Công nghệ mới giúp tránh va chạm khi đi mô tô

Sự kiện: Công nghệ

Công ty khởi nghiệp Ride Vision (Israel) vừa giới thiệu công nghệ tránh va chạm đầu tiên trên thế giới cho mô tô.

Ride Vision sử dụng công nghệ camera 360 độ để gắn trên xe máy, giúp người lái kiểm soát mọi thứ xung quanh tốt hơn. Hiện tại startup này vừa được YL Ventures đầu tư 2,5 triệu USD để đẩy mạnh phát triển sản phẩm. 

Thông thường khi lái xe trên đường chúng ta phải tránh né những cú tạt đầu, dừng xe đột ngột… bằng phản xạ, điều này thường không an toàn và dễ gây tai nạn. Việc an toàn khi lái xe luôn là ưu tiên hàng đầu trong ngành công nghiệp ô tô, đơn cử như ngày càng có nhiều mẫu camera hành trình được tích hợp công nghệ ADAS (Advanced Driver Assistance Systems). Với sự gia tăng của các phương tiện tự lái, hệ thống ADAS đang trở thành một tính năng cốt lõi trên các phương tiện hiện đại.

Tuy nhiên, thị trường xe hai bánh vốn gặp rủi ro cao hơn lại bị bỏ qua, mặc dù số người chết liên quan đến mô tô cao hơn gần 28 lần so với các tai nạn giao thông trên xe hơi, xe khách. Số liệu thống kê của EU cũng cho thấy những dữ liệu tương tự.

Ride Vision đã vượt qua giới hạn về công nghệ, chi phí và kích thước để mang công nghệ hạn chế va chạm lên xe máy. Theo đó, CAT (Collision Aversion Technology) của Ride Vision là sự kết hợp giữa nền tảng học tập sâu và mạng máy tính để mang đến kết quả phân tích chính xác, tiết kiệm chi phí và có thể gắn lên bất kỳ mẫu xe máy nào mà không cần phần cứng phức tạp hoặc camera đắt tiền. Cảm biến CAT có thể phát hiện các mối đe dọa ngoài tầm nhìn của người lái, dự đoán rủi ro và cảnh báo ngay lập tức khi thấy xuất hiện các mối đe dọa chỉ trong 1/10 giây. Công nghệ này giúp hạn chế va chạm mà không làm giảm đi sự tập trung khi lái xe.

Công nghệ mới giúp tránh va chạm khi đi mô tô - 1

Yoav Leitersdorf, người đứng đầu quỹ tài trợ YL Ventures, cho biết: “Trong khi công nghệ phòng, chống tai nạn ADAS trở thành tiêu chuẩn trên xe hơi thì công nghệ CAT lại có tiềm năng lớn để giải quyết vấn đề tai nạn cho thị trường xe máy. Uri và Lior là một đội ngũ giỏi, sẵn sàng phục vụ người dùng xe máy với công nghệ máy tính tiên tiến”.

Theo số liệu thống kê của Statista, năm 2018 sẽ có khoảng 132,4 triệu xe máy được bán trên toàn thế giới. Báo cáo nghiên cứu của Fact.MR 2017 cho thấy thị trường xe máy toàn cầu sẽ đạt 150 tỉ USD vào năm 2022. Chỉ riêng tại Mỹ đã có 5,286 tai nạn xe máy chết người trong năm 2016, tăng 5,1% so với năm 2015. 

Những người đi xe máy thường sẽ khó có thể phản ứng nhanh trước các yếu tố bất ngờ, điều này làm tăng nguy cơ va chạm khi lái xe ở tốc độ cao. Uri Lavi, CEO & Co-Founder của Ride Vision cho biết: “Với tư cách là tay đua, chúng tôi quyết định áp dụng kiến thức chuyên sâu và kỹ thuật thị giác tiên tiến để vượt qua những thách thức về chi phí và công nghệ cần thiết nhằm mang chúng lên xe máy bất kỳ, giúp người lái có thể xem, dự đoán và hạn chế va chạm”.

Công nghệ mới giúp tránh va chạm khi đi mô tô - 2

Hệ thống tránh va chạm của công ty sẽ mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới cho xe máy, tăng độ an toàn và mang lại trải nghiệm lái xe tốt hơn.

Hiện tại, đa số các dòng mô tô cao cấp hiện nay chỉ mới được trang bị công nghệ chống bó cứng phanh ABS (Anti-Lock Braking System), với cơ chế bám-nhả liên tục khiến mô tô không bị mất lực bám và trượt đuôi khi phanh đột ngột. Công nghệ này được phát minh vào cuối những năm 1920 bởi Gabriel Voisin nhằm giải quyết một số vấn đề trên hệ thống phanh của máy bay, tuy nhiên công nghệ này lại được áp dụng rộng rãi lần đầu tiên trong ngành công nghiệp ô tô. 

BMW K100 đời 1988 là chiếc mô tô đầu tiên sử dụng ABS. Trải qua một quãng thời gian khá dài, rất nhiều công nghệ mới được nâng cấp và áp dụng tích hợp vào ABS nhưng nhìn chung nguyên tắc hoạt động cơ bản vẫn như thời sơ khai. Cho đến nay đây vẫn là công nghệ phanh tiên tiến, an toàn nhất lắp trên mô tô.

VAR: Khi công nghệ ”đào huyệt” chôn thứ cảm xúc mang tên World Cup

Công nghệ VAR hỗ trợ trọng tài, đem đến những trận đấu công bằng hơn nhưng vô hình trung nó đang giết chết thứ bóng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tiểu Minh ([Tên nguồn])
Công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN