Cựu quản lý cấp cao tại Google "phơi bày" nhiều điều về thế giới metaverse
Một vài dự án metaverse cho người dùng những cơ chế kiếm tiền rất đáng ngờ trước khi cho ra mắt trải nghiệm thực tế.
Trong metaverse, các NFT (token không thể thay thế) nên được xem là chứng khoán, thế nhưng nhiều nhà phát triển lại chưa muốn thừa nhận điều này (vì chứng khoán sẽ phải tuân theo rất nhiều quy định của các ủy ban chứng khoán). Song không sớm thì muộn sẽ diễn ra một làn sóng pháp lý nhắm đến những dự án NFT hoặc GameFi chưa hoàn thiện về hồ sơ.
Metaverse: Bản sao của Internet thời hiện đại
Trong bài luận đăng trên Coin Telegraph, ông Huy Nguyen - nhà sáng lập KardiaChain, cựu quản lý cấp cao tại Google cho rằng, có thể xem thế giới metaverse như một bản sao hiện đại hơn của Internet, khi nó bao gồm cả một nền kinh tế số và một môi trường thực tế ảo với những tính năng tương tác rất đặc trưng.
Theo ông, ước tính metaverse sẽ đạt giá trị hơn 800 tỉ USD vào năm 2024. Meta (công ty mẹ của Facebook và Instagram), Google, Microsoft, Nvidia, Nike và nhiều công ty khác cũng đang tham gia vào metaverse. Khi giá trị càng lớn thì metaverse càng dễ bị các nhà lập pháp tài chính chuyên về công nghệ để mắt đến.
"Không như những sản phẩm công nghệ truyền thống thường sẽ tốn nhiều năm ưu tiên tăng trưởng hơn là doanh thu, một vài dự án metaverse cho người dùng những cơ chế kiếm tiền rất đáng ngờ trước khi cho ra mắt trải nghiệm thực tế. Một trường hợp cụ thể chính là việc kinh doanh bất động sản metaverse. Chẳng hạn, nền tảng game Big Time cho bán đất trong metaverse trước cả khi cho người dùng chơi game", ông Huy Nguyễn nêu một thực trạng hiện nay.
Ông cho biết thêm, thông thường, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) sẽ không can thiệp vào những hoạt động giao dịch này, trừ khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ bị lừa mất tiền mà không tiết lộ cụ thể rằng họ đã đầu tư vào những khoản gì. Lằn ranh để phân biệt đâu là chứng khoán vẫn thường được định nghĩa khá mập mờ nhưng trong trường hợp liên quan đến metaverse, việc mua bán đất đai nên được bảo vệ theo luật pháp Hoa Kỳ.
Các nền tảng GameFi như Axie Infinity là minh chứng cho thấy các dự án metaverse có thể sản sinh ra những nền kinh tế số trị giá hàng tỉ đô la. Chỉ riêng quy mô khổng lồ của họ đòi hỏi phải có sự quản lý nội bộ và các chính sách tiền tệ tương tự như các ngân hàng đa quốc gia, hay thậm chí là các quốc gia nhỏ. Những dự án này cần phải hợp tác với những cơ quan ban ngành có liên hệ với các nhà lập pháp, hay thậm chí phải có quy trình đăng ký thông tin khách hàng (KYC) cụ thể với những giao dịch có giá trị lớn.
Số người chơi Axie Infinity, từ đầu tháng 1/2021 đến tháng 9/2022.
Về bản chất, khi nhắc đến metaverse, người ta sẽ nghĩ ngay đến những yếu tố tài chính. Tuy chưa gây ra tổn thương vật lý cho người dùng trong metaverse nhưng có rất nhiều thiệt hại về tài chính đã được ghi nhận. Công ty đứng sau bộ sưu tập NFT Bored Apes Yacht Club đã bị hack sau khi tài khoản Discord của người quản lý cộng đồng bị lấy cắp. Hacker đã lấy cắp những NFT với tổng trị giá lên đến 200 Ether (ETH).
Do đó, ông Huy Nguyen cho rằng, bước đi quan trọng đầu tiên cho mọi dự án metaverse chính là cần phân loại những tài sản đang có kế hoạch phát hành. Đây có vẻ là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng nền móng cho việc phân loại này vốn đã được thiết lập trong thời đầu phát hành tiền số (ICO) vào năm 2017. Bên cạnh đó, rất nhiều nỗ lực cần được thực hiện bởi các cơ quan quản lý, phối hợp cùng những giao thức để đảm bảo sự rõ ràng và bảo vệ người tiêu dùng.
Sau khi hoàn tất quá trình phân loại, bước tiếp theo sẽ là phát triển một khung pháp lý và các quy định có thể áp dụng cho metaverse, bao gồm các quy tắc và luật pháp như phát hành chứng khoán, chống rửa tiền và bảo vệ người tiêu dùng. Điều quan trọng là phải đạt được sự cân bằng phù hợp. Quá nhiều quy định có thể kìm hãm sự đổi mới và quá trình phổ cập, nhưng quá ít có thể khiến các bên lạm dụng một cách phổ biến.
Bất chấp những lo ngại, metaverse là sự kết hợp của những công nghệ mới: Thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và NFT. Tất cả được kết hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn, nhịp nhàng để thúc đẩy sự phát triển của metaverse trong thời gian ngắn sắp tới.
Những rủi ro khi tham gia vào metaverse
Tội phạm trên không gian mạng liên tục tìm ra những cách mới để khai thác những sơ hở của người dùng metaverse. Vì thiết bị đeo AR và VR liên quan đến các hệ sinh thái này tạo ra khối lượng lớn dữ liệu cá nhân, bao gồm thông tin sinh trắc học từ công nghệ theo dõi mắt và theo dõi cơ thể nên metaverse là một sân chơi rất kích thích những kẻ xấu.
"Ngoài vấn đề trộm cắp tài chính, còn rất nhiều lo ngại về quyền riêng tư khi các bộ dữ liệu 3D có ngày càng có nhiều nguy cơ tiết lộ những thông tin cá nhân nhạy cảm. Quy định chung về bảo vệ dữ liệu ở châu Âu và Đạo luật bảo vệ người tiêu dùng của California là bộ luật khá toàn diện và chặt chẽ về quyền riêng tư, bắt buộc các nền tảng công nghệ phải thuê chuyên viên bảo vệ dữ liệu và nhân viên tuân thủ quyền riêng tư của dữ liệu", nhà sáng lập KardiaChain cảnh báo.
Bên cạnh đó, ông dự báo: Khi nhu cầu về metaverse tiếp tục tăng đột biến thì nhu cầu về các dịch vụ internet cũng sẽ tăng mạnh theo cấp số nhân, về cả tốc độ và lưu lượng băng thông. Do đó, rất có thể nhiều mạng viễn thông và cơ sở hạ tầng dữ liệu hiện có có thể trở nên quá tải.
Theo ông, có một cách để giải quyết vấn đề này là đầu tư vào công nghệ 5G và xây dựng cơ sở hạ tầng mạnh mẽ hơn. Nhưng điều này cần thời gian, tiền bạc và nguồn lực. Giải pháp khác là phát triển các thuật toán nén dữ liệu hiệu quả hơn, điều này có thể giúp giảm lượng băng thông cần thiết để truyền dữ liệu trong metaverse.
Cuối cùng, cũng theo ông Huy Nguyễn, ngoài tất cả các rủi ro kỹ thuật, một khía cạnh của metaverse cần xem xét là tác động tiêu cực mà nó có thể có đối với sức khỏe tâm thần của con người. Vì hệ sinh thái này chưa bị ràng buộc bởi luật hình sự, nên chưa có phương án bảo vệ người dùng khi họ phải đối mặt với những lạm dụng trực tuyến (chẳng hạn như phân biệt chủng tộc).
"Dù muốn hay không, metaverse vẫn đang dần dần được hình thành và đưa cuộc sống của chúng ta sang trang mới. Suy cho cùng, nhắc đến công nghệ là nhắc đến các yếu tố “nhanh”, “không ngại thử thách”. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp nhà quản lý không thể bắt kịp những người phát minh. Vì vậy, điều quan trọng mà cơ quan quản lý cần làm đó là tăng cường và chủ động thực hiện các chính sách thúc đẩy cải tiến công nghệ, đồng thời hạn chế sự xuất hiện của các sáng kiến độc hại, gây tổn thất tài chính nghiêm trọng cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Hãy nhớ, chúng ta là người tạo ra công nghệ, chúng ta mới chính là người sẽ quyết định tương lai", ông kết luận.
Đây là bài chia sẻ của bà Sandra Lee - Giám đốc Điều hành Kaspersky khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC).
Nguồn: [Link nguồn]