Cô giáo cấp 2 ở Đắk Nông với dự án bảo vệ học sinh trên mạng internet
"Bạn có từng lo lắng vì học sinh của mình nghe những lời dụ dỗ, lôi kéo trên mạng mà gây nguy hiểm cho bản thân chưa?...", cô Võ Thị Trúc Mân dẫn vấn đề.
Diễn đàn Giáo dục Đổi mới Sáng tạo trên nền tảng CNTT 2020 do Microsoft Việt Nam tổ chức dưới sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng Sở Giáo dục & Đào tạo các tỉnh, thành phố đã chọn ra 50 ứng dụng giáo dục nổi bật nhất lọt vào vòng trong. Sắp tới, những sản phẩm này sẽ được trưng bày tại Ngày hội E2 Việt Nam 2020.
Cô Võ Thị Trúc Mân (Trường THCS Phan Chu Trinh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) đã mang tới cuộc thi một dự án nổi bật và rất thời sự hiện nay liên quan việc online an toàn.
Theo danh sách 50 dự án mà ban tổ chức vừa công bố, có những dự án nổi bật như: Let's be safe online của cô Võ Thị Trúc Mân (Trường THCS Phan Chu Trinh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), Hack Micro:bit của thầy Trần Văn Huy (Trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội); Câu lạc bộ Chuyên gia lập trình nhí Cospaces của cô Triệu Mai Hương (Trường Tiểu học II, thị trấn Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn),...
Dự án bảo vệ học sinh môi trường internet.
Về dự án Let’s be safe online, đây là dự án liên môn Tin học - Anh văn - Giáo dục công dân - Văn học được thực hiện trong vòng 10 tuần với 4 nhóm chuyên gia. Dự án nhằm giúp các em có những kỹ năng cần thiết khi tham gia trên internet, giảm tình trạng bạo lực học đường hay việc bị bắt nạt trên mạng, tiếp xúc với tài liệu không phù hợp, kẻ săn mồi trực tuyến, tiết lộ quá nhiều thông tin cá nhân,...
"Quan trọng hơn, các em học sinh của tôi ở vùng nông thôn đã trưởng thành hơn rất nhiều, biết cách làm việc và hợp tác nhóm tốt, có kỹ năng thuyết trình, phản biện, sự tin tin hơn trong giao tiếp, sáng tạo trong các sản phẩm mình làm ra. Đặc biệt, kỹ năng sử dụng các công cụ công nghệ thông tin của các em lên tầm cao mới, các em có hứng thú hơn rất nhiều trong học tập. Có em còn hỏi cô giáo: “Cô ơi, kỳ 2 tụi em có được học như thế này nữa không?”. Tôi cảm thấy vui vì mình đã làm được điều gì đó có ích cho các em học sinh của mình", cô Trúc Mân chia sẻ.
Trong khi đó, Hack Micro:bit của thầy Trần Văn Huy là dự án trang bị kỹ năng thế kỷ XXI cho học sinh trong quá trình thực hành kỹ thuật số. Đầu tiên, học sinh được học kiến thức và thực hiện các bài toán cơ bản về Micro:bit. Sau đó, học sinh sẽ tập trung nghiên cứu vận dụng kiến thức ứng dụng vào các phép đo lường trong bộ môn Vật lý và các ứng dụng thực tiễn. Đến nay, dự án đã thu được nhiều sản phẩm thú vị để triển khai trong đời sống.
Một số hình ảnh về dự án Hack Micro:bit của thầy Trần Văn Huy.
Còn nói về dự án 3D Cospaces, cô Triệu Mai Hương giới thiệu: "Mong muốn của tôi là sau khi hoàn thành khóa cơ bản, các con có thể sử dụng Cospaces để tích hợp tạo ra các sản phẩm học tập sáng tạo cho các môn học khác. Đồng thời giúp các con có thể tự tổng hợp kiến thức và dần phát triển năng lực tự học cho năm học này và các năm tiếp theo, qua đó giúp các con hứng thú học tập hơn, yêu thích đến trường. Yêu thích tin học, đam mê sẽ giúp các em tạo ra các game học tập tương tác bậc cao hơn".
Tại vòng chung kết quốc gia, poster của các sản phẩm ứng dụng CNTT nói trên sẽ được trưng bày và là một tiêu chí chấm điểm. Ngoài ra, ban giám khảo sẽ đánh giá phần phỏng vấn/thuyết trình về sản phẩm (cả tiếng Việt và/hoặc tiếng Anh). Cùng với đó, ban tổ chức sẽ yêu cầu người tham gia cuộc thi hợp tác để thiết kế một sản phẩm dạy và học theo chủ đề, trong đó có ứng dụng các công cụ của Microsoft ngay tại sự kiện.
Nguồn: [Link nguồn]
Shark Hưng nói startup nên “tự giáo dục lại mình về cách phục vụ, đáp ứng nhu cầu khách hàng một cách dễ chịu hơn“.