Cuộc đua vũ trụ trở lại
Một tên lửa do hãng SpaceX của tỷ phú Elon Musk chế tạo đưa 2 phi hành gia Mỹ lên vũ trụ hôm 30/5, mở ra một kỷ nguyên mới của ngành du hành vũ trụ vì mục đích thương mại và đưa nước Mỹ trở lại cuộc đua nhằm giành vị trí thống trị trong không gian.
Tên lửa Falcon của SpaceX bay lên hôm 30/5ảnh: AP
Hai phi hành gia NASA Doug Hurley và Bob Behnken lên quỹ đạo trong khoang tàu Dragon hình viên đạn được tên lửa Falcon 9 đẩy lên từ chính bệ phóng đã đưa các phi hành gia tàu Apollo lên Mặt trăng cách đây nửa thế kỷ.
Chỉ vài phút sau khi bay lên, hai phi hành gia đã được đưa vào quỹ đạo một cách an toàn. “Hãy thắp sáng ngọn nến này”, Hurley nói ngay trước hành trình, mượn lại những lời mà phi hành gia Alan Shepard nói trong sứ mệnh chinh phục vũ trụ đầu tiên của người Mỹ vào năm 1961.
Hai phi hành gia, theo kế hoạch, đáp xuống Trạm vũ trụ quốc tế, cách Trái đất 250 dặm, trong ngày 31/5, và dự kiến ở lại đó 4 tháng, rồi trở về nhà bằng chuyến hạ cánh xuống biển, điều mà thế giới chưa từng chứng kiến kể từ những năm 1970.
Sự kiện lần này diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang bị đại dịch COVID-19 tàn phá, khiến hơn 100.000 người thiệt mạng, và đợt biểu tình lan rộng từ Minneapolis. NASA và các quan chức Mỹ khác bày tỏ hy vọng chuyến bay sẽ xốc lại tinh thần của người Mỹ và cho thế giới thấy điều Mỹ có thể làm.
SpaceX trở thành công ty tư nhân đầu tiên đưa người vào quỹ đạo, điều trước đây chỉ có thể thực hiện bởi 3 chính phủ: Mỹ, Nga và Trung Quốc. “Đây thực sự là điều khiến bất kỳ ai có tinh thần khám phá phải thán phục”, Musk, ông chủ hãng xe điện Tesla, nói sau khi tên lửa rời bệ phóng.
Chuyến bay cũng kết thúc 9 năm NASA không thực hiện vụ phóng nào. Từ khi cho nghỉ hưu đội tàu vũ trụ năm 2011, NASA phải phụ thuộc vào các tàu vũ trụ Nga để đưa phi hành gia Mỹ lên trạm vũ trụ và trở về. Trong mấy năm qua, NASA thuê SpaceX và Boeing thiết kế và chế tạo thế hệ tàu vũ trụ mới dựa trên các hợp đồng đối tác công tư trị giá 7 tỷ USD nhằm giảm chi phí và kích thích đổi mới sáng tạo.
Tàu vũ trụ Starliner của Boeing dự kiến chưa thể đưa phi hành gia lên vũ trụ trước năm 2021. NASA dự kiến sẽ dựa một phần vào các đối tác thương mại để rảnh tay theo đuổi các mục tiêu tiếp theo: đưa phi hành gia trở lại Mặt trăng trong vài năm nữa và lên sao Hỏa vào những năm 2030.
Theo mô hình mới, các hãng công nghệ vũ trụ thiết kế, chế tạo, sở hữu và vận hành các tàu vũ trụ, còn NASA là khách hàng trả tiền. Theo mô hình này, các nhà nghiên cứu không thuộc chính phủ, nghệ sĩ và du khách cũng có cơ hội lên vũ trụ. Diễn viên Tom Cruise đã bày tỏ quan tâm. Sứ mệnh ngày 30/5 được coi là chuyến bay thử nghiệm. Chuyến đi tiếp theo của SpaceX dự kiến diễn ra vào cuối tháng 8 để đưa 3 người Mỹ và 1 người Nhật lên vũ trụ.
Nguồn: [Link nguồn]
Tàu vũ trụ Crew Dragon đã được phóng thành công với 2 phi hành gia NASA trên tàu.