Chuyển mạng giữ số: Cục Viễn thông giải đáp nhiều kiến nghị của "tân binh" Mobicast
Mobicast là "tân binh" mới tham gia chuyển mạng giữ số. Họ có mạng di động ảo Reddi (đầu số 055).
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa công bố Danh sách kiến nghị của doanh nghiệp, hội, hiệp hội, cơ quan báo chí, nhà xuất bản gửi đến hệ thống tiếp nhận và xử lý kiến nghị trực tuyến ngành TT&TT trong quý I/2022. Trong đó có kiến nghị của Công ty Cổ phần Mobicast liên quan tới công tác chuyển mạng giữ nguyên số (CMGS) giữa các nhà mạng viễn thông, đã được Cục Viễn thông (thuộc Bộ TT&TT) giải đáp chi tiết.
Mobicast là "tân binh" mới tham gia chuyển mạng giữ số. Mobicast được thành lập vào giữa năm 2020 với mạng di động ảo Reddi (đầu số 055), hoạt động dựa trên việc hợp tác sử dụng hạ tầng của nhà mạng đối tác. Tính tới ngày 14/3/2022, mạng Reddi đã thu hút 895 thuê bao đăng ký chuyển đến và chỉ có 29 thuê bao đăng ký chuyển đi. Kết quả, đã có 808 thuê bao chuyển đến thành công và 19 thuê bao chuyển đi thành công. |
Trong kiến nghị, Mobicast đánh giá, CMGS là một dịch vụ viễn thông cơ bản mà mọi người dân được hưởng. Ở nhiều nước, dịch vụ CMGS được thực hiện online với thời gian hoàn thành chỉ trong 1 - 2h. Tuy nhiên, thực tế dịch vụ CMGS hiện nay tại Việt nam đang gặp nhiều khó khăn khiến cho tỉ lệ người CMGS thành công trên số có yêu cầu CMGS còn thấp.
Mobicast cung cấp mạng di động ảo Reddi, là "tân binh" chuyển mạng giữ số.
Mobicast chỉ ra một số vấn đề với dịch vụ CMGS:
1. Các quy định trong Thông tư 35/2017/TT-BTTTT còn chung chung, chưa quy định cụ thể trách nhiệm các nhà mạng khiến cho thực tế các nhà mạng thực hiện không theo tiêu chuẩn.
2. Các hệ thống kỹ thuật của các nhà mạng không đáp ứng được việc truy xuất và thực hiện CMGS online, thủ công nhiều làm cho dịch vụ vừa chậm vừa không chính xác, thông tin thiếu minh bạch.
3. Các nhà mạng đưa ra các rào cản về các gói cam kết, cam kết không CMGS làm cản trở người dân thực hiện quyền CMGS.
4. Các thuê bao CMGS sử dụng các dịch vụ OTT gặp nhiều vấn đề về chất lượng, cần vai trò của Trung tâm CMGS, Cục viễn thông làm đầu mối rà soát, yêu cầu các đơn vị cung cấp nội dung kết nối với cơ sở dữ liệu CMGS để cải thiện chất lượng dịch vụ OTT cho các thuê bao CMGS.
Trả lời Mobicast, Cục Viễn thông cho biết:
Những nội dung mà Mobicast nêu ra không phải là vấn đề mới, nhưng rất khó để giải quyết triệt để trong thời gian ngắn. Hiện nay, Cục Viễn thông và các nhà mạng vẫn đang từng bước khắc phục, hoàn thiện để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Về vấn đề chuyển mạng online
Vấn đề này đã được Cục Viễn thông và các nhà mạng họp bàn tại các buổi họp giao ban và sơ bộ thống nhất một số nội dung, quy trình kỹ thuật (trong đó có eKYC trực tuyến) để thuê bao đăng ký online.
Tuy nhiên, theo Cục Viễn thông, hành lang pháp lý hiện nay là Nghị định 49/NĐ-CP yêu cầu thuê bao bắt buộc phải đến các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp để thực hiện các thủ tục đăng ký thông tin thuê bao, sử dụng dịch vụ chuyển mạng, giao kết hợp đồng/điều kiện giao dịch chung, bàn giao SIM di động trước khi sử dụng dịch vụ. Do đó, việc triển khai chuyển mạng online là chưa phù hợp với hành lang pháp lý hiện hành.
Các nội dung này đã được Cục Viễn thông đề xuất đưa vào Nghị định 25 sửa đổi, sau khi ban hành sẽ có cơ sở pháp lý triển khai ngay CMGS theo hình thức online.
Về việc rút ngắn thời gian chuyển mạng
Hiện nay, các quy trình nghiệp vụ liên quan đến “Trung tâm chuyển mạng” đều được tự động hóa nên việc giảm bớt bộ đếm timer là không có vướng mắc. Vấn đề chủ yếu là ở các nhà mạng trong các bước “đăng ký chuyển mạng”, “xét và duyệt chuyển mạng”, “cắt - mở dịch vụ di động”. Nếu các mạng tự động hóa được các quy trình này hoặc giảm bớt được thời gian, thì việc rút ngắn thời gian có thể thực hiện được.
Do đặc điểm hiện trạng mạng lưới của các doanh nghiệp khác nhau nên khả năng đáp ứng về thời gian xử lý chuyển mạng cũng khác nhau. Tuy nhiên trong thời gian tới, khi sửa đổi Thông tư 35, Cục Viễn thông sẽ xem xét điều chỉnh quy định về thời gian chuyển mạng để đảm bảo người dùng có trải nghiệm tốt nhất.
Cũng theo Cục Viễn thông, thời gian qua, Cục này đã chủ động giảm một số bộ đếm timer. Theo đó, thời gian trung bình một thuê bao chuyển mạng đã giảm từ 3 ngày xuống còn 2 ngày.
Về việc tự động hóa quy trình chuyển mạng
Qua khảo sát, hiện nay có Viettel cơ bản đã tự động hóa 100% quy trình chuyển mạng.
Trong khi đó, một số nhà mạng vẫn còn thực hiện quy trình bằng tay, đặc biệt là việc xét duyệt thuê bao chuyển mạng. Việc này có nhiều lý do, trong đó chủ yếu do năng lực hệ thống hạn chế và thông tin thuê bao bị phân tán tại nhiều cơ sở dữ liệu địa phương. Vì vậy dẫn đến một số tồn tại như Mobicast đã nêu.
Về việc giảm bớt rào cản về các gói cam kết
Đây cũng là vấn đề được đưa ra rất nhiều trong các cuộc họp và cần được thống nhất của tất cả các nhà mạng trước khi đưa vào triển khai. Theo thống kê, số lượng từ chối bởi lý do này lên đến hơn 72% tổng số lý do từ chối chuyển mạng.
Trên tinh thần minh bạch hóa CMGS, Cục Viễn thông đã yêu cầu các nhà mạng công khai gói cước (có cam kết) kèm các điều khoản đền bù, giải phóng thuê bao để khách hàng tra cứu khi đăng ký chuyển mạng. Bên cạnh đó, Cục đã vận động các mạng thống nhất không gắn điều kiện "không chuyển mạng" vào các gói cước cam kết ngày.
Về việc cung cấp dịch vụ OTT
Theo quy định tại Thông tư 35, dịch vụ chuyển mạng không bao gồm việc tiếp tục duy trì cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng và dịch vụ ứng dụng viễn thông mà thuê bao đăng ký dịch vụ chuyển mạng đang sử dụng tại doanh nghiệp chuyển đi. Do đó, thuê bao chuyển mạng phải đăng ký lại các dịch vụ GTGT khi tiếp tục có nhu cầu sử dụng.
Đối với vấn đề nhận mã OTP từ nhà cung cấp dịch vụ nội dung, Cục Viễn thông đã nhiều lần hướng dẫn Mobicast. Trong đó, đề nghị Mobicast liên hệ trực tiếp với CP hoặc mạng gốc để chuyển tiếp lưu lượng từ CP đến thuê bao chuyển mạng (các mạng khác đều đã thực hiện). Hệ thống của Cục Viễn thông không kết nối trực tiếp đến các CP nên không thực hiện theo đề nghị của Mobicast.
"Hiện nay, Cục Viễn thông đang trong quá trình xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 35/2017/TT-BTTTT với mong muốn thúc đẩy hơn nữa việc phát triển CMGS. Trong đó, Cục dự kiến trình lãnh đạo Bộ một số chủ trương, thay đổi lớn để mở rộng hành lang pháp lý, giảm bớt điều kiện chuyển mạng", Cục Viễn thông cho biết.
Viettel và Vietnamobile là hai cái tên nổi bật bởi những con số "khủng" về lượng thuê bao có thêm hoặc mất đi.
Nguồn: [Link nguồn]