Công cụ này sẽ giúp kiểm tra xem bạn có bị theo dõi không
Mới đây, một đặc vụ liên bang của Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) - Matt Edmondson đã tiết lộ thông tin về một công cụ, giúp kiểm tra xem bạn có đang bị theo dõi hay không.
Trong thời đại ngày nay, việc theo dõi một ai đó bằng các phần mềm chuyên dụng, định vị… là điều tương đối đơn giản đối với những người rành về công nghệ.
Có rất nhiều công cụ hỗ trợ theo dõi người dùng. Ảnh: Internet
Edmondson nói rằng có một số cách để biết bạn có đang bị theo dõi hay không, đơn cử như nếu đang di chuyển trên xa lộ, bạn có thể tìm chỗ quay đầu xe hoặc thay đổi tuyến đường của mình. Những hành động đơn giản này có thể giúp bạn xác định được những chiếc xe đang cố tình bám đuôi, tuy nhiên, như vậy vẫn là chưa đủ.
Do đó, Edmondson đã quyết định thiết kế một công cụ chống theo dõi, sử dụng Raspberry Pi, bộ dò tín hiệu và một viên pin.
Công cụ chống theo dõi được tạo thành từ Raspberry Pi, bộ dò tín hiệu không dây và pin. Ảnh: Matt Edmondson
Về cơ bản, thiết bị này sẽ hoạt động bằng cách quét tất cả các thiết bị điện tử xung quanh, và cảnh báo cho bạn nếu phát hiện một thiết bị đã từng xuất hiện trước đó trong vòng 20 phút. Theo lý thuyết, nó có thể cảnh báo cho bạn nếu có một chiếc xe đang cố tình bám đuôi.
Theo Edmondson, công cụ này được xây dựng với tổng chi phí 200 USD (khoảng 5 triệu đồng). Dự kiến ông sẽ trình bày dự án nghiên cứu tại hội nghị bảo mật Black Hat ở Las Vegas.
Nhờ sự tiến bộ của công nghệ, ngày càng có nhiều người lạm dụng các thiết bị điện tử để theo dõi người khác (bằng phần cứng hoặc phần mềm). Ví dụ, tin tặc có thể lừa bạn nhấp vào liên kết và cài đặt phần mềm gián điệp trên điện thoại, hay sử dụng các thiết bị định vị như AirTags để theo dõi vị trí của bạn.
“Có quá nhiều thứ để theo dõi mọi người, và nó rất dễ được tìm thấy trên mạng. Trong khi đó, có rất ít công cụ hỗ trợ người dùng kiểm tra xem mình có đang bị theo dõi hay không”, Edmondson nói.
Hệ thống của Edmondson sẽ hoạt động bằng cách quét các thiết bị không dây xung quanh, và hiển thị cảnh báo nếu phát hiện một thiết bị đã từng xuất hiện trước đó trong vòng 20 phút. Lưu ý, công cụ này được thiết kế để sử dụng khi chúng ta đang di chuyển thay vì ngồi trong quán cà phê, nơi kết quả sẽ bị sai lệch.
Nếu một thiết bị xuất hiện 2 lần, một cảnh báo sẽ hiển thị trên màn hình.
Để ngăn hệ thống phát hiện nhầm điện thoại của bạn hoặc của những người đi cùng, bạn có thể thêm thiết bị của mình vào danh sách bỏ qua. Edmondson nói rằng trong tương lai, thiết bị có thể được sửa đổi để gửi cảnh báo bằng văn bản thay vì chỉ hiển thị trên màn hình.
Edmondson không có kế hoạch sản xuất thiết bị này thành một sản phẩm thương mại, nhưng ông cho biết thiết kế này có thể dễ dàng bị sao chép và sử dụng lại bởi bất kỳ ai có hiểu biết về kỹ thuật.
Nguồn: [Link nguồn]
Mạng xã hội TikTok hay còn gọi vui là "tóp tóp" có những nhà sáng tạo nội dung giáo dục rất đáng chú ý.