Covid-19 đã thay đổi môi trường Trái Đất như thế nào?

Sự kiện: Công nghệ

Bầu trời trong hơn, đại dương sạch hơn, động vật có nhiều không gian sống hơn khi con người ở nhà nhiều hơn. Mặc dù tác động mạnh đến kinh tế, nhưng dịch bệnh đã giúp Trái Đất trong sạch hơn rất nhiều.

Ngày Trái Đất năm 2020 diễn ra giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành khắp nơi, khiến nhiều chính phủ phải mạnh tay thực hiện giãn cách xã hội, yêu cầu người dân không ra đường khi không cần thiết. Sản xuất công nghiệp và nhiều hoạt động ảnh hưởng đến thiên nhiên khác bị gián đoạn, giúp Trái Đất được thanh lọc trong thời gian này.

Một con dê núi bước đi trước một cửa hàng đã đóng ở LLandudno, Wales, Anh Quốc vào 31/03/2020. Ảnh: Christopher Furlong/Getty Images.

Một con dê núi bước đi trước một cửa hàng đã đóng ở LLandudno, Wales, Anh Quốc vào 31/03/2020. Ảnh: Christopher Furlong/Getty Images.

Đại dịch không chỉ ảnh hưởng tới từng cá nhân, từng xã hội hay từng quốc gia, mà ở quy mô rộng hơn trên cả hành tinh, nó đã đưa Trái Đất vào một giai đoạn mới dù chỉ là tạm thời. Đất, nước và khí đã thay đổi nhanh chóng theo hướng tích cực chỉ trong vài tháng qua.

Bầu không khí trong sạch đến ngỡ ngàng

Dễ dàng nhận thấy khi các thành phố thực hiện phong toả, cách ly, nồng độ các chất gây ô nhiễm từ khói xe, khói nhà máy được giảm hẳn. Ở những nơi vốn là trung tâm công nghiệp và kinh tế vào ngày thường, sự khác biệt này được ghi nhận rõ nét hơn cả, chẳng hạn như Trung Quốc và châu Âu.

Bầu trời xanh trong vắt sau khi hoạt động kinh tế bị ngừng lại tại Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: China Daily/Reuters.

Bầu trời xanh trong vắt sau khi hoạt động kinh tế bị ngừng lại tại Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: China Daily/Reuters.

Theo phân tích của Marshall Burke, giáo sư Khoa học Trái Đất ở Đại học Standford, mặc dù bệnh dịch gây tử vong cao ở Trung Quốc nhưng chính sự sụt giảm đáng kể của không khí bẩn ước tính đã cứu sống 4.000 trẻ em và 73.000 người cao tuổi tại quốc gia này trong 2 tháng qua.

Con số này được đưa ra dựa trên nghiên cứu trước đó của Tổ chức Y tế Thế giới, theo đó các bệnh do không khí kém chất lượng gây ra như đột quỵ, đau tim hay suy giảm đường hô hấp làm 4,2 triệu người chết mỗi năm. Trang web chuyên theo dõi biến đổi khí hậu Carbon Brief dự báo khí thải CO2 toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm 5,5% - mức thấp chưa từng có.

Biểu đồ cho thấy sự sụt giảm CO2 phát thải một cách đột ngột do ảnh hưởng của Covid-19. Số liệu: Carbon Brief, IEA, UNEP.

Biểu đồ cho thấy sự sụt giảm CO2 phát thải một cách đột ngột do ảnh hưởng của Covid-19. Số liệu: Carbon Brief, IEA, UNEP.

Mức giảm này gần chạm ngưỡng mà Hiệp định Paris đặt ra, với 7,6% mỗi năm để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5 độ C từ nay cho đến năm 2050. Bầu không khí sạch hơn hẳn do sự sụt giảm CO2 cũng được ghi nhận qua hình ảnh vệ tinh. Nhưng trực quan hơn cả, người dân sẽ cảm nhận được từ chính nơi ở của mình.

Lần đầu tiên sau 30 năm, người dân Ấn Độ có thể nhìn thấy dãy Himalaya. Tương tự ở Việt Nam, nhiều người đứng từ chung cư tại Sài Gòn có thể quan sát thấy núi Bà Đen ở Tây Ninh. Mắt người về lý thuyết có thể nhìn được rất xa, chẳng hạn những ngôi sao trên bầu trời cách chúng ta hàng triệu km, nhưng do không khí ô nhiễm khiến những dãy núi cao bị che khuất vào ngày thường.

Dãy Himalaya nhìn từ Ấn Độ. Ảnh: Manjit K Kang.

Dãy Himalaya nhìn từ Ấn Độ. Ảnh: Manjit K Kang.

Núi Bà Đen nhìn từ TP.HCM. Ảnh: FB Trần Trọng Nghĩa.

Núi Bà Đen nhìn từ TP.HCM. Ảnh: FB Trần Trọng Nghĩa.

“Địa chấn nhân tạo” im ắng chưa từng có

Ngoài địa chấn do chính hành tinh tạo ra từ các lớp địa chất, bề mặt địa cầu còn nhận những cơn chấn động do hoạt động sản xuất công nghiệp gây ra. Nhà địa chấn học Thomas Lecocq làm việc tại Đài thiên văn Hoàng gia Bỉ ở Brussels, cho biết dữ liệu rung động của mặt đất trong những ngày cách ly giảm xuống mức gần như 0.

“Vào ngày tuyết rơi đêm Giáng Sinh, hầu như mọi người đều ngừng công việc để về nhà ăn bữa tối với gia đình, đó là thời gian hiếm hoi trong năm máy đo địa chấn không ghi được nhiều chấn động. Tuy nhiên vào ngày đầu tiên thủ đô Brussels thực hiện cách ly, điều tương tự đã diễn ra khiến tôi rất bất ngờ,” ông cho biết.

Một đàn trâu đi vào đường cao tốc vắng xe ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Yawar Nazir/Getty Images.

Một đàn trâu đi vào đường cao tốc vắng xe ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Yawar Nazir/Getty Images.

Đồng nghiệp của ông tại Mỹ, Pháp và New Zealand cũng ghi nhận “hiện tượng lạ” tương tự. Công việc của những chuyên gia này là nghe sự rung động từ sâu bên trong lòng đất, thông thường họ chỉ ghi nhận cơn địa chấn có cường động hơn 5,5 bởi họ phải bỏ qua những cơn “địa chấn nhân tạo”. Tuy vậy, nhờ những ngày cách ly, họ nghe rõ ràng hơn bao giờ hết hơi thở của hành tinh.

“Lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình, tôi lắng nghe được rõ ràng sự dịch chuyển các mảng địa chất. Ngày thường, chúng tôi phải bỏ qua rất nhiều dữ liệu và đặt một ngưỡng chung để ghi nhận, dưới ngưỡng đó thường là âm thanh của tàu điện ngầm, các mỏ khoan, công trình xây dựng hay hoạt động kinh tế khác,” nhà địa chấn học Paula Koelemeijer từ London chia sẻ.

Thành phố ngập nước Venice của Italy chứng kiến màu xanh của sự sống qua ảnh chụp từ vệ tinh của Cơ quan Hàng không Châu Âu (ESA).

Thành phố ngập nước Venice của Italy chứng kiến màu xanh của sự sống qua ảnh chụp từ vệ tinh của Cơ quan Hàng không Châu Âu (ESA).

Ô nhiễm tiếng ồn ở thành phố trở thành dĩ vãng

Ai cũng ở nhà, phương tiện nào cũng cất trong bãi giúp “bộ mặt âm thanh” của các đô thị thay đổi rõ nét. Những âm thanh như tiếng động cơ xe, tiếng người nói chuyện, tiếng từ các hoạt động sản xuất kinh tế,... có vẻ rất bình thường nhưng thật ra chúng tạo nên ô nhiễm tiếng ồn và gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ của cư dân thành phố.

Trước Covid-19, cường độ âm thanh trung bình ở Quảng trường Kenmore (Massachusetts, Mỹ) là 90 decibel và tăng cao hơn nữa vào giờ cao điểm. Nhưng vào thời gian đóng cửa thành phố, con số này thấp hơn 68 decibel. Để dễ hình dung: Âm thanh của tàu điện ngầm khi vượt qua tai người là 95 decibel, ngưỡng an toàn để tai người không bị suy giảm thính giác là từ 60 đến 70 decibel.

Quảng trường Thời Đại sầm uất bậc nhất ở New York, Mỹ chứng kiến sự vắng vẻ khác thường sau hàng chục năm. Ảnh: CNN.

Quảng trường Thời Đại sầm uất bậc nhất ở New York, Mỹ chứng kiến sự vắng vẻ khác thường sau hàng chục năm. Ảnh: CNN.

Nhiều thành phố khác còn ghi nhận con số thấp hơn, ở mức chỉ 30 decibel - tương đương một đêm thanh tĩnh chỉ có tiếng người thì thào. Rebecca Franks, một người Mỹ sống tại Vũ Hán, chia sẻ trải nghiệm lần đầu tiên nghe được tiếng chim hót giữa trung tâm thành phố. Sylvia Poggioli từ Italy cũng kể lại chuyện đang đi giữa phố mà nghe được tiếng mở cửa từ bản lề cửa rỉ sét.

Thậm chí, trên Twitter số lượng người dùng đặt câu hỏi “Đó có phải là tiếng chim hót không vậy?” cũng tăng vọt. Bán cầu Bắc đang bước vào mùa xuân và cũng là thời điểm những đàn chim từ phương Nam bắt đầu di cư để tránh rét, việc các thành phố trở nên im lặng khiến cư dân tại đây ngỡ ngàng vì lần đầu tiên trong hàng chục năm mới nghe lại tiếng thiên nhiên giữa lòng phố thị.

Nồng độ NO2 trong không khí giảm đi rõ rệt tại Bắc Kinh và các thành phố lớn ở phía bắc Trung Quốc. Ảnh: NASA Earth Observatory.

Nồng độ NO2 trong không khí giảm đi rõ rệt tại Bắc Kinh và các thành phố lớn ở phía bắc Trung Quốc. Ảnh: NASA Earth Observatory.

Theo nhiều nghiên cứu khoa học, ô nhiễm tiếng ồn gây ảnh hưởng tiêu cực cho sức khoẻ người, dẫn tới các bệnh liên quan đến căng thẳng trí não, huyết áp cao, gián đoạn giấc ngủ hay các vấn đề liên quan đến thần kinh. Mặc dù sự im lặng này chỉ là tạm thời, nhưng nếu nó kéo dài lâu hơn, người dân thành phố sẽ sớm hưởng được lợi ích về sức khoẻ.

Đại dương trở nên hiền hoà hơn bao giờ hết

Ô nhiễm tiếng ồn không chỉ là vấn đề trên mặt đất, nó cũng gây nhức nhối dưới biển. Nhà sinh thái học đại dương Michelle Fournet ở Đại học Cornell (New York) đặt máy ghi ở ngoài khơi bờ biển Alaska và Florida, đây là một phần công việc thường ngày của cô nhằm nghiên cứu về môi trường sống của cá voi lưng gù.

Rong biển xuất hiện nhiều hơn ở con kênh du lịch nổi tiếng tại Venice, Italy. Ảnh: Andrea Pattaro/Getty Images.

Rong biển xuất hiện nhiều hơn ở con kênh du lịch nổi tiếng tại Venice, Italy. Ảnh: Andrea Pattaro/Getty Images.

“Không còn tàu du lịch hay tàu đánh bắt cá xa bờ, đây là lần đầu tiên trong rất nhiều thập kỷ tôi ghi nhận được sự im lặng đến ngỡ ngàng từ đại dương,” Fournet cho biết. Theo nghiên cứu, tiếng ồn từ tàu biển làm tăng hormone căng thẳng của sinh vật biển, điều này ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng sinh sản của chúng.

Cá voi là một trong những loài nhạy cảm nhất với tiếng động công nghiệp hàng hải, chúng ngừng phát ra sóng siêu âm khi có tàu hàng đến gần và tiếp tục công việc khi con người đi qua. Những bước sóng này chính là ngôn ngữ giúp chúng giao tiếp với nhau từ dưới những lớp nước sâu, việc gián đoạn đồng nghĩa với việc chúng tạm ngừng nói chuyện với đồng loại.

Liên Hiệp Quốc dự kiến sẽ có một phiên thảo luận về vấn đề đa dạng sinh học ở môi trường biển sau đại dịch Covid-19. Ảnh: Christopher Michel.

Liên Hiệp Quốc dự kiến sẽ có một phiên thảo luận về vấn đề đa dạng sinh học ở môi trường biển sau đại dịch Covid-19. Ảnh: Christopher Michel.

Sự kiện 11/9 khiến giao thông hàng hải ở Bắc Mỹ bị đình trệ, tàu thuyền bị kẹt lại ngoài khơi tạo nên một môi trường âm thanh hỗn loạn kinh khủng. Các nhà khoa học lúc đó đã ghi nhận sự căng thẳng tăng rất cao của cá voi sống trong vùng vịnh, dẫn tới sự suy giảm nội tiết tốt rất kém của chúng.

Trong tháng 4, cá voi lưng gù Bắc Thái Bình Dương sẽ di chuyển về phía bắc và rất có thể chúng sẽ đến gần bờ biển Alaska để bắt đầu sinh sản. Nhiều thập niên trước, nơi đây từng phát triển du lịch giúp du khách có thể tận mắt chứng kiến loài cá voi này, nhưng điều đó đã phải ngừng lại vì từ lâu chúng không đến vùng biển này.

Một con nai bước đi trên đường phố ở Nara, Nhật Bản. Ảnh: Tomohiro Ohsumi/Getty Images.

Một con nai bước đi trên đường phố ở Nara, Nhật Bản. Ảnh: Tomohiro Ohsumi/Getty Images.

Mặc dù các tín hiệu lạc quan đang xuất hiện ở khắp mọi nơi, động vật và thiên nhiên đã giành lại được một phần vốn bị “chiếm giữ” bởi con người suốt thời gian qua, nhưng các nhà khoa học cho biết điều này chỉ là tạm thời và rất khó để duy trì nó kéo dài lâu hơn sau khi hết dịch bệnh.

Nhiều quốc gia đã bắt đầu khôi phục lại nền kinh tế sau thời gian đóng băng. Các hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ sớm đi vào guồng như cũ và sự ô nhiễm gây hại đến môi trường vẫn sẽ tiếp tục diễn ra. Các chuyên gia cho biết, chúng ta không nên trông chờ vào dịch bệnh để hành tinh được thanh lọc mà chính mỗi người chúng ta cần tự hành động vì Trái Đất xanh.

Nguồn: [Link nguồn]

1001 thắc mắc: Bạn có phải là người có giác quan thứ 6?

Linh cảm hay linh tính đó được gọi là "giác quan thứ 6". Nhiều người đã được cứu sống nhờ giác quan này, liệu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Niên (Theo The Atlantic) ([Tên nguồn])
Công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN