Chuyện mạng xã hội Việt: Từ tham vọng vượt mặt Facebook đến sớm rời bỏ cuộc chơi
Đã từng có thời mạng xã hội Việt phát triển rầm rộ ở thị trường trong nước với tham vọng vượt mặt Facebook, thế nhưng chỉ một thời gian sau đã thi nhau rời bỏ cuộc chơi.
Zing Me với tham vọng cạnh tranh trực tiếp với Facebook đã nhanh chóng thất bại.
Rầm rộ phát triển trong thời gian ngắn
Ở thời điểm trào lưu web 2.0 nở rộ, năm 2007, Tầm Tay mở đầu cho trào lưu phát triển mạng xã hội của người Việt với Tamtay.vn và chỉ một năm sau đó một mạng xã hội khác của người Việt cũng ra đời đó chính là Yume.vn. Cả 2 mạng xã hội ra đời với mục đích là thay thế cho nền tảng Yahoo!360 của Yahoo sau khi họ tuyên bố đóng cửa nền tảng này.
Thực tế trong thời gian đầu, cả Tamtay.vn và Yume.vn đã thu hút được đông đảo người dùng từ Yahoo!360 chuyển qua, có thể kể đến nhiều “hot blogger” nổi tiếng như Robbey, Mèo Ác, Dương Bình Nguyên, Lý Lan….
Tuy nhiên, sức hút của hai mạng xã hội này nhanh chóng giảm sút khi Facebook bắt đầu vươn lên mạnh mẽ ở thị trường Việt Nam vào năm 2009.
Tham vọng thay thế Yahoo!360 của các mạng xã hội Việt có thể nói là đã thất bại, chính vì thế các công ty trong nước bắt đầu nhắm tới một mục tiêu mới ở lĩnh vực này chính là vượt mặt Facebook. Các ông lớn như VNG hay VTC Online bắt đầu nhảy vào lĩnh vực này với Zing Me và Go.vn.
Zing Me là mạng xã hội Việt đầu tiên tuyên bố cạnh tranh trực tiếp với Facebook và có những thời điểm số liệu Google Adplanner cho thấy số người dùng Zing Me đã hơn gấp đôi của Facebook. Cụ thể vào tháng 3/2011, số người dùng của Zing Me lên đến 6,8 triệu trong khi Facebook chỉ có 3,1 triệu tại Việt Nam.
Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, đến tháng 12/2012, Bản đồ mạng xã hội toàn cầu do chuyên gia chiến lược truyền thông mạng của Ý Vicenzo Cosenza công bố cho thấy Facebook đã vượt qua Zing Me tại Việt Nam. Cũng sau thời gian này trong khi Facebook vươn lên mạnh mẽ thì Zing Me bắt đầu đi xuống, phía VNG thừa nhận thất bại trong cuộc cạnh tranh với đối thủ đến từ nước ngoài này và họ chuyển qua phát triển ứng dụng OTT với Zalo.
Sau VNG đến lượt VTC Online là công ty thứ 2 tuyên bố sẽ vượt mặt Facebook tại Việt Nam sau 6 tháng với Mạng Việt Nam Go.vn. Một mạng xã hội được đầu tư rất nhiều với con số được tuyên bố lên đến cả ngàn tỷ và cũng được kỳ vọng rất lớn từ cơ quan chức năng. Nhưng kết cục nó đã thất bại và sau này tồn tại một cách lay lắt chứ chưa nói đến việc cạnh tranh với Facebook.
Trong thời gian này rất nhiều mạng xã hội Việt cũng ra đời như mạng xã hội âm nhạc, du lịch hay việc làm… Kể cả FPT lúc bấy giờ cũng tham gia vào lĩnh vực này với mạng xã hội Banbe.net nhưng sau đó đều thất bại.
Go.vn từng được kỳ vọng là mạng xã hội Việt thành công nhưng cũng không vượt qua được cái bóng của Facebook
Thất bại từ việc thiếu sáng tạo và thiếu tiền
Mặc dù đến năm 2018 mạng xã hội Tamtay.vn mới tuyên bố đóng cửa, hay Yume cũng hoạt động trong thời gian dài mới khai tử, tuy nhiên có thể nói cả 2 mạng xã hội đó đã thất bại ngay từ ý tưởng và mục tiêu ban đầu.
Bởi trong khi Yahoo!360 nhận thấy mình đã lỗi thời và tuyên bố rút khỏi cuộc chơi thì Tamtay.vn và Yume lại làm ra một nền tảng để thay thế cho cái lỗi thời đó. Chính vì thế việc cả 2 nền tảng này nhanh chóng tụt hậu so với Facebook chỉ trong một thời gian ngắn là một điều hiển nhiên.
Go.vn và Zing Me thất bại trước Facebook với những lý do khác nhau, trong đó theo những người làm Go.vn, họ thất bại bởi sau này không có tiền đầu tư và thiếu ý tưởng mới để đưa người dùng lên đó. Đại diện Go.vn tại thời điểm đó chia sẻ, mạng xã hội này hoạt động hoàn toàn từ nguồn tiền của VTC Online, nguồn ngân sách đầu tư không được duyệt và sản phẩm cũng không có nhiều ý tưởng mới, chính là những nguyên nhân khiến dự án nhanh chóng đi xuống và không phát triển được.
Trong khi đó, với Zing Me lúc đó tiền không phải là vấn đề, thế nhưng sản phẩm lại không có sáng tạo khi nó gần như là một bản “clone” của Facebook, tuy nhiên các tính năng công nghệ mới gần như không thể theo kịp người khổng lồ này. Bên cạnh đó, tâm lý của người dùng Việt vẫn chuộng sản phẩm chính hơn là một sản phẩm học theo Facebook nên việc thu hút người dùng sau này càng trở nên khó khăn. Một nguyên nhân nữa khiến cho Zing Me thất bại là sự bất bình đẳng trong việc quản lý mạng xã hội trong nước với dịch vụ xuyên biên giới lúc bấy giờ của cơ quan chức năng. Chuyển hướng sang OTT với nền tảng Zalo lúc đó được xem là một hướng đi đúng đắn của VNG.
Sự phát triển mạnh mẽ của Facebook đặc biệt từ các ý tưởng sáng tạo cũng như công nghệ mới liên tục được cập nhật, tạo ra được một cộng đồng khổng lồ giống như một xã hội thu nhỏ, khiến cho các mạng xã hội trong nước gần như không thể cạnh tranh được. Chính vì thế các mạng xã hội Việt chỉ hoạt động được một thời gian ngắn sau đó dần đi vào quên lãng đối với người dùng.
Có còn cơ hội cho mạng xã hội Việt?
Facebook đang thống trị mạng xã hội ở Việt Nam và thực tế để làm ra một sản phẩm nhằm thay thế hay cạnh tranh trực tiếp với nó hiện tại là điều không thể, nguồn lực tài chính cũng như công nghệ hoàn toàn không đủ để một doanh nghiệp trong nước làm được điều đó.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong ngành, các doanh nghiệp Việt vẫn còn cơ hội nếu muốn phát triển mạng xã hội ở Việt Nam, đó là tạo ra những mạng xã hội chuyên biệt. Thực tế Facebook tạo ra được cộng đồng lớn, nhưng để có những cộng đồng chuyên sâu ở một lĩnh vực lại không phải là một thế mạnh của mạng xã hội này. Chính vì thế các doanh nghiệp Việt có thể đi theo hướng phát triển những mạng xã hội theo lĩnh vực riêng như du lịch, ăn uống, sức khoẻ hay giải trí… Đặc biệt, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ để liên kết các cộng đồng này lại với nhau, tạo ra một nền tảng mạng xã hội lớn sau này.
Các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp trong nước nếu muốn phát triển mạng xã hội cần bỏ qua những suy nghĩ thiển cận như làm ra để cạnh tranh với Facebook, để đánh bại Facbook rồi quảng bá trên trời… Thay vào đó các doanh nghiệp nên tập trung vào làm sản phẩm cho tốt, tạo thiện cảm để lôi kéo người dùng về sử dụng sản phẩm của mình, nhất là luôn sáng tạo và đón đầu các xu hướng cũng như nền tảng công nghệ mới. Bởi mạng xã hội không phải chỉ là Facebook mà còn nhiều lĩnh vực và công nghệ khác.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực online nếu làm ra một sản phẩm giống cái đã thành công để cạnh tranh là điều hoàn toàn bất khả thi, thay vào đó phải làm ra một sản phẩm mà chưa ai làm tốt trước đó.
Đồng sáng lập Chris Hughes đã giúp Mark Zuckerberg biến Facebook từ dự án phòng ký túc thành doanh nghiệp thực sự. Nay, anh kêu...