Công nghệ “quẹt” smartphone sẽ “lay động” thói quen dùng tiền mặt?
Một trong những rào cản cho việc phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam là thói quen thanh toán bằng tiền mặt.
Tương lai nào cho TMĐT tại Việt Nam?
Theo báo cáo từ các tổ chức thanh toán thẻ và Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đang có những chuyển biến tích cực tại thị trường Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của TMĐT. Tuy nhiên, tổng quan thị trường thì hình thức thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm tỉ trọng rất lớn.
Tỉ lệ thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn rất cao so với quẹt thẻ tại máy POS.
Cụ thể, tại một hội nghị mới đây về thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc NAPAS (một dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử) dẫn số liệu thống kê cho thấy, trong vòng 10 năm (từ năm 2006 tới năm 2016), số lượng máy quẹt thẻ (POS) đã tăng với tỉ lệ 2.616%. Trong đó, tính từ năm 2010 tới năm 2016, giá trị giao dịch qua máy POS tăng 590%. Tuy nhiên, điều đáng nói là doanh số rút tiền mặt trên máy ATM vẫn cao gấp 10 lần so với doanh số thanh toán qua máy POS.
Tại một hội nghị khác về tiếp thị số, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam dẫn số liệu thống kê cho biết, tính đến hết tháng 1/2017, Việt Nam có 50,05 triệu người sử dụng internet, 46 triệu người sử dụng mạng xã hội, 124,7 thuê bao di động. Các con số trên chiếm tỉ trọng rất lớn trong 94,93 triệu dân (xét trong cùng kỳ thống kê), tạo ra một thị trường tiếp thị số màu mỡ cho sự phát triển của TMĐT.
Những con số cho thấy thị trường TMĐT đầy tiềm năng tại Việt Nam.
Về những hạn chế kiềm hãm sự phát triển của TMĐT tại Việt Nam, ông Nguyễn Quang Minh thẳng thắn chỉ ra: “Một trong những hạn chế của TMĐT tại Việt Nam là chậm bắt nhịp và triển khai theo xu hướng TMĐT trên thế giới”. Trong đó, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt chính là một trong những nhân tố quan trọng giúp phát triển TMĐT nhưng tỉ lệ này tại Việt Nam lại chưa cao.
Theo ông Minh, trên thế giới, từ lâu các nước phát triển đã áp dụng nhiều phương thức xác thực bằng sinh trắc học (như vân tay, mống mặt hay khuôn mặt) để thanh toán không dùng tiền mặt thông qua NFC, QR Code,... Một minh chứng cụ thể cho giải pháp này là Samsung Pay - công nghệ đã được triển khai ở các nước phát triển cách đây 2 năm, trước khi nó được đưa về thử nghiệm tại Việt Nam.
Công nghệ “quẹt” smartphone thay cho “cà” thẻ
Thực tế, việc thanh toán không dùng tiền mặt có rất nhiều lợi ích, như giảm chi phí giao dịch, làm cho việc giao dịch trở nên nhanh gọn, an toàn với chi phí tổng thể thấp hơn so với thanh toán bằng tiền mặt. Từ đó, lợi nhuận dành cho người bán tăng lên, còn ngân hàng thì hút thêm được một nguồn tiền gửi lớn với chi phí thấp. Chi phí giao dịch giảm bớt và tỉ lệ lưu chuyển tiền tệ tăng lên cũng sẽ giúp nền kinh tế cải thiện tính hiệu quả, tăng thêm sức cạnh tranh, thúc đẩy tiêu dùng xuất khẩu và gia tăng các hoạt động kinh tế, tăng nguồn thu từ thuế,...
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích nhưng tại Việt Nam, thanh toán không dùng tiền mặt gặp phải không ít thách thức, như hạ tầng kỹ thuật, bài toán về sự an toàn và tính bảo mật, thói quen sử dụng tiền mặt đã “ăn” sâu vào hành vi tiêu dùng của người Việt. Chính lúc này, các hình thức thanh toán điện tử và giải pháp thanh toán di động ra đời sẽ làm cầu nối giúp người tiêu dùng thanh toán tiện lợi hơn, gián tiếp khuyến khích phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt.
Thử nghiệm với máy POS tại một cửa hàng cà phê, người dùng chỉ việc đặt smartphone vào một bên máy POS để thanh toán hóa đơn nhanh chóng.
Tính tới thời điểm hiện tại, Samsung Pay là giải pháp thanh toán di động thông qua smartphone đầu tiên tại Việt Nam, được các chuyên gia dự đoán sẽ mang đến nhiều tiện ích cho người dùng và kiến tạo xu hướng “thế giới không cần ví”. Với lợi thế là đơn giản, an toàn và tiện dụng, giải pháp Samsung Pay được tin tưởng sẽ tiên phong dẫn đầu xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo hãng công nghệ Hàn Quốc, Samsung Pay cho phép sử dụng smartphone để thanh toán hóa đơn tại các máy POS bằng kết nối không dây. Cụ thể, các công nghệ kết nối không dây này là “truyền dữ liệu an toàn qua từ tính” MST (Magnetic Secure Transmission) và “giao tiếp không dây tầm gần” NFC (Near Field Communication). Đây cũng chính là 2 công nghệ kết nối không dây đang được hỗ trợ bởi hầu hết máy POS tại Việt Nam.
9/10 người Việt sẵn sàng dùng smartphone để thanh toán Theo một khảo sát do tổ chức thẻ Visa thực hiện với 750 người Việt Nam trên 18 tuổi, 9/10 người cho biết sẵn sàng thử các phương thức thanh toán mới. Trong đó, 88% nói rằng họ sẽ sử dụng smartphone để thực hiện các thanh toán thay cho tiền mặt nếu có giải pháp hỗ trợ. Việc này chứng tỏ người tiêu dùng Việt Nam rất cởi mở với các phương thức thanh toán mới. |
Giải pháp Samsung Pay cho phép ghép nối smartphone với máy quẹt thẻ POS thay cho thẻ ATM.