Cuộc thi lập trình xe tự hành mùa 2: Tiết lộ nhiều thử thách "khó nhằn"
Khó khăn nhất có thể kể đến là đường đi của xe sẽ không còn vạch chỉ dẫn màu trắng như năm trước.
Ngày 18/8, ban tổ chức cuộc thi lập trình xe tự hành "Cuộc đua số" đã tiết lộ những thông tin mới về mùa giải thứ 2 (2017 - 2018), đồng thời cho biết đội vô địch mùa thi đầu tiên (2016 - 2017) đang có chuyến trải nghiệm 7 ngày tại thung lũng Silicon (Mỹ).
Các thành viên đang chuẩn bị xe không người lái để tham gia Cuộc đua số mùa đầu.
Theo đó, Cuộc đua số 2017 - 2018 dự kiến sẽ được FPT khởi động vào tháng 9/2017. Ở mùa thi này, các thách thức công nghệ được nâng cao hơn so với trước. Cụ thể, xe sẽ phải chạy được trong môi trường ánh sáng ban ngày ở ngoài trời, tránh được các chướng ngại vật cố định. Đặc biệt, đường đi của xe sẽ không còn vạch chỉ dẫn màu trắng xác định làn như năm trước. Bên cạnh đó, xe phải biết tự nhận diện các biển báo giao thông cơ bản: Tạm dừng, rẽ trái, cấm rẽ trái, cấm rẽ phải, hạn chế tốc độ, đường một chiều.
Trước đó, mùa giải 2016 - 2017 đã diễn ra từ tháng 11/2016 đến tháng 5/2017. Cuộc thi đã thu hút hơn 500 thí sinh từ 26 trường đại học trên cả nước tham dự. Tại trận chung kết, với thuật toán ổn định và có độ chính xác cao, đội MTA Racer của Học viện Kỹ thuật quân sự đã trở thành quán quân.
Các thành viên của Học viện Kỹ thuật quân sự đang sang thăm các "gã khổng lồ" công nghệ tại thung lũng Silicon.
Hiện, các thành viên trong nhóm MTA Racer đang có chuyến trải nghiệm 7 ngày tại Mỹ. Trong chuyến đi, nhà vô địch của Cuộc đua số mùa giải đầu tiên sẽ đến thăm văn phòng và gặp gỡ các chuyên gia công nghệ của Google, Facebook, Tesla và một số công ty công nghệ khác tại thung lũng Silicon. Đặc biệt, các sinh viên sẽ được trực tiếp trải nghiệm xe tự hành của Tesla. Ngoài thung lũng Silicon, các sinh viên còn tới thăm 2 thành phố khác của Mỹ là San Francisco và Los Angeles.
Xe tự hành là 1 trong 9 công nghệ trụ cột của cách mạng 4.0, đang được nhiều ông lớn trên thế giới tham gia nghiên cứu. Trong năm đầu tiên, các đội thi đã sử dụng kiến thức công nghệ xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo, học máy kết hợp với kiến thức về điều khiển tự động để lập trình sao cho xe có thể di chuyển chính xác không chỉ trên đường thẳng, mà còn ở các khúc cua, leo dốc, tự điều chỉnh đường đi, tốc độ khi gặp vật cản. Khi đó, sa bàn thi đấu có những vạch vôi màu trắng để xe nhận diện đường đi.
Đó là những mô hình xe do 8 nhóm sinh viên của các trường đại học tại Việt Nam phát triển trong cuộc thi Cuộc đua số.