Cục Viễn thông đề nghị mạng di động ảo Reddi tham gia chuyển mạng giữ số
Ông Trần Nam Trung, CEO của mạng di động ảo Reddi cho biết, mạng Reddi sẽ tham gia cuộc chơi chuyển mạng giữ số theo yêu cầu của Cục Viễn thông. Đây thực sự là thách thức đối với tân binh Reddi khi mới bước chân vào thị trường này.
Ông Trần Nam Trung, CEO của mạng di động ảo Reddi cho biết, mạng Reddi sẽ tham gia cuộc chơi chuyển mạng giữ số theo yêu cầu của Cục Viễn thông.
Ngày 3/6/2020, Công ty Cổ phần Mobicast đã chính thức khai trương nhà mạng thương hiệu Reddi với đầu số 055. Tại sự kiện này, Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, tổng thuê bao trên thị trường Việt Nam khoảng 126 triệu. Tuy nhiên thị trường đang có APRU thấp và bị cạnh tranh mạnh từ dịch vụ OTT. Vì vậy, thị trường di động Việt Nam cần có luồng gió mới. Ông Nguyễn Phong Nhã đề nghị Công ty Cổ phần Mobicast tham gia vào chuyển mạng giữ nguyên số để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.
Trả lời câu hỏi của ICTnews liên quan đến vấn đề này, ông Trần Nam Trung, CEO của mạng di động ảo Reddi cho biết, Công ty Cổ phần Mobicast đã làm việc với Cục Viễn thông để chuẩn bị cho chính sách chuyển mạng giữ nguyên số. Tuy nhiên, khi thực hiện chính sách này, Công ty Cổ phần Mobicast phải mất 3 tháng để mua các thiết bị sau đó kết nối với hệ thống của Cục Viễn thông. Sau đó mạng này sẽ tiến hành chạy thử 3 tháng. Như vậy, nhanh nhất 6 tháng nữa mạng Reddi mới có thể tham gia sân chơi chuyển mạng giữ nguyên số.
“Chuyển mạng giữ nguyên số là thước đo chỉ số hài lòng của khách hàng. Nếu khách hàng rời bỏ mạng của chúng tôi nghĩa là Reddi phục vụ khách hàng chưa tốt và ngược lại. Như vậy, chúng tôi sẽ phải hết sức nỗ lực để phục vụ khách hàng. Chúng tôi kỳ vọng sẽ thu hút được lượng khách hàng trẻ năng động thích những trải nghiệm mới. Tuy nhiên, thách thức nhất với chúng tôi là những khách hàng đầu tiên nếu để họ không hài lòng thì không kéo lại được nữa. Nó giống như nhà hàng mới mở ra thì áp lực phải kéo được những khách hàng đầu tiên và phải làm họ hài lòng”, ông Trần Nam Trung nói.
Nếu xét về lợi thế, các mạng di động ảo không phải đầu tư hạ tầng mà chỉ mua buôn lưu lượng của các nhà mạng có hạ tầng. Như vậy, mạng di động ảo chỉ tập trung vào khâu kinh doanh để thiết kể sản phẩm phù hợp với khách hàng. Thế nhưng, các mạng di động ảo lại bị phụ thuộc vào nhà mạng rất nhiều khi các nhà mạng có hạ tầng luôn ở thế “cửa trên”. Hơn nữa, mô hình mạng di động ảo vẫn còn khá mới ở Việt Nam và vẫn phải hoàn thiện chính sách quản lý để tạo thị trường thúc đẩy cạnh tranh.
Nhìn chung bức tranh thị trường di động hiện nay vẫn cạnh tranh nóng bỏng và sức hấp dẫn của thị trường không còn nhiều như trước đây. Các chuyên gia cho rằng, hiện một số xu hướng của thế giới sẽ ảnh hưởng đến thị trường viễn thông Việt Nam như tác động của IoT, các dịch vụ xuyên biên giới. Bên cạnh đó, thế giới đã xuất hiện nhiều bối cảnh mới mà có thể có tác động rất lớn đến các dịch vụ hạ tầng ví dụ như hệ thống WiFi Free của Google Station hay là thế hệ thống vệ tinh quỹ đạo thấp có thể cung cấp Internet giá rẻ trên toàn cầu. Như vậy, đòi hỏi tất cả các nhà mạng phải đổi mới để phục vụ khách hàng.
Nhiều người tin rằng, mạng di động ảo sẽ chọn một thị trường ngách nào đó để nhắm đến chứ không đánh rộng như các nhà mạng có hạ tầng. Có lẽ để cạnh tranh được với các nhà mạng có hạ tầng, các mạng ảo sẽ phải cân nhắc đến lợi thế về giá cước. Nếu khai thác tốt mảng thị trường này, các mạng ảo vẫn có cơ hội phát trển. Trước đó, Đông Dương Telecom tuyên bố nhắm đến đối tượng khách hàng là công nhân của các khu công nghiệp và tập trung khai thác thị trường này. Tuy nhiên, trong bức tranh chung của thị trường viễn thông, việc các mạng di động ảo Reddi đứng ở vị trí nào trên thị trường đó còn tùy thuộc vào sự nhạy bén của thị trường của nhà mạng này.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhà mạng này cung cấp dịch vụ dựa trên việc thuê lại hạ tầng từ các nhà mạng khác.