chí đến nghệ sĩ Grimes có mặt trong quảng cáo của chính công ty Cupertino cũng không giấu nổi bối rối trước thiết kế không thể “Apple” hơn.
Trong video của mình, channel JerryRigEverything đã giải thích kỹ về lý do sâu xa Apple loại bỏ jack tai nghe 3.5mm trên iPhone. Theo đó, nếu bất kỳ nhà sản xuất âm thanh nào muốn tạo ra phụ kiện cho iPhone, họ buộc phải dùng cổng Lightning và vì cổng Lightning được Apple sở hữu, các công ty trên sẽ phải trả tiền phí bản quyền cho "Táo khuyết", hay còn gọi là "nước chảy chỗ trũng".
Dù sao thì sau cùng, người tiêu dùng vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ Apple vì sản phẩm công ty làm ra thực sự mang lại giá trị tuyệt vời. Nhưng trải nghiệm sử dụng “đồ Apple” mà Người khổng lồ ngàn tỷ USD mang lại cho khách hàng đã từ lâu sờn đi đáng kể, giống hệt cách mà chiếc cáp sạc iPhone trở nên xơ xác chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng.
Bán ra sản phẩm với khoảng cách lợi nhuận siêu cao không còn là bí mật kinh doanh của Apple, nhưng trong bối cảnh công ty chạm mức giá trị 1.000 tỷ USD, đây có lẽ là thời điểm thích hợp để Người khổng lồ Mỹ nhìn nhận lại mô hình kinh doanh của mình, nỗ lực quan tâm tới người dùng hơn và bắt đầu cung cấp người dùng những sản phẩm đi kèm thực sự xứng đáng với số tiền bỏ ra, thay vì luôn sẵn hàng bán cho khách hàng phụ kiện mới tinh mỗi khi phụ kiện gốc bị hỏng.
Apple dưới thời CEO Tim Cook đã trở thành công ty công nghệ đầu tiên đạt giá trị nghìn tỉ USD.