Dân buôn iPhone xách tay và nghệ thuật "hốt tiền"
Trên thị trường mua bán hàng xách tay, iPhone luôn là sản phẩm thu hút nhiều “tay” buôn vì độ hot và lợi nhuận cao, iPhone cũng là dòng điện thoại rất được khách hàng quan tâm. Vậy dân buôn có những món nghề gì, người dùng phải làm sao để tránh bị lừa?
Nguồn hàng, mối lái và doanh thu
Apple luôn được biết đến là hãng công nghệ rất gắt gao trong vấn đề bảo mật thông tin sản phẩm và có sự sàng lọc kỹ càng những quốc gia, đại lý được phép phân phối chính thức các sản phẩm của mình, trong đó có iPhone. Tuy nhiên, điều này không có nhiều ý nghĩa khi mà iPhone vẫn cứ có mặt khắp nơi trên thế giới. Tất nhiên, những địa chỉ bán iPhone chính hãng tại Việt Nam chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, nhưng nguồn hàng iPhone ngoài thị trường thực tế thì vô cùng đa dạng. Hiện nay, ở thị trường Việt Nam tồn tại ba nguồn iPhone là hàng chính hãng, xách tay trực tiếp từ nước ngoài và iPhone cũ được bán lại. Trong đó, iPhone chính hãng luôn có giá cao hơn hẳn các loại hình còn lại, song người mua sẽ được hưởng đầy đủ mọi chế độ hậu mãi và bảo hành tốt nhất của hãng sản xuất, người dùng cũng ít phải lo lắng nhiều vấn đề liên quan như hàng dựng, linh phụ kiện dỏm,…
Nếu như ở Mỹ, khách hàng mua iPhone kèm hợp đồng với nhà mạng sẽ có giá rẻ bèo, thậm chí là miễn phí với các dòng cũ, như iPhone 4, thì các nhà mạng của Việt Nam cũng có hình thức này, song mức giá tính ra vẫn còn khá cao nên chưa thu hút những người có thu nhập thấp. Vì vậy, iPhone xách tay đã có cơ hội phát triển mạnh. Theo đó, những tay buôn lấy hàng từ các mối lớn, mua iPhone đã dùng, rồi bán lại “ăn” chênh lệch.
Anh Hải Hoàng, nhân viên kỹ thuật của một cửa hàng kinh doanh điện thoại di động tại Tp.HCM cho biết, mỗi chiếc iPhone xách tay bán ra, cửa hàng sẽ thu được lợi nhuận từ 800 đến hơn 1 triệu đồng, đây là những sản phẩm do người ta bán lại cho cửa hàng hoặc sản phẩm hư được cửa hàng mua với giả rất rẻ, rồi sửa chữa để bán cho người dùng cuối. Nhẩm tính, anh Hải xác nhận iPhone là sản phẩm mang lại cho cửa hàng nhiều lợi nhuận hơn cả.
Những tay buôn iPhone xách tay có nhiều chiêu trò nên người dùng cần cẩn thận.
Còn bạn có nick Facebook Sơn M.., là một tay trong nghề buôn iPhone xách tay tại Tp.HCM cho biết, nguồn hàng mà Sơn lấy chủ yếu là từ các mối ở nước ngoài, nhờ người quen ở nước ngoài gửi về hoặc mua lại từ người dùng tại Việt Nam. Tuy nhiên, không làm ăn lớn như các cửa hàng, mỗi lần Sơn chỉ chọn lọc khoảng 4 chiếc iPhone chất nhất để rao bán. Qua nhiều năm kinh nghiệm, Sơn khẳng định những chiếc iPhone Sơn chọn luôn là hàng “zin”, chứ không mua đại trà như các cửa hàng ngoài thị trường. Ngoài ra, Sơn chọn hình thức bán qua các trang rao vặt, Facebook nên cũng tiết kiệm chi phí, nhờ đó giá cả bán ra rẻ hơn những nơi khác. Tuy nhiên, vì khách hàng của Sơn chủ yếu là bạn bè quen biết, nên Sơn chỉ lấy lời từ 300 đến 600 ngàn đồng.
Người mua chú ý
Hiện nay, rất ít cửa hàng nào dám nói thật với khách hàng rằng sản phẩm đã được đụng chạm phần cứng (nếu có), bởi vì đó là chi tiết khiến giá sản phẩm bị giảm xuống đáng kể, chưa nói nguyên tắc mua iPhone là tránh xa sản phẩm đã bị vọc trên main vì rất dễ gây mất sóng (sử dụng lâu mới phát hiện) và không thể cập nhật phiên bản mới. Muốn kiểm chứng điều này, thông qua mắt thường người dùng cũng có thể dễ dàng nhận thấy những mối hàn hơi xấu xí, nhưng tốt nhất nên đi cùng người có kinh nghiệm để “test” máy ở nhiều chi tiết khác nữa. Ngoài ra, màn hình và các phụ kiện đi kèm cũng ít khi là hàng “zin” theo máy ban đầu.
Nếu xác định mua iPhone xách tay, tất nhiên người mua phải tìm một địa chỉ tin cậy thông qua bạn bè. Khi mua máy, phải kiểm tra kỹ từ phần mềm đến phần cứng, từ ngoài vào trong. Cụ thể, kiểm tra vỏ máy, logo “quả táo” in chìm đẹp mắt, kiểm tra cảm ứng của màn hình, quanh màn hình có khe hở không (kiểm tra trong bóng tối thì mới có thể phát hiện khe hở), gia tốc kế có nhạy không, kiểm tra số IMEI trên khe SIM và thông tin trên máy. Tuyệt nhiên không được ngại mở máy để kiểm tra main. Như bạn Sơn Milk chia sẻ: “Đánh vào tâm lý người mua ít kinh nghiệm sẽ không dám mở máy kiểm tra nên đã vô tình để những kẻ bán hàng dỏm, hàng dựng hoành hành. Ngoài ra, một số cửa hàng mua hộp về tự in số IMEI cho trùng khớp để nâng giá, người dùng cần chú ý điểm này”.