Cuộc sống Trung Quốc: Giàu có hơn, công nghệ tiện ích hơn, bị kiểm soát chặt hơn
Công nghệ khiến cho cuộc sống tại Trung Quốc tiện lợi hơn, dễ dàng hơn, giàu có hơn nhưng người dân bị kiểm soát chặt hơn.
Chiếc xe 30 chỗ chở khách du lịch gắn 5 camera ở hai đầu và giữa chiếc xe. Anh hướng dẫn viên tên Trung với vốn tiếng Việt cực sõi nói trên micro: “Bây giờ xe nào ở Trung Quốc cũng buộc gắn camera. Bất kể anh đi đâu hay làm gì người ta cũng biết hết. Nhất cử nhất động của hành khách trên xe đều được theo dõi”.
Chiếc camera (màu đen) gắn trên trần gần cửa sổ xe khách - Ảnh: Hải Đăng
“Bây giờ rất ít thấy cảnh sát trên đường phố ha, vì camera đã được lắp khắp mọi nơi. Họ chỉ cần ngồi xem camera và nếu có vi phạm gì sẽ phạt ngay, cung cấp bằng chứng đàng hoàng không có chối được ha”, anh Trung nói tiếng Việt giọng Bắc, cuối câu thường thêm vào tiếng đệm "ha" như thói quen của người Hoa.
Các lái xe ở Trung Quốc được cấp cho 12 điểm, người hướng dẫn viên nói. Cứ mỗi lần vi phạm luật giao thông số điểm sẽ bị trừ, nếu bị trừ hết điểm sẽ phải thi lại. Lỗi vượt đèn đỏ hay lùi xe trên cao tốc sẽ bị trừ tới 6 điểm một lần vi phạm, vi phạm hai lần các lỗi này sẽ mất hết 12 điểm và có thể bị cấm thi lấy bằng trong một thời gian nhất định.
Nếu lái xe vượt tốc độ cho phép cũng sẽ bị trừ điểm, và việc phát hiện lái xe quá tốc độ cũng áp dụng các biện pháp công nghệ chứ không cần con người can thiệp.
“Chính sách Trung Quốc bây giờ nghiêm chỉnh lắm, ai cũng phải chấp hành ha. Vì bây giờ anh đi đâu làm gì cũng bị phát hiện. Các “công ty hai ngón” bây giờ cũng giảm hẳn nhờ chính phủ đầu tư lắp camera ha”, anh Trung nói về việc trộm cắp trên xe và đường phố.
“Bây giờ kể cả anh đi lạc cảnh sát cũng tìm ra nhanh cực kỳ. Chỉ cần biết anh bắt đầu bị lạc chỗ nào, người ta sẽ trích xuất camera, dù anh xuất hiện nhỏ xíu trong hình cũng có thể được phóng to lên để nhìn rõ mặt, sau đó sẽ dò tìm hình ảnh của anh ở các camera chung quanh. Nhanh tìm ra lắm ha”, người đàn ông kể chuyện cho khách nghe trên chặng đường từ Quảng Châu về Chu Hải, hai thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông.
Khởi hành khi trời đã rất tối, đoàn khách thường xuyên được hướng dẫn viên nhắc nhở phải lên xe đi nhanh để về Chu Hải trước 2 giờ khuya. Vì khoảng thời gian từ 2 giờ đến 5 giờ sáng các xe du lịch chở khách bị cấm chạy để bảo đảm an toàn. Bất kể đang chở khách trên đường, đến thời điểm bị cấm, xe phải dừng lại, tài xế và khách có khi phải ngủ trên xe.
Trong 4 ngày công tác tại Chu Hải và Quảng Châu, việc đầu tiên người hướng dẫn nhắc nhở khách khi bước lên xe là phải thắt dây an toàn. Dù ngồi xe khách nhưng mọi người buộc phải cài dây, nếu không mỗi khách sẽ bị phạt hàng trăm tệ.
Luật giao thông tại Trung Quốc hiện rất nghiêm khắc, chỉ cần phát hiện người lái xe có hơi men, dù chưa gây tai nạn cũng sẽ bị xử phạt. Do đó tại nhiều địa điểm ăn uống ở Chu Hải sẽ có một đội vài chiếc xe điện, những người uống nhiều rượu bia sẽ phải thuê đội “xe ôm điện” chở về nhà, sau đó người xe ôm này sẽ quay lại lái xe trả cho khách. Hiếm ai dám lái xe khi đã uống nhiều rượu bia.
Cuộc sống hàng ngày được số hoá
“Người Trung Quốc được cấp thẻ chứng minh nhân dân. Những người phạm pháp hầu như không trốn được đi đâu vì hệ thống giao thông công cộng hiện nay đa số bắt thanh toán bằng thẻ. Ngoài ra, không có khách sạn nào cho anh lưu trú nếu không có thẻ chứng minh”, anh Trung giải thích.
Cuộc sống người dân Trung Quốc hiện được số hoá hàng ngày. Mọi thứ xoay chung quanh chiếc smartphone và các ứng dụng cài đặt trên nó.
Người hướng dẫn viên này cũng nói về câu chuyện kinh điển ở Trung Quốc vốn được người nước ngoài hay truyền tai nhau: ngay cả người ăn xin ở nước này cũng dùng smartphone để xin khách chuyển tiền qua các ứng dụng như WeChat.
“Bây giờ có WeChat có thể làm mọi thứ ha. Gọi điện, nhắn tin, trả tiền, chuyển tiền,… mọi thứ”, anh Trung nói.
Khách dùng điện thoại thanh toán hoá đơn ở một cửa hàng thời trang - Ảnh: Hải Đăng
Tại một gian hàng trên con phố đi bộ nổi tiếng ở Quảng Châu, một người khách truy cập ứng dụng WeChat, mở QR Code và barcode của mình lên, nhân viên thu ngân chỉ mất chưa tới một giây để đưa máy quét đọc các mã này và hoá đơn được trả.
Tại một gian hàng bán trái cây nhỏ xíu trên con phố này, PV ICTnews cũng chứng kiến nhiều người giơ điện thoại của mình lên, quét qua QR Code dán trên ki-ốt, thanh toán tiền trong 2 giây.
QR Code của riêng cửa hàng được dán trên tường để khách tiện thanh toán - Ảnh: Hải Đăng
Trong cả hai trường hợp như vậy, khi phải rút tiền mặt ra trả, rồi chờ tiền thối lai, PV ICTnews có cảm giác gần giống với việc để đầu trần để chạy xe máy giữa TP.HCM khi chung quanh anh cũng đội nón bảo hiểm.
Một người khách Việt trong đoàn, là phó giám đốc một công ty Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam, cho biết thường được bạn bè khuyên nên trả tiền qua WeChat để trong nhiều trường hợp, nếu chất lượng hàng hoá không bảo đảm có thể khiếu nại để được hoàn trả lại tiền vào tài khoản.
“Việt Nam có nhiều xe máy lắm đúng không?”, anh hướng dẫn viên hỏi khi xe đang chạy trên đường phố Chu Hải. “Ở Chu Hải đã cấm xe máy, Thâm Quyến thậm chí yêu cầu taxi và phương tiện công cộng phải là xe điện”. Trên đường phố Trung Quốc, các xe mang biển số xanh lá cây – tức xe chạy điện – đang ngày càng nhiều lên.
Để hạn chế phương tiện cá nhân, các xe công cộng được tăng cường. Trong đó, xe đạp được sử dụng phổ biến ở Chu Hải. Rất nhiều xe đạp được dựng trên đường phố. Để sử dụng phương tiện này, một lần nữa, người dân phải có một ứng dụng để mở khoá xe, rất nhanh chóng và dễ dàng. Sau đó có thể thuê xe với giá chỉ khoảng 1 tệ (khoảng 3.600 đồng Việt Nam), cho vài giờ chạy xe, sau đó dựng lại trên vệ đường.
Xe đạp dựng ở lề đường cho khách thuê chạy - Ảnh: Hải Đăng
Ở Thâm Quyến GDP đầu người rất cao, một người xài cùng lúc 5-6 điện thoại là bình thường. Các công nghệ mới nhất trên thế giới đều hội tụ tại đây”, anh Trung nói bằng giọng tự hào.
“Chỗ đó người dân giàu lên nhờ các công việc đòi hỏi hàm lượng chất xám rất cao. Thâm Quyến không còn chỉ sản xuất mấy thứ cho điện thoại. Người ta giờ sản xuất tới cả một linh kiện nhỏ như hộp diêm cho hàng không mẫu hạm, cho tàu vũ trụ thì đủ hiểu trình độ và thu nhập cao cỡ nào”, người hướng dẫn nói trên micro.
“Trung Quốc bây giờ giàu mạnh lên rất nhiều. Do đó Mỹ không thích Trung Quốc”, anh Trung bàn luận. “Nhưng càng đối đầu Trung Quốc là đang quảng cáo cho Trung Quốc”, người hướng dẫn nói lại một câu quen thuộc gần giống với câu nói của ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập tập đoàn Huawei nói khi sản phẩm viễn thông của công ty này bị cấm dùng trong các cơ quan chính phủ Mỹ.
Phó chủ tịch của hãng máy lạnh số 1 thế giới cho rằng hàng Trung Quốc đang có chất lượng ngang ngửa hàng Nhật, kỹ thuật...