Cuộc chiến siêu ứng dụng giữa các “ông lớn” công nghệ
Trong khi Trung Quốc có WeChat thì Đông Nam Á có những cái tên như Grab và Go-Jek.
WeChat: Hình mẫu của một siêu ứng dụng
“Siêu ứng dụng” là một định nghĩa mới, chỉ các ứng dụng tích hợp đa dịch vụ nhằm phục vụ tối đa những nhu cầu khác nhau của người dùng. Cái tên nổi tiếng nhất tại Trung Quốc không ai khác chính là WeChat, ứng dụng đang có hơn 1 tỉ người dùng thường xuyên hàng tháng để trò chuyện, chia sẻ hình ảnh, tìm bạn, chơi game, mua sắm, đọc tin tức, thanh toán,...
WeChat là siêu ứng dụng của Trung Quốc.
Ví dụ thực tế, khi đã có siêu ứng dụng WeChat, người Trung Quốc có thể vào nhà hàng, quét QR code trên bàn để chọn món rồi thanh toán trực tuyến. Họ cũng không cần phải đứng xếp hàng ở bệnh viện mà bốc số qua điện thoại. Thậm chí, đã có dịch vụ mua thuốc hộ những loại bệnh thông thường chứ không còn là mua đồ ăn.
Dù WeChat không phải mới nhưng sự “phình” lên không ngừng của nó đã truyền cảm hứng cho hàng loạt “ông lớn” nhảy vào cuộc chơi xây dựng siêu ứng dụng. Chẳng hạn “ông trùm” mạng xã hội Facebook với 2,3 tỉ người dùng hằng tháng đang cố gắng tích hợp hàng loạt dịch vụ vào ứng dụng tán ngẫu Messenger, từ chuyển tiền cho đến mua sắm, lên lịch hẹn, tương lai còn là sự xuất hiện của đơn vị tiền điện tử Libra.
Cuộc chiến siêu ứng dụng ở Đông Nam Á
Còn tại Đông Nam Á, hiện nay chưa có một ứng dụng nào đạt được thành công như WeChat, nhưng tương lai đó có lẽ sẽ không xa khi Grab đến từ Singapore đang phát triển như “vũ bão”. Đối thủ của Grab là Go-Jek (hay còn có tên Go-Viet tại Việt Nam) có nguồn gốc từ Indonesia cũng đang tiến tới trở thành một siêu ứng dụng tiếp theo.
Không chỉ Tại Việt Nam, Go-Jek và Grab đang cạnh tranh khốc liệt ở Indonesia.
Từ những năm còn xa nhau về đường hướng phát triển, đến nay, Go-Jek và Grab đang cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt ngay tại quê nhà của Go-Jek về cả đối tượng khách hàng và thị trường mục tiêu. Ở nhiều thành phố của Indonesia, cả hai bắt đầu cuộc chiến giá cả không có giới hạn tương tự những gì đang xảy ra tại Việt Nam.
Go-Jek từng gọi được vốn của Google và Tencent, hiện đang có khoảng 18 dịch vụ trong ứng dụng của mình. Ngoài các dịch vụ cơ bản như gọi xe, gọi thức ăn, giao hàng thì có thể kể đến Go-Mart (mua tạp hóa), Go-Clean (dọn dẹp nhà cửa), Go-Glam (tạo mẫu tóc và trang điểm) và Go-Massage...
Về phía Grab, dù phải chiến đấu trên sân khách nhưng tới nay họ đã gặt hái được những thành công. Hiện, GrabFood đã có tại 178 thành phố của Indonesia và tăng trưởng hơn 10 lần trong giai đoạn từ tháng 12/2017 đến tháng 12/2018. Grab còn mở dịch vụ “Kitchen by GrabFood”, không gian dành cho các đối tác nhà hàng để kinh doanh.
Ngoài giao đồ ăn đang được đầu tư rất mạnh tay, Grab còn khẳng định họ đang dẫn trước Go-Jek ở vài mảng cốt yếu. Theo số liệu do Grab công bố, tính đến tháng 5/2019, hãng đã chiếm 60% thị phần dịch vụ xe 2 bánh và 70% thị phần dịch vụ xe 4 bánh tại Indonesia.
Grab đang tập trung phát triển dịch vụ GrabFood tại Việt Nam.
Riêng tại Việt Nam, dịch vụ giao nhận thức ăn GrabFood đã chứng kiến số lượng đơn hàng bình quân hằng ngày tăng trưởng “thần tốc”, gấp 250 lần chỉ sau một năm kể từ khi chính thức ra mắt tại Việt Nam. Bên cạnh đó Grab cũng đang giữ vị trí số 1 trong lĩnh vực “xe ôm công nghệ” và “taxi công nghệ”.
Dẫn một báo cáo gần đây của Kantar, Grab cho biết,đến tháng 4/2019, GrabFood tiếp tục là dịch vụ giao thức ăn được sử dụng nhiều nhất Việt Nam, với 81% người được khảo sát lựa chọn sử dụng GrabFood. Với thời gian giao hàng trung bình 20 phút, GrabFood còn là dịch vụ giao nhận thức ăn nhanh nhất hiện nay (theo khảo sát và công bố của GComm vào tháng 12/2018) - nhờ vào đội ngũ đối tác tài xế đông đảo, lên đến hơn 190.000 đối tác.
Trong khi Grab liên tục cập nhật những số liệu mới nhất tới truyền thông thì Go-Viet khá lặng tiếng. Thông cáo mới nhất mà Go-Viet công bố là việc công ty này chính thức bổ nhiệm bà Lê Diệp Kiều Trang (Christy Lê, cựu Tổng Giám đốc Facebook Việt Nam) giữ vị trí Tổng Giám đốc, đồng thời chia sẻ thông tin “Go-Viet đã hoàn thành hàng triệu chuyến đi và đạt mức tăng trưởng 50% mỗi tháng”.
Không chỉ ở Việt Nam mà GrabFood còn phải “chiến đấu” tại nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.